Nông sản Bắc Giang rộng đường xuất khẩu

Lượt xem: 166

Những tín hiệu vui

Theo ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, sự kiện vải thiều Lục Ngạn được cấp Bằng Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường khó tính Nhật Bản là thành quả từ sự nỗ lực của tỉnh, huyện cũng như người trồng vải trong suốt gần 2 năm qua. Người trồng vải ở Lục Ngạn sẽ có thêm những cơ hội để nâng giá trị loại cây đặc sản này. Đón cơ hội này, ngay từ đầu năm, cơ quan chuyên môn của huyện Lục Ngạn đã chỉ đạo triển khai 27 mã số vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản (tăng 9 mã so với năm 2020) với diện tích 194,5 ha (tăng 96,5 ha).

 Chế biến khoai tây xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco.

Chế biến khoai tây xuất khẩu tại Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco.

Huyện duy trì một cơ sở xông hơi khử trùng, đóng gói tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất nhập khẩu Toàn Cầu, đáp ứng nhu cầu phục vụ xuất khẩu. “Sự kiện này không chỉ là tin vui cho người trồng vải mà còn là tín hiệu tích cực đối với hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh. Quả vải thiều tươi được Bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản cho thấy giá trị dinh dưỡng cũng như độ an toàn của sản phẩm. Từ sự kiện này, nông sản Bắc Giang sẽ được nhiều người quan tâm hơn”, ông Nguyễn Thế Thi nói.

Không chỉ vải thiều, những tháng đầu năm nay, nông sản Bắc Giang liên tiếp đón nhận tin vui về thị trường xuất khẩu. HTX mỳ Chũ Trại Lâm Thuận Hương, xã Nam Dương (Lục Ngạn) ký hợp đồng với Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Sài Gòn tiêu thụ 3,5 tấn mỳ rau, củ, quả để xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. HTX Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Minh Phương, xã Tư Mại (Yên Dũng) đã xuất 6 tạ gạo thơm Yên Dũng sang chào hàng tại thị trường Mỹ và nhận được phản hồi tích cực.

Nông sản, Bắc Giang, xuất khẩu, thị trường, vị thế, chỗ đứng

Xuất khẩu nông sản không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao hơn mà còn góp phần khẳng định vị thế của nông sản Bắc Giang trên thị trường quốc tế, quảng bá hình ảnh địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các thị trường xuất khẩu lớn tăng cường kiểm tra khắt khe đối với hàng nhập khẩu, việc bảo đảm chất lượng sản phẩm và kiểm dịch chính là những yếu tố cần thiết để nông sản giữ vững chỗ đứng trên thị trường quốc tế”.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT

Tận dụng thời cơ từ các hiệp định thương mại, đầu năm nay, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Vifoco (TP Bắc Giang) ký đơn hàng xuất khẩu cả năm đối với các sản phẩm: Rau cải thảo, bí đỏ, khoai tây, cà rốt, dưa chuột, vải thiều… trị giá hơn 1 triệu USD sang Hàn Quốc, Nga và các nước Đông Âu. “Nhờ chủ động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cũng như giữ mối liên kết với các đối tác nên chúng tôi đã ký được những đơn hàng xuất khẩu cho cả năm với sản lượng ổn định. Tùy tình hình thực tế, hằng tháng, quý, DN đều có những đơn hàng đột xuất đưa đi các nước”, ông Nguyễn Xuân Việt, Giám đốc Công ty chia sẻ.

Sản xuất theo chuỗi, nâng chất lượng nông sản

Theo thống kê của Sở Công Thương, 3 tháng đầu năm nay, tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt hơn 3,4 tỷ USD, tăng 184 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch xuất khẩu chủ yếu đến từ các mặt hàng may mặc, điện tử, sản phẩm từ chất dẻo… Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh (mỗi năm giá trị nông sản xuất khẩu ước đạt 250 triệu USD).

Nguyên nhân là do công nghiệp chế biến còn manh mún, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, năng lực quản trị doanh nghiệp và các HTX còn yếu, liên kết sản xuất còn hạn chế. Thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro cao do công tác dự báo thị trường chưa theo kịp sự phát triển…

Khắc phục những tồn tại này, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách thúc đẩy nông nghiệp hàng hóa phát triển. Đến nay, tỉnh phê duyệt danh mục 52 sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh. Từ đó có cơ chế tổ chức sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, hình thành một số vùng chuyên canh cây ăn quả, rau củ quả chế biến công nghệ cao phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

 Nông dân xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) chăm sóc vùng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.

Nông dân xã Giáp Sơn (Lục Ngạn) chăm sóc vùng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản.

Thực tế cho thấy, để đưa nông sản vươn xa, các địa phương đã có nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích liên kết sản xuất. Ví như tại huyện Tân Yên, vụ đông vừa qua, UBND huyện trích hơn 4 tỷ đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa năm 2020 hỗ trợ 50% giống, phân bón, một phần thuốc bảo vệ thực vật để xây dựng 6 chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đối với các sản phẩm đặc trưng, chủ lực của huyện.

Tại huyện Lục Ngạn, để vải thiều đủ điều kiện “đi” Nhật, UBND huyện trích kinh phí hỗ trợ 100% tem nhãn cho các HTX, DN; 50% thuốc bảo vệ thực vật (loại thuốc được phía Nhật Bản cho phép sử dụng) đối với các vùng trồng đã được cấp mã số. Đồng thời, huyện sẽ liên kết mở một gian hàng giới thiệu vải thiều tại khu phố đi bộ của TP Hà Nội – nơi có nhiều khách nước ngoài.

Ông Lê Bá Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nói: “Xuất khẩu nông sản không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao hơn mà còn góp phần khẳng định vị thế của nông sản Bắc Giang trên thị trường quốc tế, quảng bá hình ảnh địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, các thị trường xuất khẩu lớn tăng cường kiểm tra khắt khe đối với hàng nhập khẩu, việc bảo đảm chất lượng sản phẩm và kiểm dịch chính là những yếu tố cần thiết để nông sản giữ vững chỗ đứng trên thị trường quốc tế”.

Nguồn: baobacgiang.com.vn