Phát triển kinh tế trang trại sản xuất nông nghiệp hàng hóa ở Bắc Giang
14/09/2010 16:42
Toàn tỉnh hiện có 5.510 trang trại, tăng 3.830 trang trại so với năm 2005. Trong đó có 708 trang trại cây ăn quả, 80 trang trại lâm nghiệp, 420 trang trại chăn nuôi lợn, 3.900 trang trại chăn nuôi gia cầm và tổng hợp, 420 trang trại thuỷ sản. Đã có nhiều mô hình trang trại cho thu nhập cao, khẳng định là hình thức sản xuất nông nghiệp hàng hoá có hiệu quả.
Thực hiện Nghị quyết 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về “Phát triển kinh tế trang trại”, trong những năm qua nhiều mô hình kinh tế hộ đã có những bước chuyển đổi thành công từ tự cấp, tự túc sang sản xuất hàng hoá trên cả 3 lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Toàn tỉnh có trên 20 ngàn mô hình kinh tế vườn đồi có diện tích từ 0,5 ha trở lên, khoảng 55.000 ha đất có giá trị thu hoạch trên 50 triệu/ha/năm, trên 28 ngàn hộ đạt tiêu chí thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Ở tất cả các huyện, thành phố đều xuất hiện các mô hình thu lãi hàng trăm triệu đồng/năm. Tiêu biểu như hộ ông Bùi Đức Long, xã Hồng Giang, Lục Ngạn trồng 2 ha cam Đường Canh, doanh thu đạt 1,5 tỷ đồng/năm; ông Nguyễn Văn Được, mô hình chăn nuôi lợn, thả cá và trồng bưởi Diễn doanh thu đạt 2,4 tỷ đồng/năm; ông Bùi Văn Thắng, xã Bảo Sơn huyện Lục Nam mô hình tổng hợp chăn nuôi lợn, cá, cây cảnh có doanh thu đạt 450 triệu đồng/năm, vv…
Kinh tế trang trại đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và sản xuất hàng hoá, từ năm 2002 đến hết năm 2009 tổng diện tích chuyển đổi từ ruộng trũng cấy lúa một vụ không ăn chắc sang nuôi trồng thuỷ sản là 4.430 ha, diện tích nuôi cá thâm canh cao đạt 800 ha, diện tích nuôi cá tập trung với quy mô diện tích từ 3 ha trở lên là 2.500 ha. Một số nơi nuôi thuỷ sản tập trung, thâm canh đã phát huy hiệu quả kinh tế cao, năng suất cá nuôi đạt từ 8-10 tấn/ha (điển hình như Nghĩa Trung huyện Việt Yên; Cao Thượng, Song Vân, Ngọc Châu huyện Tân Yên; Song Mai TP Bắc Giang). Toàn tỉnh đã có 420 trang trại chăn nuôi lợn, trong đó có 250 cơ sở chăn nuôi với quy mô từ 100 con/lứa trở lên. Trên địa bàn tỉnh đã hình thành vùng chăn nuôi gia cầm hàng hoá tập trung theo quy mô trang trại, gia trại. Đến nay tổng số trang trại chăn nuôi gia cầm khoảng 3.900 trang trại với quy mô 3,5 triệu con tập trung ở các huyện Yên Thế, Tân Yên, Lục Nam… Sản xuất lâm nghiệp đã hình thành vùng nguyên liệu gỗ tập trung với diện tích gần 50.000 ha; đã có sự đầu tư thâm canh và sử dụng 100% cây giống có chất lượng chủ yếu là cây nhân bằng phương pháp nuôi cấy mô và giâm hom, nên đã nâng cao năng suất và chất lượng rừng trồng.
Tuy nhiên, việc hình thành và phát triển kinh tế trang trại trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ một số hạn chế cần khắc phục. Phần lớn cá chủ trang trại thiếu thông tin, chưa nắm được quy hoạch, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Việc chưa hoàn tất thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các trang trại cũng đang là một trở ngại lớn, đến hết năm 2009 toàn tỉnh mới có 1.400 trang trại đựơc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (chiếm 25%), do vậy nhiều chủ trang trại có năng lực về tài chính song chưa dám đầu tư lớn. Việc tiêu thụ nông sản còn khó khăn, phần lớn các chủ trang trại tự tìm đầu ra, sản xuất thiếu sự liên kết 4 nhà “nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nước”; khâu chế biến nông sản và công nghệ sau thu hoạch chưa phát triển nên thị trường tiêu thụ nông sản của trang trại chưa ổn định. Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng nông thôn (đường giao thông, điện…) mặc dù đã được đầu tư xong còn yếu kém. Đặc biệt trước khi có Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, nhiều trang trại trên địa bàn rất cần vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng việc vay vốn từ các tổ chức tín dụng còn khó khăn do thiếu tài sản thế chấp. Ngoài ra, việc hỗ trợ đào tạo, chuyển giao khoa học công nghệ, cung cấp thông tin, xúc tiến đầu tư và xúc tiến thương mại cho trang trại còn ít được quan tâm, chưa thường xuyên; việc sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại tuy đã thực hiện nhưng còn chậm.
Mặc dù Nghị quyết 03 của Chính phủ về các chính sách của Nhà nứơc về phát triển kinh tế trang trại được triển khai, tỉnh đề ra những giải pháp và cơ chế chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển trang trại nhưng chưa có sự thống nhất cao của các ngành, các cấp. Quan điểm này thể hiện trong phương thức làm việc còn có sự phân biệt nhất định giữa các loại hình, giữa các đơn vị sản xuất thuộc các thành phần kinh tế khác nhau. Phần lớn các chủ trang trại chưa được đào tạo, sản xuất kinh doanh dựa vào kinh nghiệm là chủ yếu. Nhiều trang trại chưa biết cách lập phương án sản xuất kinh doanh, phương án đầu tư để tổ chức quản lý khoa học cũng như tiếp cận các nguồn vốn vay. Các chủ trang trại thiếu thông tin về thị trường lao động, nguyên vật liệu, thiết bị công nghệ, thị trường xuất nhập khẩu cũng như công nghệ thông tin. Đa phần các trang trại chưa nhận thức được mức độ ảnh hưởng trực tiếp của quá trình toàn cầu hoá, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đến hoạt động sản xuất kinh doanh để phấn đấu nâng cao năng lực cạnh tranh. Khả năng liên kết giữa các trang trại theo ngành và khu vực còn hạn chế; sự hợp tác giữa các trang trại với nhau, giữa các trang trại với doanh nghiệp, HTX chưa chặt chẽ nên chưa tạo ra được các sản phẩm hàng hoá lớn, tập trung.
Để tiếp tục phát triển kinh tế trang trại theo tinh thần Nghị quyết 03 của Chính phủ và Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trước hết cần thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, sản xuất hàng hoá của tỉnh. Từng địa phương dựa trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chế biến tiêu thụ nông sản quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng để khai thác lợi thế, tăng cường sự quản lý và hỗ trợ của Nhà nước, giảm thiểu sự phát triển tự phát của trang trại. Chú trọng đầu tư xây dựng hệ thống thuỷ lợi, giao thông, điện, xử lý môi trường, các cơ sở công nghiệp chế biến, cơ sở sản xuất cung ứng giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sự phát triển của các trang trại. Tạo điều kiện cho trang trại tiếp cận các nguồn vốn, thực hiện tốt Nghị định 41/2010/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn để đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư cho sản xuất – kinh doanh của các trang trại. Có chính sách phù hợp hỗ trợ tích tụ đất đai để thành lập trang trại, đẩy mạnh thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để tạo cơ sở pháp lý cho các chủ trang trại yên tâm đầu tư sản xuất – kinh doanh. Tăng cường công tác thông tin thị trường, dự báo và khuyến cáo thị trường tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước. Đẩy nhanh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất thông qua công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Tạo điều kiện và khuyến khích thành lập các hội nghề nghiệp nhằm liên kết các chủ trang trại. Hỗ trợ, nâng cao năng lực cho cơ sở dạy nghề, đào tạo nâng cao trình độ quản lý sản xuất – kinh doanh cho chủ trang trại và đào tạo dạy nghề cho lao động làm việc trong trang trại.
Th.s Nguyễn Văn Thi
Phó Chủ tịch HND tỉnh