Mô hình “3 nhà” tiêu thụ nông sản: Liên kết chưa bền vững
12/12/2012 07:12
Lợi ích lớn
Tại Hội nghị tổng kết xây dựng mô hình tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp giữa DN-HTX và nông dân (gọi tắt là mô hình 3 nhà) được thực hiện thí điểm tại 12 tỉnh, do Bộ Công Thương tổ chức vào hôm qua 11.12, ông Trần Khải Bình-Chủ tịch UBND xã Phú Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) khẳng định: Đây là chủ trương đúng, hợp lòng dân, đáp ứng được nhu cầu mang tính khách quan và giải quyết được căn bản khó khăn trong sản xuất nông nghiệp hiện nay.
“Từ đề án thí điểm, Phú Lộc đã bao tiêu được hơn 2.000 tấn sản phẩm, ký được trên 12 tỷ đồng giá trị hợp đồng bao tiêu của xã với các đối tác và nông dân đã đạt thu nhập tới 120 triệu đồng/ha/năm” – ông Bình nói.
Người dân đóng gói thanh long để xuất bán cho doanh nghiệp.
|
Ông Lê Thanh Khiêm-Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang cũng nhấn mạnh, với việc ký hợp đồng đảm bảo giá (mua theo giá bảo hiểm và giá thị trường) của DN với nông dân nên mô hình đã được thực hiện thành công. Ông Khiêm nói: “Chúng tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. DN thu mua trực tiếp của nông dân hoặc liên kết với “hàng sáo” (thương lái). DN còn linh hoạt mua cả lúa tươi, hỗ trợ 30 đồng/kg lúa thực nhập kho của DN cho nông dân nên mô hình bao tiêu sản phẩm đã đem lại hiệu quả”.
Ông Phan Kim Sa-Phó Giám đốc Sở Công Thương Đồng Tháp nêu thực tế rằng, mô hình thí điểm đã góp phần làm giảm giá thành, ổn định đầu ra và chất lượng cho sản phẩm. Nông dân yên tâm sản xuất, DN chủ động được kế hoạch thu mua. Thương hiệu, uy tín của DN; năng lực của HTX, địa phương được nâng cao. Nông dân, HTX được quyền thương thảo giá và các điều kiện hợp đồng với DN mà không bị áp đặt như trước…
Vẫn thiếu bền vững…
Mặc dù hiệu quả và lợi ích là rất lớn nhưng việc thực hiện mô hình này đến nay vẫn bị hạn chế. Ông Nguyễn Minh Tuấn- Phó ban chính sách phát triển Liên minh HTX VN cho biết, một trong những cản trở lớn là cơ sở vật chất của các DN, HTX còn nghèo nàn, không có kho chứa nông sản, vật tư. Khả năng tài chính không có nên cả DN, nông dân đều không sản xuất lớn, hạn chế việc bao tiêu sản phẩm; chưa kể DN và nông dân còn thiếu hợp tác, DN ký hợp đồng nhưng thanh toán chậm cho nông dân, còn nông dân ký với DN nhưng lại bán sản phẩm ra ngoài…
Ông Phan Quốc Ân-HTX Thúy Hiền (Lào Cai) nói: “Hiện giá trị đất trang trại chăn nuôi chỉ được đánh giá là 18.000 đồng/m2, thì người chăn nuôi không thể thế chấp để vay vốn sản xuất; chưa nói do biến động giá thức ăn lớn (năm 2012, giá thức ăn chăn nuôi tăng 4 lần) dẫn tới biến động giá sản phẩm chăn nuôi đã cản trở việc ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm”… Ông Nguyễn Minh Văn – Giám đốc Sở Công Thương Nam Định kiến nghị: Cần có cơ chế tài chính, hạn mức tín dụng, vốn vay ưu đãi thì mới tạo điều kiện cho DN và nông dân thực hiện mô hình này, đồng thời cần định hướng sản xuất theo hướng cộng đồng, sản xuất hàng hóa lớn để DN dễ đảm bảo đầu ra.
Chủ tịch Hội Nông dân VN Nguyễn Quốc Cường: Cần có hỗ trợ cho doanh nghiệp
Mô hình này khó liên kết và thiếu bền vững theo tôi là do DN nông thôn của chúng ta nhỏ, năng lực thấp, còn nông dân thì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ. Do vậy, Nhà nước phải có chính sách ưu đãi hỗ trợ cho người “cầm trịch” là DN khi muốn triển khai mô hình này.
Thực tế, DN chủ động cung ứng đầu vào, lo tiêu thụ, giá cả đầu ra nên nếu không có chính sách tốt họ rất khó thực hiện tốt. Chính sách tốt cho họ là về lãi suất vay vốn, đưa họ vào diện ngân hàng chính sách, Nhà nước bù lãi suất, miễn thuế cho DN… Tiếp nữa là hợp đồng bao tiêu giữa DN và nông dân phải rạch ròi trách nhiệm, hài hòa lợi ích, giá cả rõ ràng và Nhà nước phải có cơ chế bảo hiểm khi biến động giá.
danviet