Các cấp Hội chủ động xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ cho nông dân
29/06/2016 01:12
Giáo sư Phạm Thị Thùy: “Hội phải hỗ trợ những nông dân sáng tạo KHKT”
Giám đốc Trung tâm sinh học nông nghiệp, Giáo sư Phạm Thị Thùy cho rằng, việc ứng dụng KHKT trong nông nghiệp hiện còn yếu trên cả bốn mặt: Cơ chế chính sách, nhà khoa học, nhà nông, nguồn lực tài chính. Điều đó dẫn tới việc đưa tiến bộ KHKT cho nông dân chưa được nhiều.Theo giáo sư, vấn đề yếu nhất hiện nay là tuyên truyền phổ biến kiến thức KHKT đến với nông dân. Trình độ, nhận thức của nông dân hiện còn rất hạn chế đã dẫn đến việc ứng dụng các nghiên cứu của nhà khoa học rất khó. Đây là nguyên nhân khiến việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức KHKT của nhà khoa học chưa được sâu rộng.
Trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn còn nhiều bất cập. Điển hình như: Trong khi chúng ta đang tuyên truyền cho sản phẩm nông nghiệp sạch, hạn chế lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Nhưng các ngành chức năng vẫn cho nhập khẩu 30 -50.000 tấn hóa chất bảo vệ thực vật từ Trung Quốc. Giáo sư đề nghị Hội cần phát huy vai trò của mình, tuyên truyền cho nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Trong xây dựng nông thôn mới, Giáo sư Phạm Thị Thùy cho rằng quan trọng nhất là đưa được KHKT vào sản xuất. Do vậy cần mời các nhà khoa học có ý kiến trong quá trình xây dựng nông thôn mới và tổng kết hàng năm như phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi. Trong liên kết 4 nhà, Hội cần phát huy vai trò thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông.
Hiện vẫn còn quá ít các mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp thực sự có hiệu quả để có thể sản xuất hàng hóa, giáo sư đề nghị Hội phối hợp với các nhà khoa học từng bước xây dựng 10 – 15 mô hình điểm mỗi năm, nhằm ứng dụng KHKT đi vào chiều sâu.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hải Dương Phạm Thị Thu Bình cũng khẳng định hàm lượng trí tuệ KHKT trong sản phẩm nông nghiệp của tỉnh gần như không có. Điển hình như quả vải của tỉnh, tuy chất lượng ngon, nhưng mẫu mã xấu, rất dễ bị thương lái ép giá. Đồng chí đề nghị Trung ương Hội kiến nghị Nhà nước cần có giải pháp thu hút doanh nghiệp hỗ trợ nông dân về KHKT, về kinh tế.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Hồ Chí Minh Đoàn Văn Thanh cũng cho rằng, còn quá ít những ứng dụng KHKT nông dân thấy có lợi khi áp dụng vào thực tiễn. Trong khi đó, nông dân làm được các ứng dụng về KHKT lại không được công nhận. Nông dân của thành phố cũng không được nhận chuyển giao KHKT trực tiếp từ các Viện Nghiên cứu, Trung tâm Công nghệ của thành phố. Đồng thời, cũng không được các nhà khoa học cảnh báo về các nguy cơ KHKT khi sản xuất nông nghiệp.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Tuyên Quang Trần Văn Chiến cho biết: “Với đặc thù miền núi, địa bàn rất rộng, có mô hình ứng dụng KHKT Hội triển khai có hiệu quả, nhưng cũng có mô hình do năng lực của cán bộ Hội và người nông dân còn yếu nên hiệu quả không cao. Từ đó dẫn đến việc tuyên truyền KHKT cho nhà nông của Hội chưa sâu rộng”. Đồng chí đề nghị những mô hình các nhà khoa học đã nghiên cứu thử nghiệm có hiệu quả thì chuyển cho Hội tuyên truyền nhân rộng trong bà con nông dân.
Nhằm khắc phục tình trạng trên, thời gian tới các cấp Hội sẽ thường xuyên phát động trong cán bộ, hội viên nông dân tích cực tìm tòi, nghiên cứu sáng tạo, chế tạo các công cụ để ứng dụng ngay vào phục vụ sản xuất và đời sống của nông dân. Ưu tiên tập huấn, xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học và công nghệ hiệu quả, bền vững có sức lan tỏa trong cộng đồng để từ đó nhân rộng các mô hình vào thực tiễn; hỗ trợ và bảo vệ nông dân xây dựng bản quyền tác giả, thương hiệu sản phẩm và sở hữu trí tuệ các công trình khoa học của nông dân. Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ Hội trực tiếp tham gia công tác khoa học và công nghệ…
hoinongdan.org.vn