Bắc Giang: Nuôi lợn lạ quá, không cần tắm rửa, thăm lợn qua màn hình mà lợn đẻ “1 vốn, 4 lời”
09/03/2021 00:57
Ảnh minh họa |
Nuôi lợn “một vốn, bốn lời”
Sau khi đàn lợn bị “xóa sổ” bởi dịch tả lợn châu Phi, được sự hỗ trợ từ Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc, năm 2020, gia đình ông Hoàng Văn Thuận, thôn Ngòi Lan, xã Lan Giới (Tân Yên) bắt tay vào cải tạo hệ thống chuồng trại. Ông phá bỏ toàn bộ phần bể tắm trong chuồng, dừng việc tắm cho lợn; đồng thời cải tạo, thay mới hệ thống cung cấp nước uống, máng ăn, xây dựng đường dẫn lợn ra tận cổng.
Các ô, chuồng, gia đình lắp đặt cửa xê, bên ngoài có gắn lưới inox. Theo ông Thuận, việc hạn chế tắm cho lợn vừa đỡ tốn nước, vừa hạn chế dịch bệnh lại bảo đảm 100% thức ăn được nạp vào sẽ phục vụ quá trình tăng trưởng của vật nuôi. Việc lắp đặt cửa xê có gắn lưới inox sẽ giúp việc mở cửa thuận lợi hơn trong điều kiện mất điện để lấy gió trời mà không lo ruồi, muỗi, các loại côn trùng xâm nhập.
“Trước đây, mỗi tuần gia đình tôi phải phun thuốc muỗi trong chuồng một lần thì nay 5-6 tháng mới phải phun. Đặc biệt từ khi không tắm cho lợn, chi phí chăn nuôi cũng giảm. Nếu trước đây nuôi 6 tháng, lợn mới được 1,2 tạ nhưng giờ chỉ nuôi 5 tháng 15 ngày đã đạt được trọng lượng tương tự mà lợn không bị ho, không bị bệnh như trước. Ngay lứa đầu tiên sau khi cải tạo, với 130 con lợn, gia đình tôi thu lãi gần 800 triệu đồng”, ông Hoàng Văn Thuận chia sẻ.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh), sau năm 2019 bị thiệt hại bởi dịch bệnh, đến nay tổng đàn lợn của tỉnh đã đạt ngưỡng hơn 1 triệu con. Có được kết quả này, ngoài nỗ lực của cơ quan chuyên môn trong hướng dẫn người dân tái đàn hợp lý, thực hiện nghiêm quy trình còn nhờ các hộ đã chủ động nắm bắt, ứng dụng công nghệ.
Ví như mô hình xử lý nước thải sau biogas bằng công nghệ Wetland tại trang trại chăn nuôi của gia đình anh Dương Đức Việt, thôn Nguộn, xã Thượng Lan (Việt Yên).
Với quy mô trang trại khoảng 3 mẫu, gia đình anh quy hoạch 2 mẫu là chuồng nuôi lợn, vườn cây ăn quả, còn lại 1 mẫu đào ao, thả cá. Để tận dụng chất thải, hạn chế mùi hôi, anh xây dựng mô hình xử lý chất thải sau biogas bằng công nghệ Wetland.
Nước thải sau biogas được chảy xuống bể và qua các ngăn lọc đến bể chứa, tận dụng làm nước tưới cho vườn cây ăn quả và định kỳ xả xuống ao nuôi cá.
Hay như tại HTX Kinh doanh Thanh Thao, xã Xuân Hương (Lạng Giang), khu chuồng trại được xây dựng bài bản, các ô chuồng sắp xếp, bố trí phù hợp với từng độ tuổi của vật nuôi; hệ thống đèn, quạt điều hòa không khí hoạt động 24/24 giờ. Chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học nên nhiều năm nay, HTX không chịu ảnh hưởng từ các loại dịch bệnh trên đàn lợn.
Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao
Thực tế cho thấy, việc ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng đã được các hộ, nhất là tại các trang trại thực hiện từ nhiều năm nay. Điểm nhấn đáng chú ý là nhờ đưa công nghệ hiện đại vào các khâu đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm chi phí, nhân công lao động và đặc biệt an toàn dịch bệnh, hạn chế rủi ro.
Ví như tại HTX Chăn nuôi và Dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm (TP Bắc Giang). Để đàn lợn sinh trưởng, phát triển tốt, HTX hợp đồng với nhà sản xuất thức ăn cung cấp nguồn thức ăn chính bằng thực phẩm hữu cơ; lắp đặt hệ thống camera tại tất cả các chuồng để đối tác “thăm” lợn thông qua màn hình mà không phải vào trực tiếp.
Hay như tại huyện Tân Yên, từ Dự án hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp, 7 hộ dân được hỗ trợ triển khai mô hình xây dựng hệ thống chuồng sàn chăn nuôi lợn tiết kiệm nước. Đây là mô hình mới với ưu điểm tiết kiệm nước trong nuôi lợn, giảm tỷ lệ bệnh tiêu chảy, lợn sinh trưởng, phát triển tốt.
Mặc dù có bước phát triển song qua đánh giá của các cơ quan chuyên môn, nhiều hộ nuôi lợn xây dựng chuồng trại chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và học hỏi nhau nên có những lỗi sai kỹ thuật; thiếu sự liên kết trong chăn nuôi nên tỷ lệ rủi ro cao.
Khắc phục tình trạng này, cơ quan chuyên môn của tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Nghị quyết số 44 ngày 9/12/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Theo đó, trong năm 2021 sẽ triển khai thực hiện 2 chuỗi hỗ trợ trong chăn nuôi lợn tại huyện Hiệp Hòa và Lục Nam với quy mô khoảng 1 nghìn con/chuỗi.
“Cùng với triển khai hỗ trợ 2 chuỗi liên kết này, trong năm 2021, chúng tôi mở các lớp tập huấn để hướng dẫn các hộ chăn nuôi khắc phục những hạn chế về kỹ thuật trong chăn nuôi, triển khai ứng dụng những công nghệ mới đã khẳng định được hiệu quả”, ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y nói. Cuối năm 2020, tổng đàn lợn của tỉnh Bắc Giang đã vượt ngưỡng 1 triệu con, bằng 120% so với cùng kỳ năm 2019. Đáng chú ý, giá trị từ nghề chăn nuôi lợn đạt khoảng 9 nghìn tỷ đồng, chiếm gần 70% giá trị ngành chăn nuôi.