Đầu tư vào nông nghiệp còn lắm “chông gai”

Lượt xem: 133

Vẫn còn gian khó

Thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp đã được ban hành, nhiều vướng mắc được tháo gỡ, nhưng trong quá trình tìm đường về nông nghiệp, các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn. Đó là một trong các lý do để Chính phủ ban hành nghị quyết về giải pháp khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp hiệu quả, an toàn và bền vững.

Đánh giá của Chính phủ, hệ thống doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã hình thành với trên 50.000 doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp. Trong đó có khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản.

Sản xuất rau sạch tại trang trại của một doanh nghiệp ở Tam Đảo, Vĩnh Phúc. (ảnh: khánh linh)

Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển. Số doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp hiện chỉ chiếm 8% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, trong đó số doanh nghiệp nông lâm, thủy sản chiếm 1%…

Mới đây, phóng viên Báo NTNN tham dự một cuộc họp giữa hai Bộ NNPTNT và Công Thương bàn về chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trữ đông thịt lợn để giảm thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Tại cuộc họp, đại diện một doanh nghiệp chế biến thực phẩm thẳng thắn bày tỏ rằng, doanh nghiệp không ngại tham gia chương trình nhưng khó khăn về vốn tín dụng là một rào cản, bởi hôm trước có thể là khách hàng tiềm năng của ngân hàng, hôm sau có thể biến thành khách hàng nợ xấu.

Ông Võ Việt Dũng – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội thừa nhận, dịch tả lợn châu Phi bùng phát, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi vừa hôm trước còn được coi là khách hàng tiềm năng, hôm sau muốn tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng không hề đơn giản bởi những rủi ro có thể xảy đến trong quá trình đầu tư.

Trong cuộc điều tra về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện cuối năm 2018 với hơn 8.000 doanh nghiệp dân doanh tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó có 572 doanh nghiệp nông nghiệp, những con số có thể khiến nhiều người giật mình, bởi thực tế quá trình hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều rào cản.

Cụ thể, có đến 58% số doanh nghiệp nông nghiệp được hỏi bày tỏ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng, 46% khó tìm vốn, 44% gặp khó khăn vì sự biến động của thị trường, 33% cho rằng gặp khó khăn trong tìm đối tác kinh doanh và 29% khó tìm nhân sự phù hợp. Có 24% số doanh nghiệp cho biết khó khăn vì biến động về chính sách, pháp luật và 18% số doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục hành chính, pháp lý.

Có 68% số doanh nghiệp nông nghiệp gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong 2 năm qua. Về tiếp cận tín dụng, có 54% doanh nghiệp nông nghiệp có khoản vay ngân hàng. Tuy nhiên, điều tra cho thấy doanh nghiệp có quy mô càng bé và thời gian thành lập mới thì càng khó tiếp cận các khoản vay ngân hàng.

Theo nhận định của VCCI, các số liệu thống kê trên đã phác họa thực trạng môi trường kinh doanh đối với các doanh nghiệp nông nghiệp, dù đã có những cải thiện mạnh mẽ nhưng kỳ vọng của doanh nghiệp về các nỗ lực cải cách vẫn còn rất nhiều, trong đó, việc tháo gỡ các rào cản về thể chế, chính sách là một đòi hỏi bức thiết.

Cần gỡ bỏ rào cản

Trong một cuộc hội thảo bàn về cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) do Bộ NNPTNT tổ chức, bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (VCCI) cho biết, điều các doanh nghiệp cần không hẳn là những ưu đãi về thuế mà cái họ mong mỏi là gỡ bỏ các rào cản để doanh nghiệp hoạt động và không phải tăng những chi phí không chính thức.

Khảo sát của VCCI, so với 4 lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ và khai khoáng, các doanh nghiệp nông nghiệp đang có số lần bị thanh tra kiểm tra cao hơn mức trung bình. Có 55% số doanh nghiệp nông nghiệp cho biết trong năm 2018 họ chịu từ 2 lần thanh tra, kiểm tra trở lên. Trong đó, có 13% các doanh nghiệp cho biết nội dung làm việc của các đoàn thanh tra, kiểm tra bị trùng lặp.

Nhiều ý kiến đánh giá, Nghị quyết 53 Chính phủ vừa ban hành là những quyết sách mang tính đột phá, tạo động lực cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng rõ ràng, các ngành, các địa phương cũng cần thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa quá trình cải cách gỡ khó cho doanh nghiệp.

Bà Trần Kim Liên – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Giống cây trồng Trung ương cho rằng, sản xuất nông nghiệp đối mặt với nhiều rủi ro, tỷ suất lợi nhuận thấp. Hiện, 92,5% số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp là nhỏ và siêu nhỏ. Vì vậy, doanh nghiệp cần chính sách để tập trung ưu đãi, khơi thông dòng vốn; có cơ chế và hành lang pháp lý đảm bảo cho việc tích tụ và tập trung ruộng đất, để doanh nghiệp yên tâm đầu tư kinh doanh.

Thực tế, cho đến thời điểm này, cả nước mới có 20,3% tổng số doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản có thực hiện liên kết với nông dân để hình thành các chuỗi giá trị, con số này là quá nhỏ bé so với nhu cầu thực tế cũng như tiềm năng. Trong đó, tỷ lệ chuỗi liên kết giữa nông dân/HTX với doanh nghiệp trong ngành lúa gạo chỉ chiếm 4%, trong chuỗi giá trị cam là 2%, chuỗi thanh long là 5%; trong khi chuỗi giá trị tôm cũng chỉ đạt 11%. Vì vậy, TS Nguyễn Trung Kiên (Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn) đề xuất, để hình thành nhiều chuỗi giá trị hoàn hảo có sự tham gia của doanh nghiệp và nông dân, cần đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh; giảm thuế đối với đầu tư vào nông nghiệp; phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp; ưu đãi tiếp cận đất, tích tụ, tập trung ruộng đất…

Nguồn: Danviet.vn