Những phát minh tiêu biểu năm 2011

Lượt xem: 221

1. Phân bón mới cho cỏ

Một trong những thành tựu nổi bật trong lĩnh vực nông nghiệp thế giới năm 2011 là ra đời sản phẩm Forage Boost (FB) của hãng SumaGrow (Mỹ) hay còn gọi là phân bón cho cỏ. Sự cần thiết của việc ra đời sản phẩm FB là do trên thế giới hiện nay mỗi năm con người dùng trên 180 triệu tấn phân đạm. Khi cây trồng không hấp thụ hết, bị rửa trôi, ngấm vào nguồn nước, làm cho tảo bùng phát, gây hại cho cuộc sống của các loài sinh vật dưới nước. Nhưng nếu dùng FB nó sẽ giữ lại chất đạm cho đất và bẻ gãy các chất thải hữu cơ, biến chúng thành nguồn đạm hữu ích cho cây trồng.

Qua thử nghiệm, FB có tác dụng làm tăng sản lượng cỏ lên tới 20% thông qua cấu trúc với trên 30 loại vi khuẩn khác nhau. Các loại vi khuẩn này tạo ra các kênh siêu nhỏ trong đất, làm giảm mức thất thoát nước xuống còn một nửa, tăng cường hàm ẩm cho đất và hạn chế tưới tiêu. Việc sử dụng phân bón FB sẽ giảm được đáng kể nguồn phân bón cho trên 8 tỷ mẫu Anh trên trái đất trồng cỏ hiện đang cần đến phân bón, nhất là phân bón hoá học.

2. Ra đời tử cung AW

AW (Artificial Womb), thuật ngữ ra đời gần đây để nói về tử cung nhân tạo do chính con người tạo ra để “ấp trứng” và nuôi dưỡng phôi thai bên ngoài cơ thể con người. Đây là dự án táo bạo và đã được các chuyên gia ở ĐH Cornell (Mỹ) thực hiện thành công trên chuột, cho ra đời những con chuột khỏe mạnh không cần tới những con chuột cái mang thai.

Dự án trên mang lại nhiều triển vọng cho những phụ nữ bị cắt dạ con, hoặc vì sự cố gì đó không thể tự mình mang thai được, hoặc cũng có thể giảm gánh nặng cho phụ nữ, nhất là những người bận mải công việc hay gặp sự cố về sức khỏe. Với dự án này, tương lai không xa, trẻ em sẽ được ra đời từ tử cung nhân tạo.

3. Màng phim quang điện trong suốt

Có tên là Wgsips, sản phẩm của hãng Wgsips (Pháp) có thể ứng dụng, tích hợp trên màn hình thiết bị di động hay làm tấm thu năng lượng mặt trời. Wgsips có kích thước siêu mỏng (dầy 0,1mm), trong suốt có thể gắn vào thiết bị di động. Ví dụ như vào điện thoại di động, không gây mất thẩm mỹ mà có thể sạc điện liên tục cho máy, không cần đến thiết bị sạc điện thông thường, thông qua cơ chế hấp thụ năng lượng mặt trời hoặc những nguồn sáng ở gần, sau đó chuyển đổi thành năng lượng hữu ích cho máy mà không ảnh hưởng đến độ nhạy của các màn hình cảm ứng, kể cả cho những chiếc điện thoại thông minh 3D. Ngoài ra có thể tích hợp vào các thiết bị điện tử như máy đọc eBook, máy laptop, màn hình LCD, tivi …

4. Chip nhận dạng nhanh bệnh STD

Theo nguồn tin nước ngoài, các chuyên gia Đại học Colombia (Mỹ) vừa nghiên cứu thành công một thẻ nhận dạng bằng nhựa nhỏ xíu có tên là mChip, cho biết nhanh nguy cơ mắc bệnh lây lan qua đường tình dục (STD) như bệnh giang mai, sùi mào gà và cả bệnh HIV…

mChip được xem là một cuộc cách mạng mới trong lĩnh vực khám chữa bệnh, phù hợp với các nước đang phát triển. mChip có kích thước bằng một chiếc thẻ tín dụng, giá 1 USD, chỉ cần một giọt máu nhỏ là có thể biết được kết quả, mọi người có thể tự làm lấy, cho kết quả chính xác trong vòng 15 phút.

5. Hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt

Để tiết kiệm nước và tái tuần hoàn dùng lại nguồn nước sinh hoạt, Công ty Pasteurization Technology Group của Mỹ đã nghiên cứu cho ra đời một hệ thống tinh chế nước thải sinh hoạt gọn nhẹ, rẻ tiền có thể tạo ra nguồn nước lớn tuần hoàn trở lại cho hệ thống tinh chế nước sinh hoạt, có tên là PTG (viết tắt của công ty phát minh ra nó).

Trong công nghệ nói trên, thay vì dùng clo, PTG lại tinh chế nước thải bằng cách hâm nóng lên tới 180oF (82oC). Nước nóng đi từ nhiệt thải của máy phát điện kề cạnh dùng khí thiên nhiên hoặc dùng khí gas chế từ vật thải của chính quá trình. Ngoài việc tạo ra nguồn nước sạch, mỗi năm nhà máy PTG có thể tạo ra 160.000 USD, lợi tức qua việc bán điện năng chế từ phế thải của quá trình.

6. Cầu siêu bền, siêu nhẹ

Năm 2011, tại Boothbay Maine, vùng Đông Bắc nước Mỹ người ta khánh thành một cây cầu đặc biệt, có tên là Kinickerbocker Bridge (KB) dài 540 feet (165 mét) được tăng cường sợi carbon. Với cấu trúc này cầu KB được xem là siêu nhẹ, đặc biệt là dầm có cấu trúc hybride-composite (composide lai) do kỹ sư John Hillonan ở công ty cầu đường HC Bridge Company thiết kế và hãng Harbor Technologies đảm nhận việc thi công.

Ngoài ra, cầu KB còn được phủ lớp polymer tăng cường sợi carbon, chịu ăn mòn và bên trong là bê tông mác cao. Lớp phủ ngoài chỉ chiếm 1/3 tổng trọng của thép, 1/10 tỷ trọng bê tông của toàn bộ công trình nên giảm chi phí, tiến độ xây dựng nhanh, mỗi dầm có tuổi thọ tới 100 năm, dài hơn so với các công trình cầu truyền thống và được xem là cây cầu đặc biệt, đầu tiên được xây dựng trên thế giới hiện nay.

7. Máy cảnh báo tiếng ồn

NI-100 là thiết bị cảnh báo tiếng ồn gọn nhẹ, giá thành 41 USD/chiếc có thể dùng lắp ở trong nhà, nơi làm việc hoặc ở các vị trí tương tự. Thay vì dùng máy đo decibel cồng kềnh, có thể dùng máy cảnh báo NI-100 bởi nó cho biết ngay mức độ ồn cục bộ tại nơi lắp đặt. Khi độ ồn vướt quá mức an toàn 85 dBA, máy sẽ nhấp nháy đèn để cảnh báo và nhắc nhở mọi người nên đeo thiết bị phòng hộ chống ồn. Ngoài ra, có thể đeo trực tiếp trên người nếu làm việc lưu động, máy dùng pin có tuổi thọ 200 giờ, hết có thể sạc được.

8. Động cơ ôtô tiêu hao ít nhiên liệu

Nhằm đối phó với giá dầu, giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay và thỏa mãn các quy định nghiêm ngặt về khí thải, các hãng sản xuất xe hơi hiện đang áp dụng các giải pháp mới để thay thế các loại động cơ 6 xilanh bằng động cơ 4 xilanh mang tính kinh tế cao, tiêu hao ít nhiên liệu. Đi đầu là hãng BMW của Đức, hãng này đã cho ra đời loại động cơ mới, động cơ 4 xilanh TurboTwin Power (gọi tắt là động cơ TwinPower), công suất không kém gì các loại động cơ 6 xilanh.

Cấu trúc của động cơ này gồm thiết bị trao đổi tubin cuộn kép và các vòi phun nhiên liệu điện tử cao áp, làm tăng công suất nén và tạo ra nhiều năng lượng cho từng giọt nhiên liệu và kết quả, TwinPower tạo ra công suất tới 240 sức ngựa và mômen 260 pound-feet, lớn hơn tới 40 pound – feet so với động cơ 6 xi lanh 3.0 liter truyền thống, trong khi đó lại tiêu hao ít hơn 23% nhiên liệu. TwinPower dự kiến sẽ lắp cho dòng xe 528i và Z4s Drive 28 ra đời vào năm 2012 sắp tới.

9. Chíp khám bệnh

Theo số liệu thống kê, có khoảng 1/4 trong số 13 triệu bệnh nhân HIV/AIDS hoặc lao trên quy mô toàn cầu hiện nay không phải tử vong vì những căn bệnh mà họ đang mắc phải mà lại chết vì các biến chứng gan trong quá trình điều trị. Để hạn chế tử vong, việc chẩn đoán sớm biến chứng về gan để có biện pháp can thiệp kịp thời đóng vai trò quan trọng. Hiện nay phương pháp chẩn đoán phải cần đến các bơm plastic giá 1.000 USD, chip máy tính 100 USD và máy hiển vi giá 30.000 USD.

Điều này hoàn toàn không khả thi đối với các nước đang phát triển vì vậy các nhà khoa học vừa nghiên cứu và cho ra đời phép thử test mới, tất cả tích hợp trong một con chip nhỏ có tên là Phép thử tổng thể các chức năng gan (All Liver- Funtions Test), hay phòng thí nghiệm trong một con chip, giá chỉ có 0,05 USD/chip. Chỉ cần một giọt máu người bệnh nhỏ lên con chip bằng giấy cỡ một con tem, 15 phút sau nó thay đổi màu sắc, hiển thị kết quả và cho biết gan khỏe hay yếu, mắc bệnh gì. Dự kiến ngay trong năm 2012, loại chip nói trên sẽ được đưa vào sử dụng tại Ấn Độ.

10. Thiết bị kiểm tra độc tố trong nước siêu nhanh

Từ trước tới nay muốn kiểm tra các mẫu nước sinh hoạt người ta phải chờ tới 72 tiếng nhưng trong tương lai, thời gian này rút xuống chỉ còn lại 15 phút nhờ bộ kiểm tra gọn nhẹ có tên Checklight TOX- Spot Turbo (CTT).

Không chỉ có tiến độ nhanh bất ngờ mà hệ thống nói trên còn phát hiện nhanh những độc tố nguy hiểm gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nên nó được ví như một phòng thí nghiệm thu nhỏ di động, sử dụng các hỗn hợp khuẩn phát quang để phát hiện độc tố.

Ngoài việc thử mẫu nước tại chỗ, CTT có thể dùng cho nhiều mục đích khác, nhất là kiểm tra vi lượng độc tố có trong dung dịch, do chính cường độ ánh sáng của khuẩn phát ra và sẽ có mặt trên thị trường ngay trong 2012 sắp tới.

Theo NNVN