Tiêu chí Văn hoá trong xây dựng NTM: Khó khăn và giải pháp vừa tầm sức

Lượt xem: 355

Để thực hiện 2 tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí Quốc gia về Nông thôn mới. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương triển khai thực hiện. Các địa phương đã chỉ đạo cơ sở thực hiện cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh. Kết quả đạt được đã góp phần làm mới, khang trang hơn từ nhà ở, đường đi, cây xanh, môi trường, các công trình văn hóa, thể thao phúc lợi của nhân dân từng địa phương.

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, phát sinh những khó khăn mới trong thực tiễn. Trong nhiều hội nghị tổng kết, bàn giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới trong 2 năm còn lại của giai đoạn 2016 – 2020, nhiều ý kiến của đại biểu các tỉnh thành cho rằng, thách thức lớn nhất trong thực hiện tiêu chí văn hóa là mâu thuẫn giữa truyền thống và phi truyền thống trên tất cả các lĩnh vực và mối quan hệ cộng đồng; là khoảng cách chệnh lệch phát triển giữa các vùng miền, các vấn đề về môi trường, văn hóa, an ninh nông thôn; bệnh thành tích, tính xuê xoa trong xét, thẩm định và công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó là một số chính sách chưa kịp thời điều chỉnh khi thực tiễn đã thay đổi như: Dịch vụ công trong y tế, giáo dục, tiếp cận thông tin, giao thông vận tải và văn hóa lễ hội, tín ngưỡng… trong cộng đồng. Từ cách tiếp cận trên, trong phạm vi bài viết này, xin bàn luận một số tồn tại và giải pháp tháo dỡ khi thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới đến năm 2020.

Nhà văn hóa thôn Lục Thụ, xã Xuân Lôi (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) là nơi tập luyện thể thao thường xuyên của nhân dân. Ảnh: CHU KIỀU

Tiêu chí số 6 – Cơ sở vật chất văn hóa

Khẳng định rằng, trước khi thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia, việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở vật chất văn hóa ở cấp xã, thôn là rất khó khăn. Mỗi địa phương có cách hiểu khác nhau, làm khác nhau trong cấp ủy, chính quyền, đoàn thể và người dân – nên kết quả không đồng đều, khó định lượng về tiêu chí “Cơ sở vật chất văn hóa”. Vì sao?

Thứ nhất, việc quy hoạch quỹ đất để xây dựng công trình cơ sở văn hóa, thể thao gặp khó khăn: Cấp mới thì đủ diện tích nhưng xa khu dân cư. Thuận với khu dân cư thì diện tích hẹp; mở rộng thì ngân sách xã không có tiền đền bù, giải phóng, san lấp mặt bằng. Việc “đi mắc núi, về mắc sông” đã làm cho nhiều xã dịch chuyển từ nhà kho, nhà trẻ, nhà văn hóa đã xây dựng nhiều năm… sang thành nhà văn hóa thôn, xóm vừa hẹp về diện tích, vừa thiếu cảnh quan và xập xệ. Ở miền núi, do địa hình chia cắt, độ dốc lớn, việc bố trí quỹ đất càng khó khăn, nơi đồi núi cao, rừng rất khó tạo mặt bằng cho dựng nhà, sân chơi, bãi tập. Mặt khác, cư dân sống phân tán nên khó tổ chức được các hoạt động văn hóa, thể thao trong nhân dân.

Thứ hai, kinh phí xây dựng, mua sắm trang thiết bị và tổ chức hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao ở địa phương rất eo hẹp: Cấp huyện thì dựa vào kinh phí Nhà nước cấp. Cấp xã càng khó khăn hơn và trông chờ vào thuế chuyển nhượng đất. Ở thôn, xóm thì chủ yếu là người dân đóng góp. Sự thiếu hụt về tài chính là lý do cơ bản làm cho nhà văn hóa thôn, xóm thành “4 không”: Không bàn ghế; không thiết bị âm thanh; không sân, bục bệ, phông cờ và không muốn đến ngồi họp.

Thứ ba đội ngũ cán bộ văn hóa phần lớn ở độ tuổi trung niên (38- 45), kiệm nhiệm việc thôn, xã, thiếu kiến thức cơ bản về xây dựng văn hóa, thể thao cơ sở…nên cách làm văn hóa là theo việc, thiếu sáng tạo và làm đứt đoạn các kết nối với “hạt nhân” phong trào văn hóa, thể thao tại địa bàn dân cư.

Tiêu chí số 16 – Văn hóa

Đến tháng 12.2018, cả nước có 79.024/106.382 (74,2%) số thôn, xóm, ấp, bản làng được công nhận danh hiệu văn hóa; hơn 82% số gia đình đạt gia đình văn hóa – tỷ lệ này là rất cao, tỷ lệ nghịch với với bức tranh toàn cảnh về đời sống văn hóa tại cơ sở. Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao tỷ lệ gia đình văn hóa, làng ấp, thôn bản văn hóa cao mà đạo đức xã hội lại xuống cấp? Danh hiệu văn hóa đã thực chất chưa? Nếu chưa thì do bệnh thành tích, thiếu dân chủ trong bình xét hay sự thay đổi của kinh tế – xã hội – mà ở đó, một phần sự nỗ lực của cấp uỷ chính quyền, người làm văn hóa chưa cao? Những lý giải về thực tiễn dưới đây, đã trả lời được một phần vấn đề mà dư luận quan tâm:

Về nguyên nhân khách quan: Sự phát triển nhanh chóng theo hướng “đô thị hóa” từ xã, thị tứ, huyện lị…một mặt, đã tạo ra những “giá trị mới” cho một nông thôn mới, nhưng do thiếu quy hoạch đã tạo ra những xô lệch về xây dựng, hình thành những cụm, dãy dịch vụ, thương mại, giải trí… xen lẫn với khu ở, bãi chứa nguyên liệu, chăn nuôi… Không gian sống làng quê đã bị vỡ từng mảng, mất dần đi tính đặc thù của nông thôn Việt Nam. Theo đó, những giá trị văn hóa “tình làng nghĩa xóm”, “thương người như thể thương thân”, những hương ước làng, bản bị coi thường, xem nhẹ… đã làm cho cá nhân, mỗi gia đình xa dần sự cố kết cộng đồng; thiếu cơ chế kiểm soát chung làm cho lối sống vì đồng tiền phát lộ. Khi “giá trị truyền thống” bị lắc lư, thì những “giá trị mới” chưa được hình thành bền vững; những quy định pháp luật chậm được ban hành và đi vào cuộc sống… đã trở nên miếng đất màu mỡ cho lối sống làm giàu bằng mọi giá và bất chấp trỗi dậy. Lại thêm, các yếu tố văn hóa ngoại lai, những tệ nạn vốn có ở đô thị tràn về nông thôn, lớp trẻ tiếp nhận ồ ạt, phát sinh thêm tệ nạn xã hội như tín dụng đen, cờ bạc, ma túy, mại dâm, xâm hại tình dục trẻ em… diễn biến phức tạp; nhiều gia đình, tổ chức chính trị – xã hội, địa phương không kiểm soát được hành vi của thành viên, thậm chí có nơi, “cái thiện, cái đẹp” bị bơ vơ và khó vươn tầm ảnh hưởng.

Cùng bà con tạo dựng nếp sống văn hóa ở Gia Lai. Ảnh.I.T

Về nguyên nhân chủ quan: Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể ở một số nơi còn rất nặng kiểu tư duy phong trào, làm rầm rộ khi khởi đầu, buông lỏng giai đoạn thực hiện hoặc chỉ dành vốn xây dựng công trình, không hỗ trợ kinh phí thi đua, khen thưởng và nhân điển hình tiên tiến, dẫn đến phong trào văn – thể bị hụt hơi, đuối sức. Một số nơi báo cáo không đầy đủ, trung thực. Bình xét các danh hiệu văn hóa, thẩm định 19 tiêu chí nông thôn mới còn xuê xoa, dễ dãi, nhưng chưa được chấn chỉnh nghiêm khắc, kịp thời. Thực hiện tiêu chí văn hóa trong xây dựng nông thôn mới cũng giống như cây trồng, quả đẹp, tầm thấp đã thu hoạch, quả nhỏ, ở cành cao đang xa tầm tay hái – cách ví von này, có lý lẽ riêng và gần gũi.

Mục tiêu vừa tầm sức

Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã chỉ rõ “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; không chỉ là mục tiêu, mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa”; do vậy, cần điều chỉnh để có sự hài hòa giữa phát triển kinh tế, tăng thu nhập cho người dân với xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, chăm lo sức khỏe của người dân, hướng tới cái thật, cái thiện, cái đẹp tiến bộ, lành mạnh là mục tiêu vừa tầm sức để hướng đến thành công. Để thực hiện mục tiêu đó, theo tôi, cần tập trung vào một số giải pháp sau:

Đầu tiên, các địa phương cần rà soát quy hoạch, dành quỹ đất cho xây dựng các công trình phúc lợi xã hội: Nhà văn hóa, sân chơi thể thao, có hệ thống cây xanh, ánh sáng thiết bị… hoàn chỉnh cho hội họp, đọc sách báo, vui chơi giải trí cho thanh niên, trẻ em, người cao tuổi một cách hợp lý trong quy hoạch tổng thể. Định kỳ tổ chức hoạt động thi đấu, giao hữu giữa các câu lạc bộ, đội văn nghệ, thể thao, dưỡng sinh… của các thôn, xã, cụm xã… nhằm khơi dậy, tạo điều kiện để nhân dân tham gia, hoạt động tự nguyện, thi đua trong cộng đồng.

Giải pháp thứ hai, cấp cơ sở lựa chọn những việc thiết thực nhất phù hợp với điều kiện thực tế, nguồn lực, có liên quan tới cuộc sống thường nhật của mỗi con người, gia đình và cộng đồng dân cư thực hành “5 cách” – như lời chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là: Cách ăn, cách mặc, cách nói, cách đi đứng và cách ứng xử – đây là vấn đề không mới, không quá tốn phí về vật chất nhưng tạo được sự đồng tình, hưởng ứng của gia đình, nhà trường, xã hội, các dòng họ cùng tham gia, tạo nên bước chuyển bên trong về nhận thức và thay đổi hành vi của mỗi người, mà bản thân các điều luật hiện có, chưa cụ thể hóa chi tiết và điều chỉnh kịp thời.

Thứ ba, xây dựng nếp sống văn hóa mới, tiến bộ, thì cán bộ, gia đình cán bộ, đảng viên, hội viên đoàn thể phải luôn luôn làm gương, rồi từ đó vận động nhân dân làm theo. Việc bình chọn “gia đình văn hóa”, đại biểu gia đình văn hóa đi dự hội nghị cấp trên phải do cộng đồng dân cư bình chọn trên nguyên tắc công khai, dân chủ, lấy tiêu chuẩn và kết quả thực hiện làm căn cứ, không vì lý do số lượng, cơ cấu hoặc ưu tiên – sẽ làm giảm động lực phấn đấu, gây mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

Thứ tư, chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao phương pháp, kỹ năng vận động nhân dân, thực hành tổ chức một chương trình sự kiện văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí… cho đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, các trưởng thôn, chi hội trưởng đoàn thể chính trị – xã hội và những người là nòng cốt, hạt nhân trong phong trào văn – thể, để họ tự đảm nhận và chủ động tổ chức các hoạt động trên địa bàn dân cư.

Cuối cùng là tôn trọng tự do tín ngưỡng và tạo thuận lợi cho hoạt động tín ngưỡng của nhân dân theo quy định của pháp luật. Song phải kiên quyết ngăn chặn và xử lý kịp thời những người lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái phép, trục lợi từ hành nghề mê tín dị đoan, gây chia rẽ đoàn kết trong nhân dân. Việc xây dựng mới đình, chùa, miếu, nơi thờ tự… phải xuất phát từ nhu cầu chính đáng của nhân dân, phải được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định mới được thực hiện và quản lý thực hiện, không để xảy ra tình trạng ép dân, huy động sức dân quá mức.

Trong xây dựng Nông thôn mới, văn hóa là một trong những nội dung quan trọng. Vùng nông thôn là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa của cộng đồng. Mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân có đời sống kinh tế đủ đầy, giao thông thuận tiện, cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp; đời sống tinh thần phong phú, bản sắc văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy; người dân có nhiều cơ hội tiếp cận thông tin, việc làm và yêu quý, gắn bó với nông thôn – đó chính là mục tiêu về văn hóa mà chúng ta cần hướng đến.

Nguồn langmoi.vn