Nuôi giun quế “chăn” gà hiệu quả

Lượt xem: 121

Tiếp chúng tôi ông Hồi phấn khởi cho biết: “Nuôi giun quế rất đơn giản, vốn đầu từ ít, chỉ vài cái chậu rồi thả giun quế vào và cho chúng ăn bằng phân trâu, bò, lợn tươi, giun cứ thế lớn. Vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường vừa là nguồn thức ăn rất tốt cho gà “. Trong khu vườn khoảng 2 sào, ông Hồi thường xuyên đặt khoảng 50 chậu nuôi giun quế được phân bố đều ở các góc vườn. Chậu nào cũng lúc nhúc giun.

Trao đổi về kỹ thuật nuôi giun, ông Hồi tâm sự: Nuôi giun quế cần nhất là phải chịu khó, vật dung nuôi có thể bằng khay hoặc chậu nhưng tiện nhất là dùng chậu. Mỗi chậu có đường kính khoảng 0,9m, sâu 0,4 m. Phân tươi lấy về đổ vào chậu, cho nước vào khuấy đều để phân tan ra sao cho có độ nhão sền sệt là được. Sau 5 ngày giun sẽ ăn xác hết, chỉ còn lại bã và đặc biệt không còn mùi hôi thối nữa. Ông Hồi nhấn mạnh thêm, giun quế rất ưa bóng tối,do vậy các chậu nuôi giun quế phải được che đậy cẩn thẩn.

Được biết ông Hồi trước đây chủ yếu nuôi gà úm, từ khi nuôi giun quế, ông đã chuyển hướng sang nuôi gà thương phẩm (gà thịt), mỗi lứa khoảng 1 nghìn con. Gà con từ khi mới nở đến một tháng tuổi cho ăn 100% cám công nghiệp. Sau một tháng tuổi bắt đầu cho ăn thóc, ngô và giun quế. Ông Hồi cho biết thêm: so với nuôi gà bằng 100% cám công nghiệp, cách nuôi này giảm 2/3 chi phí thức ăn. Bởi giun có nhiều chất đạm, gà ăn lớn nhanh, sức đề kháng tốt. Đặc biệt cách nuôi này cho một sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng.

Với mô hình nuôi giun quế làm thức ăn cho gà, mỗi năm gia đình ông Hồi thu về gần 100 triệu đồng từ tiền bán gà, khoảng 20 triệu đồng từ tiền bán giún quế giống.

Không chỉ biết cách làm giàu cho gia đình, ông Hồi còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở địa phương, hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi cho bà con nông dân trong và ngoài xã. Mô hình nuôi giun quế “chăn” gà của ông thật sự là địa chỉ tin cậy cho mọi người tham quan, học tập.

Đức Vượng

Đại Hoá, Tân Yên