Nội dung quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bắc Giang đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Lượt xem: 122

Theo đó, giai đoạn 2017-2025, quy hoạch 18 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung vào các cây, con có thế mạnh của tỉnh như: rau, hoa, chè, vải thiều, cây ăn quả có múi, nấm ăn, chăn nuôi lợn và chăn nuôi gà.

Mô hình trồng dưa ứng dụng công nghệ cao tại xã Thường Thắng, huyện Hiệp Hòa

Cụ thể, quy hoạch 07 vùng rau ứng dụng công nghệ cao với diện tích 170 ha tại hai xã Quang Thịnh và Tân Thịnh, huyện Lạng Giang (110 ha); xã Đông Phú, huyện Lục Nam (100 ha); xã Lương Phong, huyện Hiệp Hòa (100 ha); xã Tiến Dũng, huyện Yên Dũng (100 ha); 2 xã Ngọc Lý và Ngọc Thiện, huyện Tân Yên (100 ha); 2 xã Cảnh Thụy và Tư Mại, huyện Yên Dũng (100 ha); xã Đông Lỗ, huyện Hiệp Hòa (100 ha).

Quy hoạch 02 vùng hoa ứng dụng công nghệ cao với diện tích 100 ha tại xã Song Mai, thành phố Bắc Giang (50 ha) và xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa (50 ha).

Quy hoạch 01 vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao diện tích 300 ha tại các xã: Xuân Lương, Canh Nậu, huyện Yên Thế.

Quy hoạch 02 vùng vải thiều ứng dụng công nghệ cao diện tích 800 ha tại xã Hồng Giang, huyện Lục Ngạn (300 ha); 2 xã Phúc Hòa và Liên Sơn, huyện Tân Yên (500 ha).

Quy hoạch 01 vùng cây ăn quả có múi ứng dụng công nghệ cao với diện tích 300 ha tại các xã T ân Quang, Hồng Giang, huyện Lục Ngạn.

Quy hoạch 01 vùng nấm ứng dụng công nghệ cao với diện tích 5 ha (tương đương 10 cơ sở, quy mô lán trại bình quân trên 500m2) tại xã Tiên Lục, huyện Lạng Giang.

Quy hoạch 02 vùng chăn nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao tại các xã Ngọc Châu, Ngọc Thiện, Ngọc Vân, huyện Tân Yên với 20 cơ sở và tại xã Long Sơn, Dương Hưu, huyện Sơn Động với 30 cơ sở.

Quy hoạch 02 vùng nuôi gà ứng dụng công nghệ cao tại các xã: Đồng Tâm, Đồng Kỳ, Đồng Hưu, Tam Tiến, Tiến Thắng, Canh Nậu, Đồng Vương, huyện Yên Thế với 200 cơ sở; tại xã Cao Thượng, Hợp Đức, huyện Tân Yên với 60 cơ sở.

Trong giai đoạn này, phấn đấu đưa giá trị sản lượng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến 2025 chiếm từ 20-23% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; giá trị gia tăng 20-30%; có từ 1-2 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Giai đoạn 2025-2030, tiếp tục đầu tư, mở rộng quy mô các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã có; đồng thời hình thành và phát triển thêm 17 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao mới. Dự kiến đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh hình thành 35 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với các sản phẩm như: rau, hoa, nấm, chè, vải, cây có múi, gà, lợn.

Phấn đấu trong giai đoạn này, giá trị sản lượng nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2030 chiếm từ 30-32% trong giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh; giá trị gia tăng 20-30%; có từ 2-3 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng thời hình thành 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quy mô khoảng 100 ha để tổ chức nghiên cứu, triển khai các công nghệ mới trong nông nghiệp, gắn kết cơ sở nghiên cứu (Trung tâm, Trường đại học) với các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.

Dự báo tổng vốn đầu tư triển khai quy hoạch trong cả giai đoạn 2017-2030 là 1.516,6 tỷ đồng./.

BBT