Quốc tế bàn về nông thôn mới Việt Nam

Lượt xem: 124

Xây dựng nông thôn Việt Nam hiện đại

Ông Tăng Minh Lộc – Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT) đã giới thiệu với các đại biểu quốc tế về Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Việt Nam. Theo đó, mục tiêu của Việt Nam là đến năm 2015 sẽ có 20% trên tổng số 9.121 xã đạt NTM và đến năm 2020 con số này là 50%.

Nâng cao thu nhập cho người dân là một mục tiêu quan trọng của chương trình xây dựng nông thôn mới.

Ông Lộc cho biết: “Đây là một chương trình lớn liên quan đến nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, chương trình đang gặp khó khăn về nhận thức và nguồn lực thực hiện. Do đó, Việt Nam rất mong muốn được hợp tác với quốc tế về tất cả các lĩnh vực trong xây dựng NTM, trong đó ưu tiên một số lĩnh vực như đào tạo cán bộ vận hành chương trình, hoàn thành hệ thống hạ tầng thiết yếu ở nông thôn…”.

Bà Yuriko Shoji- Trưởng đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) tại Việt Nam đánh giá: Xây dựng NTM ở Việt Nam hiện đang gặp phải một số nút thắt “cổ chai” do hầu hết các lãnh đạo địa phương có kiến thức và nhận thức hạn chế, mức độ đầu tư còn thấp, thiếu các chính sách huy động tài chính, thiếu kinh nghiệm trong vấn đề phát triển nông thôn.

Từ những đánh giá trên, bà Shoji cho rằng: “Để quá trình xây dựng NTM của Việt Nam đạt được mục tiêu, cần phải đo lường những tiêu chí mềm, phân loại 19 tiêu chí theo cấp độ “tác động”, “mục tiêu” và “đầu ra”, từ đó xây dựng khung chương trình tốt hơn”.

Đừng “gọt chân cho vừa giày”

Câu ngạn ngữ trên được ông Steven Jeffee – điều phối viên Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam rất tâm đắc. “Chủ đề của tôi có thể nhiều người cho là hơi kỳ quặc, nhưng sở dĩ tôi phải nhấn mạnh điều này là để chúng ta hướng đến sự cân bằng giữa trách nhiệm và sự đa dạng trong xây dựng NTM của Việt Nam” -ông Jeffee cho hay.

Theo ông Jeffee, việc cân bằng này là rất quan trọng, vì chúng ta đang chuyển từ giai đoạn thí điểm xây dựng NTM sang giai đoạn triển khai toàn quốc. Đây cũng là thời điểm chúng ta cần rút ra được những kinh nghiệm từ việc xây dựng NTM ở 11 xã điểm xem cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được, cái nào mất ít, cái nào mất nhiều thời gian.

Theo ông Lương Thế Phiệt – Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NNPTNT), những diễn đàn như thế này là dịp rất tốt để họ chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm và mình có thể học tập các nước đi trước mình. Một trong những mục tiêu của chúng ta là, để các tổ chức quốc tế hiểu, từ đó họ sẽ giúp đỡ mình trong vấn đề chia sẻ kinh nghiệm, chuyên gia, xây dựng chính sách…

Từ quan điểm trên, ông Jeffee gợi ý: “Trước mắt, Việt Nam cần xác định ưu tiên vào đâu, các chỉ tiêu đã đạt chuẩn quốc gia chưa. Cần xác định đầu tư vào cả các xã vùng 1 (để đạt được mục tiêu) hay đầu tư vào các xã vùng 2, 3 (để tiếp tục thí điểm)”.

Ông Gravellini- Giám đốc Cơ quan phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam nhấn mạnh rằng: Ở Việt Nam, lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn gặp rất nhiều thách thức, vì thế cần phải làm thế nào để thu hút được nguồn thu từ ngoài nông nghiệp.

Đại diện của FAO có đề nghị đáng chú ý: Các địa phương nói nhiều về vấn đề thay đổi tiêu chí thu nhập, nhưng lại chưa chú trọng vào vấn đề di cư, bởi ở Việt Nam có một đặc điểm rất đặc biệt là, có nhiều lao động đi làm ăn ở thành phố đã gửi tiền trở lại nông thôn để xây dựng, nên chúng ta cần phải nghiên cứu cả về vấn đề di cư này nữa.

Theo danviet