Sản xuất trồng trọt chuyển biến tích cực
16/01/2020 07:24
Thanh long trồng rải vụ cho hiệu quả kinh tế cao |
Theo Cục Trồng trọt, năm 2019 sản xuất trồng trọt đã có sự chuyển dịch tích cực, giảm diện tích cây hàng năm có hiệu quả thấp (lúa giảm trên 100 nghìn ha, ngô giảm khoảng 48 nghìn ha), tăng diện tích cây trồng có thế mạnh như cây ăn quả (tăng trên 60 nghìn ha), rau tăng 5 nghìn ha…
Đó là số liệu được đưa ra tại hội nghị Tổng kết công tác trồng trọt năm 2019, triển khai kế hoạch năm 2020 của Cục Trồng trọt.
Năm 2019, chất lượng giống lúa được cải thiện đáng kể (các tỉnh phía Bắc tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận trở lên khoảng 80-85%, cao hơn năm 2018 từ 5-10%. Diện tích các giống lúa chất lượng, ngắn ngày chiếm khoảng 50%.
Các tỉnh phía Nam tỷ lệ sử dụng giống cấp xác nhận trở lên khoảng 55-60%, cao hơn năm 2018 khoảng 5%; vùng ĐBSCL giống lúa chất lượng chiểm khoảng 80% diện tích). Sản lượng hầu hết các cây ăn quả, cây công nghiệp, lâu năm tăng khá. Kết quả sản xuất một số loại cây trồng như sau:
Việc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây trồng khác, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn diễn ra mạnh mẽ. Năm 2019 diện tích chuyển đổi trên 100 nghìn ha, trong đó chuyển đổi sang trồng cây lâu năm khoảng 16 ngàn ha, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản khoảng 30 ngàn ha, còn lại là chuyển sang cây hàng năm khác.
Đến nay diện tích thanh long 3 tỉnh tham gia kế hoạch rải vụ thanh long (Bình Thuận, Tiền Giang, Long An) là 47.338 ha, trong đó diện tích rải vụ là 29.443 ha, bằng 62%.
Diện tích xoài của 5 tỉnh trong nhóm rải vụ (Đồng Tháp, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang) là 25.214 ha, tổng diện tích rải vụ 9.640 ha (38,2%).
Diện tích canh tác sầu riêng của 3 tỉnh trong nhóm (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long) đạt khoảng 14.082 ha (chiếm tỷ lệ 40,2% tổng diện tích sầu riêng các tỉnh phía Nam) cho sản lượng khoảng 245.536 tấn (chiếm tỷ lệ 60,2 % tổng sản lượng sầu riêng các tỉnh phía Nam), trong đó, sản xuất rải vụ 6.781 ha (56,99%).
Diện tích canh tác chôm chôm của 3 tỉnh trong nhóm rải vụ (Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long) đạt khoảng 9.146 ha, trong đó sản xuất rải vụ đạt 5.708 ha (chiếm 75,8% diện tích).
Diện tích canh tác nhãn của 6 tỉnh trong nhóm rải vụ (Vĩnh Long, Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Bến Tre, Cần Thơ) đạt khoảng 25.450 ha, trong đó sản xuất rải vụ là 9.613 ha (37,8%).
Năm 2019 sản xuất rải vụ 5 loại trái cây thanh long, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, xoài tại các tỉnh Nam bộ tương đối thuận lợi về tiêu thụ, giá bán 5 loại trái cây rải vụ tiếp tục ổn định và hiệu quả sản xuất rải vụ cao hơn 1,5 – 2 lần chính vụ.
Theo tính toán của Sở NN-PTNT Tiền Giang, sản xuất rải vụ 5 loại trái cây cho hiệu quả sản xuất cao như sầu riêng diện tích rải vụ có hiệu quả sản xuất cao hớn chính vụ 1,71 lần; thanh long 1,70 lần; nhãn 1,74 lần, xoài 2,04 lần; chôm chôm 1,50 lần.
Tổng diện tích cà phê trồng tái canh và ghép cải tạo tại các tỉnh Tây Nguyên đến tháng 6 năm 2019 là 118.202 ha (đạt trên 98,5%, kế hoạch đến năm 2020 là 120.000 ha), trong đó diện tích tái canh là 84.165 ha, diện tích ghép cải tạo là 34.037 ha (chủ yếu tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắc Nông).
Diện tích cà phê tái canh chủ yếu trồng bằng giống mới, đã từng bước phát huy tiềm năng về năng suất và chất lượng cà phê nhân, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Hiện giá thu mua cà phê duy trì ở mức thấp (29- 34 ngàn/kg) ảnh hưởng đến tâm lý trồng, chăm sóc và thâm canh vườn cà phê của người dân. Chế biến sâu cà phê chưa đạt được kết quả mong muốn, tỷ lệ chế biến sâu còn thấp (10%).
Theo thống kê chưa đầy đủ từ các tổ chức chứng nhận năm 2019 diện tích được chứng nhận VietGAP 39,22 ngàn ha, trong đó quả 22,66 ngàn ha, rau 5,99 ngàn ha, lúa 5,14 ngàn ha, chè 5,12 ngàn ha, cà phê 101 ha, cây khác 105 ha.
Thực hiện kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019, Cục Trồng trọt tích cực triển khai và đã hoàn thành tốt kế hoạch được giao: Trình ban hành 01 Nghị định và 04 Thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Trồng trọt. Đang soạn thảo dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt, dự kiến trình ban hành trong quý 1/2020.
Năm 2019 Cục đã công nhận chính thức 32 giống cây trồng mới: 15 giống lúa, 10 giống ngô, 01 giống chè, 01 giống mía và 05 giống cây khác (đậu tương, khoai tây…). Công nhận cho sản xuất thử 27 giống lúa; 15 giống ngô, 11 giống cây ăn quả, 01 giống chè.
Tuy nhiên, theo Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường, tái cơ cấu trồng trọt theo hướng nâng cao giá trị gia tăng còn chậm, chưa đồng bộ, tác động đến tăng trưởng và thu nhập của nông dân còn hạn chế. Đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến còn chậm; Sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị phạm vi hạn chế…
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng, năm 2019 sản xuất trồng trọt gặp rất nhiều khó khăn do thời tiết thay đổi bất thường ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng; dịch bệnh trên cây trồng như khảm lá sắn, sâu keo mùa thu diễn biến phức tạp; tình hình tiêu thụ, xuất khẩu nông sản không thuận lợi… nhưng với sự cố gắng quyết tâm của toàn ngành chúng ta đã đạt kết quả tốt. Năm qua, Cục Trồng trọt cũng đã tham mưu trình Bộ để ra 1 Nghị định và 4 thông tư hướng dẫn Luật Trồng trọt… Thời gian tới Cục cần đẩy nhanh hoàn thiện thủ hành chính trong lĩnh vực trồng trọt…
Thứ trưởng cũng chỉ đạo Cục Trồng trọt phối hợp với các địa phương tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực giống cây trồng, đặc biệt là giống lúa và cây ăn quả vùng ĐBSCL, cây công nghiệp, cây ăn quả vùng Tây Nguyên… để việc sản xuất, kinh doanh đi vào quy củ, không để tình trạng bát nháo thị trường.