Làm giàu từ nuôi thỏ công nghiệp
03/11/2010 01:54
Cũng giống như các hộ dân khác, trước kia khi mới bước vào nuôi thỏ (đầu tháng 6 năm 2007), anh Dương Trí Tuệ cũng chỉ đầu tư 6 triệu đồng mua 50 con thỏ giống từ Trung tâm dê thỏ Trung ương ở Sơn Tây (Hà Tây cũ) về nuôi. Với cách làm vừa nhân giống nuôi bán thỏ thương phẩm, vừa lựa chọn những con thỏ tốt để lại tiếp tục gây giống. Sau hơn 3 năm tập trung chăn nuôi, đến nay trang trại nuôi thỏ của gia đình anh Tuệ thường xuyên có khoảng 4.500 con thỏ lớn nhỏ, trong đó có 500 con thỏ bố mẹ.
Trại thỏ của gia đình anh Tuệ được xây dựng khoa học nằm cạnh hồ 40 của xã Quý Sơn, không khí trong lành và thoáng mát. Với tổng diện tích chuồng rộng hơn 1.500 m2, trong chuồng anh Tuệ dùng lưới sắt hàn chia làm những ô nhỏ, mỗi ô chỉ rộng khoảng 1 m2. Riêng các ô chăn nuôi thỏ bố mẹ thì có khu vực riêng làm ổ cho thỏ sinh sản. Nếu tính tổng giá trị số thỏ hiện có cộng với tiền xây dựng chuồng, ước tính trại thỏ nhà anh có trị giá lên tới 1,3 tỷ đồng. Trao đổi với chúng tôi, anh Tuệ vui mừng cho biết: Hiện nay thỏ thương phẩm đang được giá cao từ 60 – 65 nghìn đồng/kg. Mỗi ngày trung bình tôi xuất bán ra thị trường khoảng 70 kg thỏ thịt, thu về hơn 1 triệu đồng lãi… .
Trong quá trình chăn nuôi thỏ, anh Tuệ thường xuyên liên hệ với Hiệp hội nuôi thỏ Việt Nam nhằm trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi, đồng thời tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ thỏ thương phẩm. Do đó, trang trại nuôi thỏ nhà anh đã có được đầu ra tiêu thụ ổn định tại các nhà hàng, khách sạn ở Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh… số lượng đặt hàng ngày càng nhiều. Đặc biệt trong tháng 8 năm 2010 vừa qua, đoàn chuyên gia của Công ty Nippon 20 Ki – Nhật Bản (Công ty nghiên cứu sản xuất thuốc vacxin từ thỏ) đã tới trại thỏ nhà anh Tuệ khảo sát việc chăn nuôi để đặt hàng với số lượng thỏ thương phẩm lớn. Anh tuệ cho biết trong tháng 10 này, anh sẽ đàm phán để thống nhất về giá cả và phương thức thu mua. Nếu thoả thuận thành công thì trại thỏ nhà anh sẽ mở rộng ra gấp 3 lần.
Để duy trì chăn nuôi hiệu quả trại thỏ hiện này, anh Tuệ đã thuê hai công nhân làm việc thường xuyên cùng gia đình để dọn dẹp vệ sinh hằng ngày và điều chỉnh lượng thức ăn cho từng lứa thỏ. Nói về kỹ thuật chăn nuôi thỏ, anh Tuệ cho biết thêm: Thỏ là con vật dễ nuôi, sinh sản và phát triển nhanh. Điều quan trọng nhất trong chăn nuôi là cần phải giữ vệ sinh chuồng trại, điều chỉnh lượng thức ăn thô và thức ăn tinh cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của thỏ. Đối với thỏ sinh sản, người chăn phải theo dõi thường xuyên, khi thỏ cái đến kỳ thụ thai phải chọn con thỏ đực khoẻ mạnh cho phối giống thì lượng tinh trùng mới bảo đảm. Khi thỏ cái đã thụ thai cần điều chỉnh lại lượng thức ăn ngay thì mới giữ được thai tốt.
Thông thường một con thỏ cái đẻ từ 5 – 7 lứa/năm, mỗi lứa được từ 5 – 9 con thỏ con. Tuy nhiên vào mùa hè nóng bức thì người nuôi chỉ nên giữ lại tối đa 7 con thỏ con/lứa, còn mùa đông không nên để quá 8 con/lứa, làm vậy để giữ gìn sức khỏe cho thỏ mẹ tốt. Về các bệnh thường gặp của thỏ cũng dễ nhận biết và điều trị không khó. Duy nhất chỉ có bệnh ghẻ mới ở thỏ là điều trị phức tạp hơn.
Như vậy với mô hình chăn nuôi thỏ công nghiệp này, trừ mọi chi phí, trung bình mỗi tháng gia đình anh Dương Trí Tuệ thu về được gần 30 triệu đồng tiền lãi. Hiện nay anh Tuệ đang là thường vụ của Hiệp Hội nuôi thỏ Việt Nam. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh Tuệ còn thường xuyên phối hợp với các Trung tâm dạy nghề trong tỉnh Bắc Giang tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi thỏ công nghiệp cho nông dân ở hai huyện Lục Ngạn và Sơn Động. Đồng thời anh đứng ra nhận bao tiêu thỏ thương phẩm cho nhân dân.
Bài, ảnh: Đức Thọ
Đài truyền thanh Lục Ngạn