Khẩu hiệu lạ khắp vùng, dân bảo nhau bảo vệ kho báu hàng nghìn tỷ đồng
07/06/2021 07:53
“Lục Ngạn được xác định là vùng sạch dịch Covid-19, không có F0, những ca F1 được đưa đi cách ly tập trung ngay lập tức còn những đối tượng F2, F3 được giám sát nghiêm ngặt”.
Ông La Văn Nam –
Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn
Ông Nguyễn Văn Sáng (ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn) cho biết, dù Lục Ngạn không thuộc diện phải giãn cách xã hội hay phong tỏa, trên địa bàn cũng không có trường hợp F1 nhưng người dân vẫn thực hiện nghiêm túc quy định của tỉnh, huyện để bảo vệ bằng được vùng vải thiều an toàn trước dịch bệnh.
“Chúng tôi vẫn nói vui, muốn vào được vùng vải, mọi người phải vượt qua 5 chốt, chốt của tỉnh, của huyện, chốt của xã, thôn, thậm chí là chốt của từng gia đình. Chúng tôi quán triệt với nhau không có việc gì cấp bách thì tuyệt đối không sang nhà nhau tâm sự, mọi việc trò chuyện, trao đổi chuyển sang online” – ông Sáng cho biết.
Cũng theo ông Sáng, hiện công tác bảo vệ vùng vải thiều được lãnh đạo thôn, xã và mỗi người dân quán triệt với tinh thần cảnh giác cao nhất.
Các thương nhân đến mua vải đều được phun khử khuẩn, đo thân nhiệt; mỗi gia đình trong thôn tự trang bị dung dịch sát khuẩn, cứ ra khỏi nhà và đi về là phải thay khẩu trang, đồng thời hạn chế tiếp xúc.
Ông La Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn cho biết: “Hiện, Lục Ngạn được xác định là vùng sạch dịch Covid-19, không có F0, những ca F1 được đưa đi cách ly tập trung ngay lập tức còn những đối tượng F2, F3 được giám sát nghiêm ngặt” – ông Nam khẳng định.
Tấm biển người dân xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nhắc nhở nhau để bảo vệ vùng vải thiều hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Chương.
Tấm biển người dân xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) nhắc nhở nhau để bảo vệ vùng vải thiều hàng nghìn tỷ đồng. Ảnh: Nguyễn Chương.
Mùa vải thiều năm 2021 cũng là năm đầu tiên một số hộ dân ở thôn Cầu Đền, xã Thanh Hải mạnh dạn liên kết sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn GlobalGAP, phục vụ xuất khẩu vải sang những thị trường khó tính.
“Trước khi làm theo tiêu chuẩn GlobalGAP chúng tôi đã có 10 năm trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP nên không quá bỡ ngỡ. So với phương pháp canh tác thông thường, cái anh GlobalGAP này đòi hỏi nhiều tiêu chí hơn như phun thuốc bảo vệ đúng chủng loại, liều lượng, chủ yếu là thuốc bảo vệ thực vật sinh học theo danh mục Phòng NNPTNT cấp, việc ghi chép nhật ký sản xuất phải tuân thủ nghiêm ngặt, nhà nào làm gì, vào thời gian nào phải được thể hiện trong nhật ký” – ông Sáng cho biết.
“Mấy hôm trước tỉnh Bắc Giang đưa ra thông điệp vải thiều Bắc Giang không cần giải cứu, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ. Nông dân chúng tôi gắn bó với cây vải hàng chục năm nay, thăng trầm cũng không ít, thị trường có lúc này lúc khác nhưng chưa bao giờ vải thiều Lục Ngạn rơi vào cảnh ế đến mức phải giải cứu. Nhờ cây vải, nông dân chúng tôi có nhà cao, xe đẹp, con cái được học hành, giờ lại sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thì không có cớ gì phải giải cứu” – ông Sáng khẳng định.
Anh Ngô Văn Liên, Trưởng thôn Cầu Đền, Giám đốc Hợp tác xã vải thiều Cầu Đền cho biết, Hợp tác xã hiện có 13 hộ thành viên, với 50ha vải thiều theo tiêu chuẩn Global GAP.
Dự kiến sản lượng vải thiều đạt tiêu chuẩn của hợp tác xã khoảng 400 tấn.
“Dù mới thành lập năm 2020 nhưng so với sản xuất cá thể, chúng tôi thấy tham gia hợp tác xã có nhiều cái lợi. Thứ nhất, mọi quy trình, kỹ thuật chăm sóc vải thiều, các thành viên đều được cán bộ Phòng NNPTNT tập huấn, nhiều doanh nghiệp cũng đã tìm đến hợp tác xã đặt vấn đề ký hợp đồng, điều trước đây không thể có với hộ cá thể. Hiện, đã có nhiều doanh nghiệp đến đăng ký mua vải, với giá khoảng 28.000 – 30.000 đồng/kg” – anh Liên cho biết.
Cũng theo anh Liên, nhờ canh tác theo tiêu chuẩn GlobalGAP nên chất lượng vải thiều của Hợp tác xã Cầu Đền cao nhất từ trước đến nay, lại có doanh nghiệp đăng ký bao tiêu nên bà con nông dân rất yên tâm về đầu ra dù dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.
Nguồn: danviet.vn