Khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất lâm nghiệp

Lượt xem: 111

Những năm qua, nhằm thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển, Nhà nước đã ban hành cơ chế chính sách đầu tư, hỗ trợ bảo vệ và phát triển rừng, nhiều dự án được thực thi tại Bắc Giang: Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Hỗ trợ trồng rừng sản xuất theo Quyết định 147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 22/2006/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung nguồn ngân sách địa phương cho bảo vệ và phát triển rừng và một số Dự án do tổ chức nước ngoài tài trợ (dự án trồng rừng Việt – Đức; dự án PAM 5322), vì thế rừng tự nhiên được đầu tư bảo vệ, diện tích rừng trồng sản xuất tăng nhanh, đến hết năm 2016 toàn tỉnh có 81.715 ha rừng, độ tre phủ rừng 36,44% (chưa tính vườn quả trên đất lâm nghiệp và diện tích rừng trồng chưa thành rừng). Còn nhớ, từ năm 2001 trở về trước, 100% diện tích rừng trồng mới tập trung đều sử dụng cây giống gieo ươm từ hạt, sử dụng hạt giống sô bồ, không có nguồn gốc, trồng rừng theo phương thức quảng canh nên cây trồng sinh trưởng và phát triển không đồng đều, trữ lượng gỗ thấp chỉ đạt 30-40 m3/ha, một chu kinh doanh kéo dài tới 11-12 năm mới cho thu hoạch. Những năm gần đây do có sự quản lý cây giống chặt chẽ, chọn loài cây trồng phù hợp với đất đai, cây giống được sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô, giâm hom và hạt giống nhập ngoại có chọn lọc, trồng rừng theo phương thức thâm canh, từ khâu làm đất, bón phân được quan tâm vì thế rút ngắn chu kỳ kinh doanh gỗ nhỏ xuống còn 5-6 năm, rừng đã cho năng suất cao. Một ha rừng nếu trồng rừng thâm canh, chăm sóc tốt sau một chu kỳ từ 5-6 năm có thể cho thu hoạch 100m3/ha gỗ, gấp 2-3 lần so với trước đây, phát huy hiệu quả sử dụng đất, và nâng cao giá trị rừng trồng. Các yếu tố trên đã tạo ra phong trào trồng rừng kinh tế trên địa bàn phát triển rộng khắp, hàng năm bình quân tỉnh ta trồng từ 6.000 – 7.000 ha rừng tập trung, khai thác gỗ trên 400 ngàn m3.Bên cạnh những kết quả đạt được, trong sản xuất lâm nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định: chất lượng giống cây lâm nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm. Ngoài số lượng cây đưa vào trồng rừng được quản lý theo Quy chế giống cây lâm nghiệp, xong vẫn còn khoảng 30% cây giống “ngoài luồng” không được kiểm soát. Những cây giống không có nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng xuất bán ra thị trường sẽ ảnh hưởng lớn tới chất lượng rừng trồng sau này, có thể gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư. Hiện nay các tổ chức, hộ gia đình trồng rừng sản xuất, kinh doanh gỗ nhỏ là chủ yếu nên giá trị rừng trồng không cao.

Trước thực trạng đó, để khai thác hiệu quả tiềm năng đất lâm nghiệp, quản lý thực hiện tốt điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng đã được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định 2371/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với diện tích quy hoạch cho lâm nghiệp là có 153.739 ha, trong đó rừng đặc dụng 13.303 ha; rừng phòng hộ 20.708 ha; rừng sản xuất 119.728 ha; nâng độ che phủ của rừng đến năm 2020 lên 38%; Quyết định số 2067/QĐ-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2014 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về viêc phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Giang theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015-2020. Nội dung Đề án nêu rõ: “…áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, công nghệ, giống mới vào trồng rừng nhằm nâng cao năng suất rừng trồng bình quân lên 20m3/ha/năm; mở rộng diện tích kinh doanh rừng gỗ lớn, đến năm 2020 dự kiến diện tích kinh doanh rừng gỗ lớn khoảng 7.200 ha, chiếm khoảng 10% tổng diện tích rừng trồng sản xuất của tỉnh…”, như vậy cần có những giải pháp, biện pháp sau đây:

1. Tăng cường hơn nữa vai trò và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lâm nghiệp ở cấp huyện, cấp xã theo Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 08/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng; Tổ chức, quản lý, thực hiện tốt quy hoạch 3 loại rừng; quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Bắc Giang.

2. Nâng cao giá trị, sử dụng có hiệu quả rừng sản xuất, cụ thể:

+ Đối với rừng tự nhiên nghèo kiệt: Tiến hành làm giàu rừng, nâng cao chất lượng rừng bằng cách trồng bổ sung những loài cây bản địa có giá trị kinh tế.

+ Đối với rừng sản xuất là rừng trồng hiện có: Ngoài việc khai thác xong trồng lại rừng, khuyến khích việc đầu tư chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh rừng trồng cung cấp gỗ lớn cho chế biến đồ mộc dân dụng, hàng xuất khẩu và các nhu cầu chế biến khác.

+ Đối với đất trống quy hoạch trồng rừng sản xuất: Đẩy mạnh trồng rừng theo phương thức thâm canh, chọn loài cây trồng phù hợp với đất đai như : các dòng Bawchj đàn UP99, UP95, UP54, PNCT3… và Keo lai các dòng BV10, BV33, BV73, sử dụng nguồn giống có chất lượng để tăng năng suất chất lượng rừng trồng. Khuyến cáo trồng rừng sản xuất gỗ lớn để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và gỗ gia dụng.

3. Tăng cường công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp; trồng thử nghiệm một số giống mới có năng xuất cao phù hợp với điều kiện lập địa, bổ sung giống cây lâm nghiệp cho trồng rừng sản xuất.

4. Chỉ đạo thực hiện tốt quy trình kỹ thuật, thâm canh rừng trồng, từng bước áp dụng cơ giới hóa vào khâu làm đất, thực hiện tỉa thưa, tỉa cành, chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn nhằm nâng cao năng suất, chất lượng gỗ rừng trồng đáp ứng yêu cầu thị trường.

5. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến các quy định về pháp luật bảo vệ phát triển rừng, tuyên truyền vận động người dân đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất kinh doanh gỗ lớn.

6. Tăng cường thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lâm nghiệp, nhất là đầu tư các nhà máy chế biến sâu với công nghệ hiện đại; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ lâm sản.

7. Đẩy mạnh xã hội hóa nghề rừng, khuyến khích tích tụ đất đai theo quy định, tạo ra vùng trồng rừng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu thị trường; thực hiện các hình thức liên doanh, liên kết đầu tư trồng rừng, chế biến lâm sản giữa doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, kỹ thuật với các công ty lâm nghiệp, hộ gia đình nhằm thúc đẩy sản xuất lâm nghiệp phát triển, khai thác, sử dụng có hiệu quả tiềm năng đất lâm nghiệp./.

ccklbacgiang.gov.vn