Thoát nghèo từ trồng nấm
21/03/2018 02:17
Lãnh đạo UBND huyện Sơn Động thăm mô hình trồng nấm lim xanh tại gia đình ông Chu Văn Hồi, xã Quế Sơn (Sơn Động). |
Tháng 2-2015, mô hình trồng nấm lim xanh được triển khai ở 10 hộ thuộc Hợp tác xã Sản xuất, tiêu thụ nấm ăn, nấm dược liệu huyện Sơn Động với quy mô mỗi hộ 1 nghìn bịch. Sau 3 tháng chăm sóc, nấm lim xanh đã cho thu hoạch. Với giá bán 500 – 800 nghìn đồng/kg, có hộ thu nhập khoảng 80 triệu đồng/vụ. Theo các hộ tham gia thì trồng nấm lim xanh đòi hỏi kỹ thuật khá khắt khe, tưới nước sạch, theo dõi nhiệt độ thường xuyên và điều chỉnh độ ẩm phù hợp… Ông Chu Văn Hồi, thôn Đồng Cẩy, xã Quế Sơn (Sơn Động) cho biết: “Do trồng cây lương thực cho thu nhập không cao, cuối năm 2016, tôi mạnh dạn chuyển đổi hơn 300 m2 đất ruộng thành khu vực trồng nấm. Ngoài nấm sò, nấm rơm sản xuất bằng kỹ thuật đơn giản, tôi trồng mộc nhĩ, nấm mỡ cùng hơn 2 nghìn bịch nấm lim xanh cho thu nhập khá cao. Tính ra, trong năm 2017, tôi thu về 150 triệu đồng từ trồng nấm”. Tương tự, sau khi được tập huấn nghề trồng nấm, đầu năm 2016, chị Vi Thị Hiệp ở thôn Chiên, xã Chiên Sơn (cùng huyện) vay vốn làm lán trại trồng hơn 1 nghìn bịch nấm lim xanh. Nhờ thu nhập từ nấm nấm, gia đình chị từng bước cải thiện đời sống, thu nhập ngày càng cao và đã đã thoát nghèo.
Hiện toàn huyện có 27 hộ tham gia trồng nấm lim xanh với khoảng 15 nghìn bịch. Qua đánh giá, nếu các loại nấm sò, nấm mỡ, mọc nhĩ… sau mỗi vụ thu hoạch, người trồng lại phải chuẩn bị nguyên vật liệu cho vụ mới thì 1 bịch nấm lim xanh có thể cho khai thác trong vòng 1,5 – 2 năm. Đây cũng là ưu điểm nổi bật của sản xuất nấm dược liệu. Bên cạnh đó, đầu ra của sản phẩm này khá thuận lợi. Đến vụ thu hoạch, thương nhân ở Thái Nguyên, Nam Định, Hải Phòng, Hà Nội và cả các tỉnh phía Nam… tìm đến tận nơi để thu mua. Bà Hoàng Thị Ninh, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Sơn Động cho biết: “UBND huyện đã xây dựng nhãn hiệu tập thể nấm lim Sơn Động và giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện phòng đang tham mưu để mở rộng mô hình, qua đó bảo vệ nguồn gen nấm lim xanh trong rừng và thu hút lượng khách du lịch cộng đồng, hướng tới xây dựng sản phẩm thương hiệu đặc trưng của huyện”.
Nguồn baobacgiang.com.vn