Học cách chống tham nhũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
24/06/2019 06:59
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm nông dân đang gặt lúa trên cánh đồng xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ, Thái Nguyên |
Giai đoạn đầu khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vừa được thành lập, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vẫn đang ở giai đoạn ác liệt, tuy nhiên Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn chú trọng việc phát hiện và trừng trị thích đáng một loại giặc nội xâm khá nguy hiểm “nằm trong các tổ chức của ta”, đó là nạn tham nhũng. hối lộ của các quan chức trong bộ máy công quyền. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “đây là một mặt trận không thể một phút buông lơi vũ khí”.
Trong điều kiện một đảng cầm quyền, vấn đề chống tham nhũng, hối lộ, lãng phí của công càng trở nên rất quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quá trình lãnh đạo đất nước thời kỳ kháng chiến, kiến quốc đã đúc kết thành bài học thực tiển rằng: Có những người trong lúc chiến đấu thì hăng hái, trung thành không sợ nguy hiểm, không sợ cực khổ, không sợ quân địch, không sợ hy sinh xương máu, nghĩa là có công với cách mạng; song, đến khi có ít nhiều quyền lực ở trong tay thì đâm ra kiêu ngạo, xa xỉ, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cho nên lại biến thành người có tội với cách mạng, với nhân dân … Có những người miệng thì nói phụng sự tổ quốc, phụng sự nhân dân, nhưng lại tham ô, tham nhũng, lãng phí, làm hại đến tổ quốc, nhân dân…
Lãnh tụ Hồ Chí Minh phân tích nguyên nhân dẫn đến tội tham ô, tham nhũng lãng phí và bệnh quan liêu của cán bộ công chức đó là: người đứng đầu các cấp không sát thực tế, không theo dõi và giáo dục cán bộ, không gần gũi quần chúng, chỉ biết khai hội, viết chỉ thị, xem báo cáo trên giấy, không kiểm tra, thanh tra đến nơi đến chốn… có mắt mà không thấu suốt, có tai mà không nghe thấu, có chế độ mà không biết giữ, có kỷ luật mà không tuân thủ, kết quả là những người xấu, những cán bộ yếu kém tha hồ mà tham nhũng, lãng phí hoặc cố tình bao che, dung túng cho nạn tham ô, tham nhũng, lãng phí để cùng nhau hưởng lợi riêng…
Nghiên cứu tư tưởng chống tham nhũng của Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng chục năm trước, chúng ta soi rọi lại các vụ trọng án về kinh tế gây chấn động dư luận hiện nay như Vinasine – Vinaline, vụ dánh bạc ngàn tỉ, vụ Vũ Nhôm, Trần Bắc Hà và nhiều vụ án nghiêm trọng khác đã và đang được các cơ quan chức năng điều tra, ta thấy sự ứng nghiệm quá rõ.
Giá như những người lãnh đạo và những cơ quan, doanh nghiệp nhà nước này hiểu rõ lời cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì đất nước hiện nay đã đỡ tổn thất hàng trăm ngàn tỷ đồng, số tiền đủ để xây dựng, phát triển kinh tế, đổi mới đất nước, tăng cường nguồn lực an ninh quốc phòng, xây dựng thêm hàng chục ngàn trường học, bệnh viện cho các vùng nông thôn, miền núi, vùng khó khăn trên mọi miền đất nước.
Quốc nạn tham nhũng, lợi ích nhóm hiện nay chính là “kẻ thù không mang gươm, mang súng” mà rất nguy cơ cho sự tồn vong của chế độ, của đất nước. Chính vì thế mà lãnh tụ Hồ Chí Minh từng khẳng định với tất cả cán bộ và đảng viên thời ấy rằng: “Tội ấy cũng nặng ngang với tội làm Việt gian, mật thám”. Bác Hồ không hề nhân nhượng với các đối tượng mắc vào tội tham ô, tham nhũng. Người từng ra lệnh xử tử hình đối với một sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam là Đại Tá Trần Dụ Châu – Cục trưởng cục quân nhu vì tội tham nhũng, lãng phí.
Khi đó dù đất nước còn rất nghèo đói nhưng ông đại tá này vẫn tổ chức tiệc cưới cho con cực kỳ xa xỉ, với tràn ngập sơn hào, hải vị, rượu ngoại và thuốc lá ngoại, mới hàng trăm khách tham dự. Bác đã Chỉ đạo thanh tra, xác minh và phát hiện ông đại tá đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn thủ trưởng Cục Quân nhu để bòn rút tài sản quốc phòng, ngân sách của nhà nước.
Đối chiếu với những vụ đại án kinh tế đã và đang phát hiện trong những năm gần đây ở nước ta, liệu chúng ta có nên nhẹ tay với bọn tham nhũng, lợi ích nhóm đang làm khánh kiệt đất nước. Sự nghiêm minh của lãnh đạo Đảng trong phòng, chống tham nhũng và trừng trị bọn tham nhũng những năm gần đây chưa phải là cách chữa bệnh tham nhũng, lợi ích nhóm tận gốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu ắt phải dựa vào lực lượng quần chúng mới thành công. Quần chúng tức là toàn thể các chiến sĩ trong quân đội, toàn thể công nhân trong xưởng, toàn thể nhân viên trong cơ quan, … rồi đến toàn thể nhân dân. Cũng như mọi việc khác, việc “chống” này phải động viên quần chúng, phải thực hành dân chủ, phải làm cho quần chúng hiểu rõ, làm cho quần chúng hăng hái tham gia thì mới chắc thành công”. Ngoài ra cần thực hiện nghiêm túc tư tưởng “không có vùng cấm” trong xữ lý bọn tham nhũng của Đảng ta mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng chỉ đạo.