Gỡ khó trong tích tụ ruộng đất
21/03/2018 02:09
![]() |
Mô hình thuê mượn ruộng trồng hoa chất lượng cao ở xã Lương Phong (Hiệp Hòa). Ảnh: Trịnh Lan. |
Cùng với đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, tỉnh ta đang khuyến khích cho thuê, mượn ruộng phát triển nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Ông đánh giá thế nào về kết quả công tác này?
Thực tế, những năm gần đây, tại một số địa phương trong tỉnh như: Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Hiệp Hòa, Yên Dũng đã có một số DN, hộ gia đình mạnh dạn thuê ruộng đất của người dân để sản xuất khoai tây chế biến, trồng rau màu hàng hóa thành vùng tập trung với quy mô từ 5 đến vài chục ha. Thậm chí có một số tổ chức, hộ dân sau khi thuê đất còn đầu tư hàng trăm triệu đồng trở lên để áp dụng công nghệ cao cho sản xuất như: Làm khung nhà màn, nhà lưới bao kín xung quanh ruộng, lắp đặt hệ thống vòi phun nước tự động tưới cho cây trồng và áp dụng quy trình chăm sóc VietGAP…Thông qua việc thuê, mượn ruộng đất, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng/ha/vụ, cao hơn nhiều lần so với sản xuất nhỏ lẻ. Kết quả này góp phần nâng giá trị thu nhập mỗi ha đất canh tác trên địa bàn năm 2017 lên hơn 92 triệu đồng.
Bên cạnh xu hướng tất yếu, hiệu quả tích cực của việc tập trung đất đai cho sản xuất, nhiều trường hợp khi thuê, mượn ruộng còn gặp vướng mắc. Ông có thể chia sẻ rõ hơn về điều này?
![]() |
Ông Lưu Xuân Vượng. |
Để có diện tích tập trung, quy mô lớn, các tổ chức, cá nhân phải tự thỏa thuận với hàng chục, thậm chí hàng trăm hộ dân về mức giá thuê ruộng. Do đó không tránh khỏi tình trạng, mỗi người đòi một giá khác nhau, vượt giá “sàn” DN đưa ra rất nhiều lần nên khó thỏa thuận. Thậm chí khi DN đã thuê được vài chục ha đất tập trung nhưng một số hộ có ruộng xen kẹp ở giữa lại không nhất trí cho mượn ruộng, gây ra tình trạng “xôi đỗ” trong vùng sản xuất, khó đầu tư ứng dụng công nghệ cao.
Thời gian qua, phần lớn việc thuê, mượn ruộng đều hình thành tự phát từ nhu cầu thực tế của các tổ chức, cá nhân. DN tự thỏa thuận với người dân để thuê ruộng sản xuất theo mùa vụ, không lập hợp đồng thông qua tổ chức có tư cách pháp nhân mà chỉ viết giấy thỏa thuận giữa hai bên không có chứng nhận của cơ quan Nhà nước, tiềm ẩn rủi ro. Cá biệt có người dân đã đòi lại ruộng ngay trong chu kỳ sản xuất khiến DN thiệt hại về kinh tế, khó đầu tư những năm tiếp theo. Trong khi đó, hiện nay Luật Đất đai 2013 chưa có quy định pháp lý cũng như chế tài xử lý vi phạm về việc cho thuê, mượn ruộng. Trung ương cũng chưa có văn bản hướng dẫn về hoạt động này. Vì vậy, khi xảy ra tranh chấp, DN và hộ dân chỉ có thể ra tòa dân sự để giải quyết.
Phải chăng vì những rào cản trên mà DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn ít, hộ dân khó mượn ruộng để mở rộng quy mô sản xuất?
Việc DN, hộ dân chưa mặn mà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp có nhiều nguyên nhân. Một phần là do sản xuất nông nghiệp cần đầu tư vốn lớn, thời gian thu hồi vốn lâu, đặc biệt tiềm ẩn nhiều rủi ro bởi dịch bệnh, thiên tai, thời tiết. Ngoài ra, Nhà nước chưa có quy định cụ thể về việc thuê, cho thuê mượn ruộng đất (từ Luật Đất đai, các văn bản hướng dẫn thi hành, pháp luật có liên quan…). Do vậy nhiều DN không yên tâm đầu tư ổn định và lâu dài trong lĩnh vực này.
Với chức năng của mình, ngành Tài nguyên và Môi trường đã có những động thái nào tạo thuận lợi cho các DN, hộ dân có nhu cầu mở rộng diện tích đất đai, đầu tư vào lĩnh vực này?
Để gỡ rào cản, vướng mắc trong hoạt động thuê, mượn ruộng, trong khi Trung ương chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo chính quyền địa phương tích cực tham gia tuyên truyền, vận động người dân cho DN thuê đất sản xuất. Đồng thời hướng dẫn DN ký hợp đồng thông qua mô hình hợp tác xã khi thuê, mượn ruộng nhằm bảo đảm tính pháp lý. Năm vừa qua, thực hiện chỉ đạo của tỉnh, huyện Tân Yên, Yên Dũng và TP Bắc Giang đã tạo điều kiện cho một số DN thuê hàng chục ha đất sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Đối với trườnghợp không ký được hợp đồng, DN và người dân cần có văn bản thỏa thuận bảo đảm tính chặt chẽ, có thể tham vấn ý kiến của cơ quan chuyên môn về đất đai hoặc luật sư, hạn chế rủi ro, thiệt hại về kinh tế khi xảy ra tranh chấp.
Gặp trở ngại trong thuê, mượn ruộng, nhiều trường hợp đã tự ý chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ăn quả lâu năm, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi, vi phạm pháp luật về đất đai. Có ý kiến cho rằng, nếu có cách tích tụ, tập trung đất đai tốt sẽ giảm thiểu tình trạng này. Quan điểm của ông thế nào?
Thực trạng này đã và đang diễn ra ở nhiều nơi, có địa phương còn khá phổ biến, ví như nhiều hộ dân ở huyện Lục Ngạn chuyển từ đất trồng cây hàng năm sang trồng cây ăn quả lâu năm… Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành không cấm việc người dân chuyển mục đích sử dụng đất. Tuy nhiên, việc chuyển mục đích sử dụng đất phải theo quy hoạch, kế hoạch và phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần có các giải pháp cụ thể đó là, các cấp chính quyền nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về đất đai, tập trung nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người dân hiểu, chấp hành nghiêm. Đồng thời thường xuyên thanh tra, kiểm tra, phát hiện xử lý các trường hợp vi phạm ngay từ khi mới phát sinh. Địa phương nào để xảy ra sai phạm kéo dài, không xử lý dứt điểm, tỉnh xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu.
Bắc Giang đang đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao. Để thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này, theo ông cần có biện pháp giải quyết điểm nghẽn ở trên như thế nào?
Để giúp DN thuận lợi thuê đất, mượn đất phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, theo tôi tỉnh cần đề nghị các cơ quan chuyên môn Trung ương tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản pháp luật về tích tụ đất đai áp dụng trong phạm vi cả nước để có hành lang pháp lý thực hiện.Cụ thể, nên theo hướng gắn với dự án, mô hình đầu tư bảo đảm tính bền vững, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương, tránh tình trạng người dân sau khi chuyển nhượng, cho thuê đất lại không có việc làm, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an toàn xã hội… Đặc biệt cần có quy định nghiêm cấm hành vi tích tụ đất đai để đầu cơ, chờ bồi thường giải phóng mặt bằng giá cao. Bên cạnh đó, cácđịa phương, nhất là cấp xã có giải pháp hỗ trợ DN tuyên truyền, vận động đối với các trường hợp khó thỏa thuận về giá. Đồng thời bảo đảm tính công khai, minh bạch và bình đẳng giữa hộ gia đình, hợp tác xã, DN trong thuê đất.
Xin cảm ơn ông!
Nguồn baobacgiang.com.vn