Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao ở TP Bắc Giang: Tăng hiệu quả kinh tế

Lượt xem: 279

Năng suất cao, ổn định

Trong quá trình thực hiện, BTV Thành ủy chỉ đạo các chi, đảng bộ cơ sở, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội quán triệt đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên nội dung Nghị quyết số 130 và một số nghị quyết, kế hoạch của UBND tỉnh, TP về ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp. UBND TP phối hợp với cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá, đề xuất và được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch ba vùng sản xuất hoa, rau an toàn tập trung và tại ba phường, xã: Song Mai, Đa Mai, Dĩnh Trì với tổng diện tích gần 140 ha.

Chủ cơ sở sản xuất rau mầm phường Xương Giang giới thiệu mô hình.

Chủ cơ sở sản xuất rau mầm phường Xương Giang giới thiệu mô hình

Đến nay, trên địa bàn đã hình thành hai khu trồng hoa chuyên canh chất lượng cao và một khu sản xuất rau an toàn. Hiện các đơn vị chức năng của TP tiếp tục đề xuất quy hoạch mới một khu sản xuất hoa, cây cảnh quy mô 10 ha tại xã Song Mai, hai vùng nuôi thủy sản tập trung quy mô 60 ha tại xã Song Mai, phường Đa Mai, thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2030.

Nhằm phát triển, thu hút đầu tư ứng dụng CNC vào sản xuất, TP đã thực hiện Đề án hỗ trợ sản xuất rau, hoa ứng dụng CNC trên địa bàn TP giai đoạn 2018 – 2020. Trong đó giao UBND xã Dĩnh Trì thực hiện dự án đầu tư hạ tầng khu sản xuất hoa, nông sản quy mô 26 ha tại khu Đồng Mẫu, Sau Núi. Từ nguồn ngân sách TP đã hỗ trợ gần 25 tỷ đồng để xây dựng các giếng khoan, nhà sơ chế, kho lạnh bảo quản nông sản, nhà lưới, nhà màng phục vụ sản xuất.

Qua đánh giá, có 10 mô hình sản xuất sản phẩm chủ lực (rau, hoa) ứng dụng CNC hiệu quả, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị; năng suất các sản phẩm lợi thế của TP (hoa, rau) tăng 30% so với năm 2016; giá trị gia tăng cao hơn 28% so với năm 2016 (đạt mục tiêu đề ra).

Đến năm 2020, TP xây dựng 12 mô hình sản xuất rau, hoa với tổng diện tích nhà lưới, nhà màng hơn 25 nghìn m2 tập trung tại các phường, xã: Đa Mai, Song Mai, Dĩnh Trì và Tân Mỹ. Những mô hình này sản xuất theo hướng hiện đại, bền vững dựa trên nền tảng ứng dụng CNC, an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Các chủ mô hình áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến; sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm; giống năng suất cao, chất lượng tốt, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học; có hợp đồng liên kết, tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX).

Việc ứng dụng CNC vào sản xuất mang lại hiệu quả cao, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích nhà lưới, nhà màng trồng rau, hoa đạt từ 700 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm, tăng từ 6 – 11 lần so với sản xuất thông thường; tạo thêm nhiều việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho người lao động từ 2 – 3 lần.

Do sản xuất trong nhà lưới, nhà màng, áp dụng phương thức canh tác mới nên đã hạn chế tối đa sâu bệnh hại, khắc phục được điều kiện bất lợi của thời tiết giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao, ổn định, sản phẩm đồng đều, mẫu mã đẹp, năng suất tăng từ 30 đến 35% so với sản xuất thông thường. Điển hình như mô hình trồng hoa đồng tiền, hoa ly, một số loại dưa của HTX Dịch vụ nông nghiệp Phương Nam và HTX Nông nghiệp Dĩnh Trì.

Thu hút đầu tư, nhân rộng mô hình

Ngoài chính sách, cơ chế hỗ trợ của HĐND tỉnh và TP, một số chủ mô hình như HTX Nông nghiệp Dĩnh Trì, HTX Sản xuất dịch vụ nông sản sạch Bắc Giang, hộ ông Nguyễn Văn Dương tại phường Đa Mai đã đầu tư vốn đối ứng để tích tụ đất đai, mở rộng diện tích canh tác, hình thành khu sản xuất tập trung quy mô lớn (từ 2 đến 8 ha), xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hiệu quả. So với làm nông nghiệp truyền thống, sản xuất nông nghiệp CNC tốn ít đất, sử dụng ít lao động trong khi hiệu quả kinh tế cao gấp từ ba đến bốn lần.

Nhà màng trồng dưa lê Hàn Quốc của gia đình chị Nguyễn Thị Luân ở thôn Núi, xã Dĩnh Trì. Ảnh: Hải Yến.

Nhà màng trồng dưa lê Hàn Quốc của gia đình chị Nguyễn Thị Luân ở thôn Núi, xã Dĩnh Trì. Ảnh: Hải Yến.

Bên cạnh kết quả đạt được, sản xuất nông nghiệp CNC trên địa bàn còn có khó khăn, hạn chế như: Chưa thu hút được doanh nghiệp có năng lực về tài chính, khoa học – công nghệ đầu tư vào vùng quy hoạch trồng rau, hoa. Nguồn lực đầu tư về CNC trong sản xuất nông nghiệp của doanh nghiệp, HTX, người dân còn hạn chế; một số mô hình còn mang tính thử nghiệm.

Để nâng cao hiệu quả các khu, vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo quy hoạch giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của TP với việc trồng các loại hoa, quả giống mới cho chất lượng, năng suất cao đáp ứng nhu cầu thị trường, rất cần TP tiếp tục quan tâm thực hiện một số giải pháp. Trong đó tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền trong chỉ đạo thực hiện; làm tốt công tác quản lý nhà nước về phát triển nông nghiệp; chủ động rà soát các quy hoạch về nông nghiệp để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp; tiếp tục thu hút đầu tư.

Cùng đó thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Quan tâm bố trí vốn từ ngân sách để hỗ trợ đầu tư hạ tầng sản xuất chung bảo đảm tính đồng bộ, tạo tiền đề phát triển nông nghiệp thông minh ở một số vùng sản xuất rau, hoa, thủy sản tập trung trên địa bàn. Nâng cao hiệu quả các mô hình liên kết sản xuất trong nông nghiệp; vận động nông dân thành lập HTX nông nghiệp CNC, tích tụ đất đai, đầu tư hạ tầng chung.

Nguồn: baobacgiang.com.vn