Một vùng quả ngọt, trái thơm

Lượt xem: 128

Vùng dứa hồi sinh
Từ UBND xã Bảo Sơn, kỹ sư Nguyễn Trung Tuấn, cán bộ khuyến nông dẫn chúng tôi theo con đường đất đỏ đi ngược lên phía bắc hướng vào dãy Bảo Đài xanh thẳm. Con đường đất vẫn còn lầy thụt sau những ngày mưa. Thôn Đồng Cống hiện ra trước mắt chúng tôi với những đồi dứa nối nhau chạy hút tầm mắt. Thôn có khoảng 200 hộ, cư trú trên một vùng núi rộng mấy cây số vuông ở phía nam dãy Bảo Đài. Dân cư thưa thớt, nhà nọ đến nhà kia cách đến vài trăm mét.
Kỹ sư Tuấn cho biết: “Trước đây cả vùng này thuộc đất của Lâm trường Lục Nam. Nhưng do chuyển đổi cơ chế, đất này được chuyển giao về xã quản lý để sản xuất, nhờ vậy thế mạnh đất đai mới được phát huy”.
Câu chuyện cây dứa “trụ” được ở đất này khá dài xen cả niềm vui và nỗi buồn. Bảo Đài là dãy núi đất, thấp dần từ bắc xuống nam có tầng canh tác khá tốt. Hầu hết là đất mối nhẹ, có màu xám, xốp thích hợp với nhiều loại cây, trong đó có dứa.
Cách đây hơn 10 năm, dự án trồng dứa Cayen được triển khai tại đây nhằm tạo ra vùng nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến thực phẩm. Dứa Cayen tỏ ra thích hợp với vùng này, trong đó có thôn Đồng Cống. Quả dứa Cayen to, năng suất đạt 50-60 tấn/ha song nhà máy không thu mua, mang ra chợ bán cũng không được vì dứa Cayen nhạt, chua, không hợp khẩu vị người Việt Nam. Dự án bị phá sản, nhiều gia đình cũng điêu đứng theo.
Hơn một thập kỷ trôi qua, người dân Bảo Sơn vẫn không quên được dứa. Trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, sản xuất hàng hóa xây dựng nông thôn mới thì dứa vẫn được người dân vùng này lựa chọn vì có nhiều ưu thế và kinh nghiệm đã tích luỹ. Điểm sáng tạo của người dân nơi đây là kỹ thuật chăm sóc để dứa ra trái vụ được áp dụng thuần thục. Giống dứa đưa vào trồng là giống Queen, quả nhỏ hơn, vị ngọt sắc và thơm, hiệu quả rõ rệt so với nhiều cây khác. Một vùng trái thơm, quả ngọt đã hồi sinh; vùng đất heo hút này trở thành nơi trồng dứa lớn nhất huyện Lục Nam (200/370 ha toàn huyện).
Cây làm giàu
Vào thăm gia đình ông Giáp Văn Hưởng khi ông bà miệt mài thu hoạch những trái dứa đầu mùa cho khách hàng đang chờ sẵn, ông Hưởng, bà Nếp vốn là công nhân của Lâm trường Lục Nam nghỉ chế độ từ lâu và nhận 3 ha đất lâm nghiệp từ năm 1993 để làm kế sinh nhai. Vụ dứa năm nay, ông bà có 1,3 ha đang cho thu hoạch. Là người có kiến thức về lâm nghiệp và cây vùng đồi, lại tích cực tiếp thu kỹ thuật mới nên đồi dứa nhà ông năm nào cũng cho quả to đều, mã đẹp.

Thương lái đến tận nơi thu mua dứa Bảo Sơn.
Ông cho biết: “Mỗi ha dứa trồng khoảng 5 vạn gốc, chi phí một gốc mỗi năm hết 2.000 đồng. Một ha cho từ 30 đến 35 tấn quả. Với giá 5-6 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí tôi thu lãi khoảng 200 triệu đồng”. Từ nguồn hoa lợi này ông có điều kiện nuôi các con ăn học trưởng thành, xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ dùng đắt tiền trong gia đình và có vốn tích luỹ…
Đi qua mấy vạt đồi đến khu vườn dứa của ông Vũ Văn Ban. Tại đây, hàng chục người vừa thu hoạch, vừa trồng mới dứa. Vợ chồng ông là người thôn Yên Thiện. Khi có chủ trương giao đất lâm nghiệp để sản xuất, ông đã mua 3 ha ở khu vực này, khoan giếng tạo nguồn nước và trồng dứa được 10 năm nay. Mỗi năm gia đình thu hoạch vài chục tấn quả, lãi hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đồi dứa của ông Ban là đồi dứa của ông Vũ Văn Mơ và bà Trần Thị Toan cũng rộng 3 ha đã 8 năm chuyên canh dứa. Vụ dứa này gia đình ông Mơ trồng 1,6 ha với 8 vạn gốc, thu khoảng 30 tấn quả.
Con đường uốn lượn giữa bạt ngàn đồi dứa, những chiếc xe tải nhỏ nối đuôi nhau chờ “ăn hàng”. Một chủ xe tên Lư cho biết: “Mỗi ngày tôi chở 2,5 đến 3 tấn dứa quả đi tiêu thụ tại Quảng Ninh”. Dứa ở đây rất được ưa chuộng. Các thương lái ở nhiều nơi đã tìm đến đây thu mua mang dứa đi tiêu thụ tại Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và nhiều tỉnh khác ở miền Bắc. Trồng và thu hoạch dứa, mỗi hộ ở Đồng Cống tạo việc làm thời vụ cho 5 đến 7 lao động với mức tiền công từ 160-200 nghìn đồng/người/ngày.
Từ một vùng đất heo hút, quả ngọt ở Bảo Sơn đã lên ngôi, có sức lan tỏa đến nhiều nơi. Hiện nay quỹ đất của vùng dứa mới sử dụng khoảng 60%. Theo tính toán của kỹ sư Tuấn, nếu các thôn trồng dứa hết diện tích thì sản lượng sẽ đạt hơn 10 nghìn tấn quả mỗi năm, tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, là hướng làm giàu của không ít gia đình.
Cần mối liên kết vững chắc
Chúng tôi rất lo lắng cho vùng dứa vì đầu ra hiện nay chỉ do thương lái đảm nhiệm. Sự liên kết với doanh nghiệp chế biến đến nay chưa có tín hiệu nào khả quan”.


Ông Hoàng Công Bảy, Chủ tịch UBND xã Bảo Sơn

Hiện nay, diện tích dứa của xã tập trung chủ yếu ở thôn Đồng Cống, Hồ Sơn 1, Quất Sơn với hơn 200 ha, trong đó có 135 ha đang cho thu hoạch. Sản lượng ước đạt trên 4.000 tấn quả. Để chủ động phòng bệnh, bảo đảm năng suất, hằng năm UBND xã Bảo Sơn đều mời các chuyên gia của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội về tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Do vậy, dịch bệnh gây hại trên dứa được kiểm soát, giảm thiểu đến mức thấp nhất.

Nhận thấy vùng dứa của quê hương có khả năng cho sản lượng lớn, cuối năm 2013, xã Bảo Sơn đã phối hợp với các cơ quan chức năng của huyện thành lập HTX Dứa Bảo Sơn với 20 thành viên và đang xúc tiến xây dựng chỉ dẫn địa lý vùng dứa.
Mặt khác, nhằm lo đầu ra sản phẩm cho nông dân, xã tổ chức một đoàn cán bộ đến doanh nghiệp tỉnh ngoài chuyên chế biến nông sản liên hệ cung cấp nguyên liệu nhưng chưa thành công. Dù rằng cây dứa đã và đang là cây làm giàu của nhiều gia đình, trở thành vùng sản xuất hàng hoá không chỉ ở xã Bảo Sơn nhưng đầu ra vẫn còn bấp bênh rất cần sự liên kết chặt chẽ giữa”4 nhà” để hương dứa bên dãy Bảo Đài ngày càng lan toả, bay xa.
Theo baobacgiang.com.vn