Nhiều đại biểu vắng mặt trong kỳ họp Quốc hội

Lượt xem: 87

Sáng 13/12, Thường vụ Quốc hội bắt đầu họp phiên thứ tư với nội dung đánh giá kết quả kỳ họp Quốc hội vừa qua và cho ý kiến về chuẩn bị kỳ họp đầu năm 2012.

Tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội đã thông qua 5 dự án luật, một nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và cho ý kiến về 13 dự án luật.

Nhận xét về những ưu khuyết điểm của kỳ họp, Phó chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, hoạt đông chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến, đổi mới, thu hút sự quan tâm của cử tri, dư luận. Việc chất vấn theo nhóm vấn đề tập trung vào vấn đề bức xúc, chiến lược. Nội dung chất vấn và danh sách người trả lời được gửi sớm, đại biểu Quốc hội có thời gian nghiên cứu và chuẩn bị kỹ…

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc chuẩn bị tài liệu cho các kỳ họp cần chú trọng chất lượng hơn là số lượng.

Tuy nhiên, một số hạn chế của các kỳ họp trước vẫn diễn ra như tài liệu về các dự án luật chuẩn bị chưa đúng thời hạn. Việc chậm gửi tài liệu gây khó khăn cho công tác thẩm tra của cơ quan Quốc hội và việc nghiên cứu, nắm bắt của đại biểu Quốc hội; thảo luận tại tổ và hội trường chưa có sự kết nối nên chưa hạn chế được việc phát biểu trùng lắp.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng số lượng đại biểu vắng mặt, đặc biệt ở những phiên thông qua nghị quyết quan trọng lên tới 10% tổng số. Việc bố trí thời gian thảo luận, lấy ý kiến đại biểu chưa hợp lý. Trong phiên chất vấn, việc sắp xếp cho đại biểu nêu hàng loạt câu hỏi để bộ trưởng trả lời có ưu điểm là nêu được nhiều vấn đề song câu trả lời cho mỗi vấn đề quá ngắn.

“Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn cần có sự cải tiến về bố trí thời gian. Mỗi bộ trưởng nên dành trọn một buổi để trả lời”, ông Giàu nói.

Cùng chung ý kiến, Trưởng ban công tác biểu Nguyễn Thị Nương cho rằng nên tránh hỏi nhiều quá trong phiên chất vấn, Bộ trưởng cũng khó trả lời thấu đáo mà cử tri cũng khó theo dõi, giám sát. Trong khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, nhiều vấn đề tại phiên chất vấn chưa đi đến cùng, điển hình là vấn đề quản lý xăng dầu, hai bộ trưởng đăng đàn trả lời song cho đến tận bây giờ vẫn chưa đi đến đâu…

Cũng trong sáng 13/12, Thường vụ Quốc hội đã bước đầu thống nhất chương trình kỳ họp Quốc hội đầu năm 2012. Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, kỳ họp thứ ba dự kiến diễn ra từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 6/2012, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 14 dự luật và một nghị quyết.

Sau lần trì hoãn thông qua ở kỳ họp thứ hai, dự kiến Luật biển sẽ được thông qua trong kỳ họp tới vì theo Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, dự án Luật Biển đã “chín quá rồi”. Ông Lưu cũng đề xuất tăng truyền hình trực tiếp một số phiên thảo luận dự án luật được cử tri quan tâm như Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động…

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, điều quan trọng nhất ở mỗi kỳ họp là chuẩn bị kỹ lưỡng về thời gian, chất lượng. Chủ tịch yêu cầu các cơ quan soạn thảo lúc chuẩn bị các dự án luật trọng chất hơn số.

“Luật ra cuộc sống phải khả thi, tránh sửa đi sửa lại nhiều lần. Các cơ quan của Chính phủ phải chuẩn bị theo chương trình họp để trình, không thể để đến ngày họp mới đưa tờ trình sang. Nếu dự án nào cấp tập quá thì không được trình”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chốt lại.

vnexpress.net