Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến: Quyết liệt, sâu sát hơn trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi

Lượt xem: 137

Đến ngày 22-4, toàn tỉnh có hơn 5 nghìn con lợn ốm, chết vì mắc bệnh DTLCP, tai xanh và lở mồm long móng, tập trung chủ yếu tại huyện Hiệp Hòa và Yên Dũng. Trong đó, hơn 850 con lợn dương tính với bệnh DTLCP.

Từ tỉnh đến cơ sở đã thành lập hơn 100 đoàn công tác tới các địa phương kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện việc phòng, chống dịch bệnh; lập 63 chốt kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường với tổng lượng hóa chất trên 56 nghìn lít và gần 1,4 nghìn tấn vôi bột.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu tại buổi làm việc.

Tổ chức nhiều lớp tập huấn về công tác phòng chống bệnh DTLCP cho hơn 5,1 nghìn lượt người; in, cấp gần 18 nghìn tờ rơi tuyên truyền về phòng, chống bệnh DTLCP và tổ chức cho 63,18 nghìn hộ, cơ sở chăn nuôi thực hiện ký cam kết phòng, chống bệnh DTLCP…

Tuy nhiên, do số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ lớn nên công tác kiểm soát, quản lý dịch bệnh của tỉnh gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, không có vắc xin phòng bệnh, hệ thống thú y có nhiều thay đổi cũng là trở ngại lớn cho công tác quản lý, giám sát dịch bệnh. Bên cạnh đó, kinh phí thực hiện hỗ trợ chôn hủy hạn hẹp nên tỉnh gặp khó trong công tác hỗ trợ người chăn nuôi…

Tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục hỗ trợ trong chỉ đạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, hóa chất; hướng dẫn cách tính giá hỗ trợ hộ chăn nuôi có lợn phải tiêu hủy do mắc bệnh dịch; quan tâm củng cố hệ thống thú y các cấp để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái phát biểu ý kiến.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái phát biểu ý kiến.

Tại đây, đã có nhiều ý kiến phát biểu, trong đó các thành viên Đoàn công tác cho rằng, Bắc Giang cần thực hiện việc báo cáo tình hình dịch bệnh thường xuyên hơn; chủ động lấy mẫu để xét nghiệm dịch bệnh; tập trung chỉ đạo tiêu độc khử trùng đối với những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có lợn chết vì nhiều người dân chưa nắm rõ quy trình phòng, chống dịch bệnh so với các trang trại.

Sau khi nghe các ý kiến và kiểm tra thực tế tại hộ chăn nuôi ở thôn Bái Thượng, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa), Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá cao công tác chỉ đạo, thực hiện phòng, chống bệnh DTLCP của Bắc Giang nói chung và huyện Hiệp Hòa nói riêng. Đồng chí Thứ trưởng cũng thông tin tình hình dịch bệnh này tại một số nước trên thế giới và các tỉnh trong cả nước. Qua đó, cho thấy tình hình bệnh DTLCP ngày càng diễn biến khó lường và lan rộng.

Đồng chí Thứ trưởng cũng chỉ ra nhiều điểm hạn chế trong phòng, chống dịch hiện nay như: Không có vắc xin phòng bệnh; giá hỗ trợ thấp nên người dân bán lợn chạy; mật độ chăn nuôi cả nước cao (hơn 2,5 triệu hộ) nên khó kiểm soát, dễ lây lan dịch bệnh…

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến (thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng dịch tại hộ chăn nuôi của ông Đặng Hồng Đăng, thông Bái Thượng, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa).

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến (thứ 3 từ trái sang) cùng đoàn công tác kiểm tra công tác phòng dịch tại hộ chăn nuôi của ông Đặng Hồng Đăng, thông Bái Thượng, xã Đoan Bái (Hiệp Hòa).

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu, tỉnh cần giữ bằng được đàn lợn ông bà, bố mẹ để bảo đảm lợn giống phục vụ tái đàn khi hết dịch, tránh “sốt” giá; đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, đại gia súc và thủy sản để bù lại sự thiếu hụt của đàn lợn. Tập trung quyết liệt vào sản xuất lâm nghiệp và thủy sản để bù đắp cho tăng trưởng.

Đối với việc sản xuất vắc xin phòng bệnh DTLCP và bảo đảm quy trình chăn nuôi an toàn, Bộ đã phối hợp một số Bộ, ngành liên quan thúc đẩy các đề tài nghiên cứu nhằm giải quyết 5 nội dung, gồm: Sản xuất ra vắc xin (khoảng hơn một năm nữa sẽ có vắc xin); thuốc chữa các loại bệnh trong chăn nuôi; quy trình an toàn sinh học đối với các cấp độ chăn nuôi; giải pháp hạn chế ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra và hoàn thiện bộ Kit chẩn đoán nhanh. Về cơ chế chính sách, Bộ tiếp tục chỉnh lại một số nội dung văn bản liên quan hỗ trợ người chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy.

Về các kiến nghị của tỉnh, đồng chí Thứ trưởng cho rằng sẽ xem xét, trình Chính phủ. Tuy nhiên, trước mắt, Bắc Giang chủ động ứng kinh phí dự phòng để phòng, chống, dập dịch. Những vấn đề liên quan đến hướng dẫn, thủ tục do Chính phủ quyết định, Bộ Nông nghiệp và PTNT sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể sau. Bộ sẽ tiếp tục hỗ trợ hóa chất theo đề nghị của Bắc Giang trong thời gian nhanh nhất để tỉnh dập dịch hiệu quả.

Đồng chí Phùng Đức Tiến nói: “Ngoài huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, cán bộ các cấp, ngành nông nghiệp không được nói chung chung, hô hào khẩu hiệu mà phải nắm rõ việc, rõ cơ chế lây bệnh, phương pháp phòng, chống dịch để tham mưu với chính quyền cơ sở thực hiện hiệu quả”.

Phun thuốc khử trùng tất cả phương tiện ra, vào xã Đoan Bái (Hiệp Hòa).

Phun thuốc khử trùng tất cả phương tiện ra, vào xã Đoan Bái (Hiệp Hòa).

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thái đã tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và khẳng định, tỉnh sẽ tập trung cao, quyết liệt trong phòng, chống bệnh DTLCP. Trước mắt, tỉnh sẽ yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện tháng cao điểm phòng, chống bệnh DTLCP trong tháng 5. Thực hiện đồng bộ các biện pháp dập dịch. Đặc biệt, tập trung các biện pháp tiêu độc khử trùng, làm tốt công tác tuyên truyền, xử lý dịch bệnh, hạn chế thấp nhất thiệt hại do bệnh dịch gây ra.

Nguồn baobacgiang.com.vn