Bắc Giang xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn: Kiểm soát dịch bệnh, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm

Lượt xem: 141

Lợi ích thiết thực

Cơ sở ấp nở gia cầm của ông Văn Hữu Vượng, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) được cấp Giấy chứng nhận ATDB.

Cơ sở ấp nở gia cầm của ông Văn Hữu Vượng, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa) được cấp giấy chứng nhận ATDB

Sở Nông nghiệp và PTNT đang triển khai Đề án “Xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh (ATDB) động vật trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020”. Mục tiêu của đề án là xây dựng cơ sở ATDB trở thành hạt nhân hình thành vùng ATDB động vật, tạo tiền đề xây dựng các trang trại chăn nuôi theo quy trình VietGAHP; sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ trong nước và hướng tới xuất khẩu; thúc đẩy ngành chăn nuôi lợn, gà của tỉnh phát triển bền vững. Đồng thời nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y.

Theo đó, đề án hỗ trợ xây dựng 50 trang trại chăn nuôi gà ATDB đối với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 50 trang trại chăn nuôi lợn ATDB với bệnh LMLM và dịch tả lợn tại 10/10 huyện, TP. Đây là 4 bệnh được quy định trong các chỉ tiêu đánh giá của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) dành cho các cơ sở sản xuất sản phẩm chăn nuôi gà, lợn xuất khẩu.

Hiện đề án được thực hiện bước sang năm thứ 2 và đạt nhiều kết quả. Sau khi đánh giá, thẩm định, ngành chức năng đã cấp giấy chứng nhận ATDB cho 100% cơ sở chăn nuôi tham gia với các bệnh cúm gia cầm, Newcastle (cho các cơ sở nuôi gà), bệnh dịch tả lợn và LMLM (cho các cơ sở nuôi lợn).

Cơ sở nuôi gà bố mẹ và ấp nở trứng của hộ ông Ngô Đức Hồng, thôn Tân Lập, xã Cao Thượng (Tân Yên) mỗi tháng xuất bán hơn 3 vạn gà giống các loại. Làm nghề từ lâu nhưng kiến thức về chăn nuôi, vệ sinh thú y ông Hồng có được đều là góp nhặt. Vì thế, dù đã chăm sóc rất cẩn thận nhưng đàn gà của ông vẫn bị mắc bệnh chết rải rác.

Năm 2018, cùng với 49 cơ sở khác trong tỉnh, cơ sở của ông Hồng được chọn tham gia đề án “Xây dựng cơ sở ATDB động vật trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2018-2020”. Ông Hồng bộc bạch: “Tham gia đề án, tôi được tập huấn kỹ thuật phòng bệnh. Đơn cử, gà nở 3-5 ngày tuổi nhỏ Newcastle chủng F; 7 ngày nhỏ vắc xin phòng bệnh Gumboro … Nhờ vậy gà khỏe mạnh, hầu như không bị chết do mắc bệnh”.

Theo ông Văn Hữu Vượng, chủ cơ sở ấp nở gia cầm ở thôn Đồng Tâm, xã Thường Thắng (Hiệp Hòa), trước đây chưa có giấy chứng nhận cơ sở ATDB, các sản phẩm xuất ra ngoại tỉnh coi như bán “chui” vì không đủ điều kiện. Nay gia đình ông còn được ưu tiên lựa chọn để cung cấp con giống trong các chương trình xóa đói, giảm nghèo, phát triển chăn nuôi của tỉnh.

Còn bà Hoàng Thị Thái, chủ cơ sở chăn nuôi lợn ở thôn Lộc Ninh, xã Ngọc Châu (Tân Yên) nói: “Lợn nuôi ở các trang trại ATDB luôn bán giá cao hơn các hộ chăn nuôi thông thường khoảng 5 nghìn đồng/kg. Việc tiêu thụ cũng dễ dàng, kể cả xuất khẩu”.

Nhân rộng mô hình

Tổng kinh phí thực hiện đề án hơn 179,6 tỷ đồng. Trong đó 2,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh, còn lại là kinh phí của người chăn nuôi. Đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã mở 10 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; in 7 nghìn tờ rơi tuyên truyền; thực hiện 2 hội nghị xúc tiến thương mại…

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, khi tham gia đề án, các cơ sở được lấy mẫu giám sát dịch bệnh định kỳ 1 lần/năm để kiểm soát, phát hiện kháng thể bệnh cúm gia cầm, Newcastle, LMLM và dịch tả lợn. Các cơ sở được công nhận là mô hình điển hình để nhân rộng.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã có 18 cơ sở chăn nuôi lợn xây dựng và được cấp giấy chứng nhận cơ sở ATDB. Đây là tín hiệu mừng trong bối cảnh bệnh dịch tả lợn châu Phi gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi lợn.

Ngoài ra, tỉnh cũng có chính sách hỗ trợ các trại chăn nuôi đăng ký xây dựng cơ sở ATDB như: Hỗ trợ chi phí xét nghiệm mẫu, phí thẩm định chứng nhận cơ sở ATDB. Bên cạnh đó, động vật, sản phẩm động vật có nguồn gốc từ cơ sở chăn nuôi đã được công nhận ATDB còn được đơn giản hóa thủ tục kiểm dịch theo quy định.

Danh sách các cơ sở ATDB được công bố công khai trên trang tin điện tử của Sở Nông nghiệp và PTNT, ngành thú y và được hỗ trợ tìm kiếm thị trường xuất khẩu. Các hộ tham gia đề án còn được hỗ trợ kỹ thuật, thuốc tiêu độc khử trùng, cách sử dụng đệm lót sinh học, được cán bộ thú y đến lấy mẫu nước, thức ăn, không khí, huyết dịch… đi xét nghiệm để phòng dịch bệnh.

Ông Lê Văn Dương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững, sản phẩm tạo ra có chất lượng tốt và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thì việc xây dựng các cơ sở chăn nuôi ATDB là xu hướng tất yếu.

Bởi nó vừa kiểm soát được dịch bệnh, phân vùng chăn nuôi và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm, đặc biệt là trong xuất khẩu. Tới đây, để có đủ điều kiện chăn nuôi, các hộ, trang trại bắt buộc phải có giấy chứng nhận cơ sở ATDB mới được phép hoạt động.

Nguồn: baobacgiang.com.vn