Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giai cấp nông dân Việt Nam

Lượt xem: 171

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Anh hùng Lao động Phạm Thị Nghèng. (Ảnh: baoquangbinh.vn)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Anh hùng Lao động Phạm Thị Nghèng. (Ảnh: baoquangbinh.vn)

Nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dù bất kỳ từ góc độ quân sự, chính trị, khoa học hay ngoại giao, chúng ta đều ngưỡng mộ trước một người có trí tuệ mẫn tiệp, tâm đức ngời sáng và tầm vóc phi thường. Những di sản mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp để lại cho Nhân dân ta, Quân đội ta và nền quốc phòng toàn dân của chúng ta, theo thời gian, ngày càng hiển lộ thêm nhiều giá trị sâu sắc và ý nghĩa to lớn. Với tinh thần khoa học và tâm thế tri ân, chúng ta cần có những chuyên khảo công phu hơn, trên nền tảng tư liệu đầy đủ hơn nữa, mới có thể đánh giá sâu sắc, toàn diện mối quan hệ nhiều ý nghĩa nói trên. Trong phạm vi bài viết này, tôi đề cập đến 6 khía cạnh quan trọng trong mối quan hệ giữa Đại tướng với Giai cấp nông dân Việt Nam trong hơn một thế kỷ qua.

Trước hết, mối quan hệ giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp với giai cấp nông dân Việt Nam rất sâu sắc ngay từ thuở ban đầu, gắn bó máu thịt “như cá với nước”.

Có thể nói rằng, cùng với nền tảng văn hóa – lịch sử dân tộc, những hoàn cảnh đặc biệt đầu thế kỷ XX đã trực tiếp “sinh ra” và bồi đắp phẩm chất vị lãnh tụ vĩ đại Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh và vị tướng văn võ song toàn Võ Nguyên Giáp cùng nhiều chiến sĩ cách mạng kiên trung khác.

Một trong những dấu ấn đặc biệt chưa từng phai mờ trong tâm trí giai cấp nông dân Việt Nam, đó là tác phẩm “Vấn đề dân cày”mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nghiên cứu, viết cùng đồng chí Trường Chinh năm 1937 (ký là Qua Ninh – bút danh của Trường Chinh) và Vân Đình (bút danh của Võ Nguyên Giáp). “Vận dụng lý luận của nghĩa Mác – Lê-nin, đường lối của Đảng Cộng sản Đông Dương lúc đó và thực tiễn khảo sát đời sống nông thôn, các tác giả đặt vấn đề nghiên cứu thực trạng nông thôn Việt Nam dưới ách áp bức thực dân và phong kiến, đề cập đến vấn đề ruộng đất và dân cày. Cuốn sách phê phán một số nhận thức quan điểm sai lầm đối với dân cày và vạch rõ vị trí của người dân cày trong cách mạng Việt Nam. Cuốn sách lên tiếng tố cáo chính sách phản động của đế quốc phong kiến về ruộng đất, tô thuế, nạn vay lãi nặng… và nêu lên yêu sách của dân cày Đông Dương trước Mặt trận nhân dân” (1).

Những gì đã diễn ra trong cuộc Cách mạng Tháng Tám và hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, cũng như quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế trong hơn 30 năm qua, đã minh chứng cho những luận điểm mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Trường Chinh nêu ra. Cho đến tận ngày nay, khi Đảng ta tiếp tục lãnh đạo đất nước tiến lên mục tiêu quốc gia Công nghiệp có thu nhập cao vào năm 2045 (mốc kỷ niệm 100 năm thành lập nước) như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra, nhận định về giai cấp nông dân vẫn còn nguyên giá trị.

Như vậy, tuổi thanh xuân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gắn bó mật thiết với người nông dân Việt Nam, vui niềm vui của người nông dân, đau nỗi đau của nông dân dưới hai tầng áp bức, nô lệ. Nỗi đau đó đã được người chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi chuyển hóa thành hành động, mở đầu hành trình tìm đến Ánh sáng cách mạng để giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân.

Thứ hai, hình ảnh Đại tướng trong lòng người nông dân Việt Nam như một người thân trong gia đình, nghiêm nghị nhưng gần gũi.

Không chỉ tỏa sáng ở phẩm chất trí – dũng song toàn, Đại tướng còn khẳng định ở bậc cao hơn một bậc, đó là phẩm chất “Nhân tướng”. Vị tướng lấy đạo nhân nghĩa làm gốc, trên nền tảng của đường lối Chiến tranh nhân dân và tư tưởng nhân văn “đem đại nghĩa để thắng hung tàn” (2) của tiền nhân đã làm rung động đến trái tim của hàng chục triệu nông dân Việt Nam. Họ là những người cha, người mẹ, anh chị em, con cháu… của những người lính từ ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam đến nay.

Phẩm chất “Nhân tướng” ấy bộc lộ ở nhiều tầng ý nghĩa, mà tầng nào cũng có sức rung động lòng người. Bằng cả cuộc đời 103 năm của mình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, với thiên tài dùng người của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã có những chiến công sáng chói, góp phần quan trọng, và ở một số thời điểm đã góp phần quyết định, cùng Đảng và nhân dân ta chiến thắng oanh liệt, đạt mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, đem lại tự do cho nhân dân, ruộng đất cho dân cày.

Trong hồi ký của mình, Đại tướng từng chia sẻ: Phải chỉ huy một đội quân trang bị nghèo nàn chống lại những đội quân trang bị tối tân, không thể nào giành chiến thắng mà không cần phải hy sinh, ông không thể thay đổi điều đó mà chỉ có thể tìm cách hạn chế tối đa mức độ hy sinh.

Cố Thượng tướng Trần Văn Trà trong hồi ký của mình, từng viết về Đại tướng: “Anh Văn được hưởng niềm yêu mến gần như tuyệt đối của toàn quân… Anh là Tư lệnh của các Tư lệnh, Chính ủy của các Chính ủy, là Tổng Tư lệnh biết đau với từng vết thương của người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh. Anh Văn trở thành cây đa rợp bóng mát tình yêu thương đồng đội”… “Có trận thắng vang dội, nhưng mất nhiều lính quá, người ta vỗ tay rầm trời, còn Đại tướng thì lặng lẽ khóc ở Sở chỉ huy. Nhiều khi úp mặt xuống phên tre mà khóc, nước mắt đầm đìa cả cái gối mây. Những điều ấy thì không phải ai cũng biết…”.

Tâm thế “tướng sĩ một lòng phụ tử” ấy đã đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp trở thành vị tướng trọn vẹn trong tim người lính cũng như trong lòng người nông dân. Vì vậy, không có gì khó hiểu khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần vào ngày 4/10/2013, cán bộ, hội viên nông dân khắp nơi trong cả nước để tang bày tỏ tiếc thương, nhiều gia đình nông dân đã đưa hình ảnh Đại tướng lên bàn thờ, ngay dưới ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bên cạnh di ảnh của các bậc gia tiên của họ.

Thứ ba, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tầm nhìn xa trông rộng và có tư duy khoa học về phát triển nông lâm, ngư nghiệp bền vững và quy tụ được sự ủng hộ, hỗ trợ nhiệt thành của các nhà nghiên cứu khoa học.

Đến khi đất nước thống nhất, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội, nhiều giải pháp được đặt ra trong “Vấn đề dân cày” đã được hiện thực hóa. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, họ cũng đang đối mặt với khó khăn thử thách mới. Trên cương vị Phó Thủ tướng hay Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, với uy tín và trí tuệ mẫn tiệp của mình, mỗi ý kiến chỉ đạo hay gợi ý của Đại tướng về khai thác kinh tế biển, khai thác năng lượng thủy triều, đưa khoa học kỹ thuật công nghệ vào phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và nhiều lĩnh vực khác…, vẫn mang tầm chiến lược, thậm chí có những ý tưởng sớm hàng chục năm.

Người nông dân Hậu Giang, Cần Thơ vẫn còn nhớ, vào mùa hè năm 1977, Đại tướng đến thăm Trường đại học Cần Thơ, và nóng lòng đi ngay ra ruộng thí nghiệm để xem các giống lúa đang trồng thử nghiệm, xem cánh đồng nhân giống lúa kháng rầy nâu IR36 để trồng ở các địa phương có diện tích lúa đang bị rầy nâu tàn phá nặng nề.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Anh hùng lao động Võ Tòng Xuân – một chứng nhân của sự kiện đó kể lại: Thực hiện lời của Đại tướng, vào vụ đông xuân 1977 – 1978, thầy trò đại học Cần Thơ đã đóng cửa trường trong hai tháng, mang 2.000 kg lúa giống IR36 để cấy tại 2.000 điểm bị rầy nâu tàn phá. Từ 2.000 điểm đó, nông dân chia nhau nhân nhanh giống, chỉ trong hai vụ lúa là đã chặn đứng “giặc rầy nâu”.

Ngư dân Việt Nam không quên vào năm 1977, sau khi đi thăm các đảo Côn Lôn, Thổ Chu, Cô Tô và hai tỉnh duyên hải miền trung tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp với cương vị là Phó Thủ tướng Chính phủ đã triệu tập hội nghị lần thứ nhất về biển tại Nha Trang. “Chúng ta cần phải nhanh chóng khắc phục sự lạc hậu trong hiểu biết về biển cả, để góp phần thúc đẩy việc khai thác tốt hơn những nguồn lợi mà biển cả sẽ đem lại cho đất nước ta” (3). Tại đây, Đại tướng đã “đặt hàng” cho các nhà khoa học nghiên cứu về điện thủy triều và nhiều nội dung mới khác.

Bảy năm sau, tại Hội nghị khoa học về biển lần thứ III diễn ra ngày 8/6/1985, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục phân tích những giá trị to lớn của Biển Đông về kinh tế, quốc phòng, an ninh và thẳng thắn nhìn nhận chúng ta còn chưa chú trọng phát triển kinh tế biển, thiếu tư duy tiến ra biển. Đại tướng nói: “Phải đặc biệt chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh… Việc phân bố lực lượng sản xuất, phân bố lại lao động, phát triển kinh tế biển của các ngành, các địa phương phải theo sự bố trí chiến lược thống nhất, nhằm làm chủ cả về kinh tế và quốc phòng. Thế bố trí về mặt địa bàn vừa tạo điều kiện khai thác toàn diện và tổng hợp các nguồn tài nguyên, vừa hình thành một thế trận liên hoàn có chiều sâu, thuận lợi cho tác chiến” (4).

Đại tướng nói cần xây dựng vùng biển vững mạnh về kinh tế, có đời sống văn hóa và tinh thần tốt đẹp, phát triển đồng đều trên suốt dải ven biển. Có xây dựng vùng biển giàu mạnh thì mới có thể giữ biển được vững chắc. Đặc biệt, phải đẩy mạnh phát triển du lịch ven biển… Như vậy, với những nhận định và định hướng mang tầm chiến lược từ rất sớm ấy, có thể nói Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đầu tiên đề xuất về chiến lược biển toàn diện, mà sau này, đến đầu thế kỷ XXI, chúng ta mới hiện thực hóa bằng các chủ trương, cơ chế, chính sách cụ thể, chi tiết.

Thứ tư, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người đã hiện thực hóa thành công đường lối “Chiến tranh nhân dân” trong thời đại Hồ Chí Minh với việc nhìn thấy và huy động được sức mạnh từ mỗi người người nông dân như một người chiến sĩ trong cuộc chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ sự sinh tồn của đất nước.

Đường lối “Chiến tranh nhân dân” không phải đến thế kỷ XX chúng ta mới có. Trong hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, cha ông ta trong nhiều triều đại như Đinh, Lý, Trần, Lê… qua quá trình chống giặc ngoại xâm đã hình thành và và áp dụng chiến tranh nhân dân với nhiều hình thức sáng tạo, hiệu quả. Nhưng chỉ dưới ngọn cờ cách mạng do Đảng ta lãnh đạo, giai cấp Công – Nông là lực lượng nòng cốt, đoàn kết các giai tầng yêu nước khác để thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và cuộc cách mạng dân chủ, nhân dân, thì giai cấp nông dân, người nông dân mới được đặt vào một vai trò chính trị nền tảng. Với tầm nhìn của một chính trị gia xuất sắc và tài năng quân sự mẫn tiệp, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không chỉ đã tổ chức, rèn luyện và lãnh đạo một đội quân từ những nông dân áo lính đến quân đội chính quy, mà còn rất tài tình trong việc huy động từng người dân, trong đó phần lớn là người nông dân tham gia vào đội quân cách mạng.

Điển hình là trong chiến dịch Điện Biên Phủ, lực lượng dân công hỏa tuyến với hơn 2 vạn người và xe thồ được gọi vui là một “binh chủng” đặc biệt bên cạnh những binh chủng của quân đội – “binh chủng” có một không hai trong lịch sử quân sự thế giới. Và với chiến thắng Điện Biên Phủ, hay những trận chiến khác, Đại tướng nhiều lần nói rằng đó không phải chỉ là chiến thắng của Quân đội, mà chính xác là chiến thắng của Nhân dân, có đóng góp quyết định của lực lượng nông dân.

Chiến tranh nhân dân, theo Đại tướng lý giải, nếu gói gọn trong một từ, đó là cuộc chiến “vì dân” và “do dân” – “Vì dân là vì mục tiêu chiến tranh là mục tiêu của nhân dân, như là độc lập, thống nhất đất nước, và hạnh phúc cho mọi người. Còn do dân nghĩa là thường dân, không chỉ là quân đội mà bao gồm tất cả người dân… Chúng tôi biết rằng chính nhân tố con người chứ không phải các nguồn lực vật chất quyết định kết quả của cuộc chiến. Đó là lý do vì sao mà cuộc chiến nhân dân của chúng tôi, do Hồ Chí Minh lãnh đạo, lại diễn ra trên một quy mô lớn như vậy. Nó lôi cuốn sự tham gia của toàn thể dân chúng” (5).

Thứ năm, tình cảm của Tướng Giáp đối với người nông dân đã vượt lên cao hơn mối quan hệ tình cảm, trách nhiệm lãnh đạo – công dân, ở một chừng mức nào đó, Đại tướng đã mang phẩm chất của người quy tụ tinh thần, là một hiện thân lý tưởng cách mạng cao đẹp của Đảng và Bác Hồ, thao thức thực hiện đến cùng việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân.

Trong ký ức của nhiều cán bộ Hội Nông dân Việt Nam vẫn còn nhớ đến việc vào một thời điểm cụ thể sau năm 2000, ngành thuế đã dự thảo chính sách dự kiến đưa đối tượng nông dân sản xuất kinh doanh giỏi (những hộ có thu nhập cao hàng trăm triệu đồng/năm trở lên) vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, trong bối cảnh Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu thiên tai thường xuyên nhất, tính chất sản xuất, kinh doanh nông nghiệp của đại đa số nông dân, kể cả nông dân sản xuất giỏi vẫn phải chịu nhiều rủi ro, trong khi đó bảo hiểm nông nghiệp vẫn chưa được triển khai. Triệu phú cũng có thể trắng tay sau một trận bão lũ. Vì vậy Hội Nông dân Việt Nam đã lên tiếng kiến nghị ngành thuế chưa đưa nông dân vào diện đóng thuế thu nhập cá nhân để tạo điều kiện cho phong trào nông dân sản xuất giỏi phát triển mạnh hơn nữa.

Biết được tin này, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gọi điện, viết thư đến một số nơi cần đến, đề nghị Đảng và Nhà nước chưa đánh thuế thu nhập đối với các hộ nông dân giỏi có thành công bước đầu. Sau đó, việc thu thuế thu nhập đối với các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã không trở thành chính sách. Đại tướng là người góp tiếng nói chung để có kết quả này.

Trong một lần về thăm quê vào năm 1990, Đại tướng đã đến thăm, làm việc và trò chuyện với cán bộ Hội Nông dân Quảng Bình. Đại tướng nói: “Tôi làm quân sự, nhưng từng là chuyên gia dân cày nên rất quan tâm đến nông dân và công tác Hội Nông dân”. Đại tướng căn dặn: “Quảng Bình trong chiến tranh là tuyến lửa, bị tàn phá nặng nề. Bây giờ hòa bình rồi, nhưng Quảng Bình lại nằm trong vùng thiên tai khắc nghiệt, cát trắng, gió Lào, nền nông nghiệp phụ thuộc vào tự nhiên, đời sống bà con còn khó khăn, nghèo khổ. Hội Nông dân phải nỗ lực hơn nữa để vươn lên xây dựng Hội vững mạnh, làm tốt chức năng của mình, vận đông bà con nông dân làm tốt thủy lợi, thâm canh các loại cây con có hiệu quả kinh tế cao để xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu. Đặc biệt, Hội phải chống cho được tư tưởng bảo thủ, phải tiếp thu khoa học kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất để có năng suất cao. Làm thế nào Hội phải là chỗ dựa vững chắc cho bà con vươn lên…”.

Đại tướng căn dặn thêm, phải phát triển nền kinh tế hàng hóa, xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, nếu độc canh, độc nông thì nghèo; nghiên cứu để phát triển kinh tế vùng gò đồi; phải trồng rừng nhiều hơn nữa, phải trồng cây gây rừng phủ xanh đồi cát, để phát triển bền vững.

Thứ sáu, trong suốt cuộc đời cách mạng từ gian khổ đến vinh quang, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đặc biệt giữ gìn kỷ luật của người cán bộ cách mạng, nêu gương sáng và để lại nhiều bài học quý cho việc xây dựng văn hóa nông thôn mới.

Có rất nhiều câu chuyện cảm động đã được báo chí và các địa phương đã lưu lại như những kỷ niệm quý giá.

Vào năm 2003, phái 2 của dòng họ Võ bàn chuyện xây dựng nhà thờ họ. Lúc đầu, các cụ cao niên trong phái thống nhất mua gỗ lim để làm và đã được Công ty Lâm công nghiệp Long Đại đồng ý bán gỗ lim với giá ưu đãi. Tuy nhiên, khi mọi người hỏi ý kiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã không đồng ý việc dùng gỗ rừng để làm nhà thờ. Đại tướng nói: “Nếu dùng gỗ lim để làm nhà thờ họ thì chắc chắn, nhưng cả nước này có hàng nghìn, hàng vạn dòng họ cần làm nhà thờ, ai cũng như mình mua gỗ rừng để làm thì rừng đâu còn gỗ mà lấy…!”. Cuối cùng phương án được dòng họ chọn là đến Hương Sơn (Hà Tĩnh) tìm mua gỗ mít thay cho gỗ lim như ý định ban đầu. Năm 2004, ngôi nhà thờ họ hoàn thành, Đại tướng về thắp hương. Ông rất vui và nói với bà con trong dòng họ: “Rừng có vai trò cực kỳ quan trọng đối với môi trường sống của tất cả chúng ta. Chính rừng đã điều hòa nguồn nước, khí hậu giúp chúng ta tránh khỏi thiên tai, bão lụt. Trách nhiệm bảo vệ rừng cũng không phải của riêng lực lượng chức năng mà của tất cả mọi người dân. Vì vậy, vừa rồi chúng ta đã đổi gỗ lim sang gỗ mít để làm nhà thờ, mục đích tránh được một phần ảnh hưởng xấu đến rừng, là một việc rất nên làm” (6). Đó là một câu chuyện đẹp về cách hành xử văn minh và tôn trọng đối với văn hóa truyền thống Việt Nam, đồng thời có gợi ý sâu xa cho Chương trình nông thôn mới của thế kỷ XXI mà Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đang xây dựng hiện nay.

Còn nhiều, rất nhiều câu chuyện cảm động và ý nghĩa giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và người nông dân Việt Nam ở nhiều miền đất nước. Ôn lại kỷ niệm về Đại tướng, thêm một lần nữa để khẳng định rằng, Đại tướng sống mãi trong tim người nông dân và giai cấp nông dân Việt Nam.

————————

[1] Năm 1938, Lịch sử Biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, Tập 2 – Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội – 2008.

[2] Trích “Bình Ngô đại cáo” – Nguyễn Trãi.

[3] Nguồn: Sách “Võ Nguyên Giáp – Hào khí trăm năm” – Nhà xuất bản Trẻ, 2012). Tác giả Trần Thái Bình.

[4] Sách đã dẫn – [3]

[5] “Tướng Giáp phân tích về Chiến tranh nhân dân trên đài Mỹ” – Đài Tiếng nói Việt Nam, 6/10/2013; https://vov.vn/the-gioi/ho-so/tuong-giap-phan-tich-ve-chien-tranh-nhan-dan-tren-dai-my-284019.vov

[6] Nguồn: Báo Tiền Phong, 3/02/2019; https://tienphong.vn/dai-tuong-vo-nguyen-giap-va-tu-duy-xanh-post1085358.tpo.

Nguồn: baobacgiang.com.vn