Điểm mới trong dự thảo chính sách tín dụng cho người nghèo

Lượt xem: 125

Giải đáp câu hỏi trên của độc giả Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo dự thảo này) cho biết, dự thảo Nghị định này khi được ban hành sẽ thay thế Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ (NĐ 78).

Sửa khái niệm tín dụng chính sách xã hội

Trong đó, một trong những đề xuất của Bộ Tài chính là sửa đổi cả khái niệm tín dụng chính sách xã hội. Bởi hiện tại, theo Điều 1 NĐ 78 “Tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác là việc sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống;…”.

Tuy nhiên, quy định như trên đã không khuyến khích việc huy động các nguồn lực tài chính của các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế khác tham gia vào công cuộc cho vay xóa đói giảm nghèo, là nhiệm vụ chung của toàn xã hội.

Chính vì vậy, Bộ Tài chính cho biết, trong những năm qua, khả năng huy động vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) còn hạn chế, phần lớn nguồn vốn là của Nhà nước, gây bị động và tạo sức ép về vốn lên các cơ quan quản lý nhà nước.

Để khắc phục vấn đề này và tạo khuôn khổ pháp lý cho việc huy động các nguồn vốn ổn định lâu dài để cho vay, Bộ Tài chính đã dự thảo theo hướng bổ sung thêm việc huy động các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế để tham gia vào công cuộc cho vay xóa đói giảm nghèo như tinh thần các Nghị quyết của Đảng đã nêu.

… đến đề xuất về mức vốn vay

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ về góc độ mức vốn vay tín dụng CSXH, Bộ Tài chính phân tích rằng, trước đây NĐ 78 quy định mức vốn vay do Hội đồng quản trị NHCSXH quyết định và công bố trên cơ sở nhu cầu vay vốn và khả năng nguồn vốn có thể huy động được trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, trên thực tế, quy định này chỉ áp dụng duy nhất đối với chương trình cho vay hộ nghèo do Hội đồng quản trị NHCSXH quyết định mức cho vay 30 triệu đồng/hộ. Còn đối với 13 chương trình cho vay còn lại, mức vốn cho vay được quy định cụ thể trong các quyết định của Thủ tướng Chính phủ do các cơ quan đề xuất, như cho vay học sinh sinh viên không quá 900.000 đồng/tháng/học sinh; cho vay nước sạch 4 triệu đồng/công trình; cho vay hộ nghèo làm nhà ở 8 triệu đồng/hộ;…

Trong khi đó, Bộ Tài chính nhận định rằng, NĐ 78 là nghị định khung quy định những vấn đề chung nhất của cơ chế tín dụng cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách, nên chỉ quy định mang tính nguyên tắc để đảm bảo tính linh hoạt, không bị bó hẹp trong chính sách, tránh mâu thuẫn với các văn bản khác.

Đồng thời, cũng do đối tượng vay vốn chỉ gồm 3 đối tượng là hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số và học sinh sinh viên nên đề nghị sửa đổi quy định về mức vốn cho vay theo hướng: “mức vốn cho vay do Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH quyết định trên cơ sở nhu cầu vay vốn của người và nguồn vốn có thể huy động được trong từng thời kỳ”.

Lãi suất cho vay

Đây là một trong những nội dung tập trung sự quan tâm của độc giả, bởi theo Bộ Tài chính, Dự thảo mới đã sửa đổi cơ chế điều hành lãi suất theo hướng, “về nguyên tắc xác định lãi suất cho vay không thấp hơn lãi suất huy động bình quân cộng với chi phí hoạt động của NHCSXH. Lãi suất cho vay được xác định cụ thể cho từng đối tượng vay vốn có tính đến khả năng tài chính của người vay và mức độ ưu đãi cho các đối tượng khác nhau”.

Dự kiến sửa đổi trên sẽ thay thế cho quy định cũ tại NĐ 78 là lãi suất cho vay do Thủ tướng quyết định trong từng thời kỳ theo đề nghị của Chủ tịch Hội đồng quản trị NHCSXH, thống nhất trong phạm vi cả nước; đồng thời cố định mức lãi suất quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay.

Bộ Tài chính cho biết, lý do sửa đổi là NĐ 78 chưa quy định rõ nguyên tắc xác định lãi suất nên chưa có căn cứ cho việc điều hành dẫn đến lãi suất tương đối cứng nhắc và giữ cố định từ năm 2006 đến nay. Trong khi đó, các ngân hàng thương mại đã chuyển sang cơ chế cho vay theo lãi suất thỏa thuận và đã diễn biến qua các thời kỳ khác nhau.

Trao đổi với phóng viên Cổng TTĐT Chính phủ, Bộ Tài chính khẳng định, xóa đói giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội là một trong những mục tiêu kinh tế-xã hội quan trọng của đất nước. Vì vậy, để đạt được các mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo thì đòi hỏi phải tiếp tục hoàn thiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách theo hướng tăng cường hơn nữa cả về quy mô và chất lượng tín dụng ưu đãi.

Chinhphu