Để nông nghiệp Việt Nam thoát “manh chiếu hẹp”

Lượt xem: 120

Năm 2020 vừa qua, trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ lao đao vì dịch Covid 19, ngành nông nghiệp lại nổi lên như một điểm sáng, một trụ đỡ cho nền kinh tế Việt Nam với mức đóng góp hơn 41 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu.

Thế nhưng, tình trạng nông sản chất đầy đồng, cần giải cứu thường xuyên diễn ra mỗi khi được mùa đang khiến cho nông nghiệp vẫn chưa thể bước qua tình cảnh “manh chiếu hẹp” của nền sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún.

2 năm sau khi đứng ở vị trí cao nhất trong cuộc thi đấu xảo gạo quốc tế, ST 25 không chỉ trở thành một “hiện tượng” trên thị trường nông sản thế giới mà ở thị trường trong nước, cũng trở thành sản phẩm được “săn lùng” nhiều nhất. Không chỉ được người tiêu dùng có điều kiện khá giả ồ ạt “truy lùng”, một làn sóng các tỉnh, thành phố tìm tới nhóm nghiên cứu để đưa giống lúa này triển khai đại trà ở địa phương mình.

Nông nghiệp vẫn chưa thể bước qua tình cảnh “manh chiếu hẹp” của nền sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, manh mún

Khi chưa được giải quốc tế, mỗi ngày ST 25 chỉ bán được chừng 30 tấn thì giờ con số đó là 300 tấn. Cả cánh đồng Ayunha ở Tây Nguyên giờ mở rộng diện tích chỉ để trồng giống lúa này, tới mức, cha đẻ của giống lúa, kỹ sư Hồ Quang Cua phải kêu gọi hãy dừng lại để không dẫn tới khủng hoảng thừa về sau.

Cá nhân ông Cua cũng khiêm tốn đề nghị: Việt Nam nên hình thành một tổ hợp nhiều giống ngon chứ không nên chỉ dừng ở một giống lúa, thế nhưng với những lãnh đạo địa phương như ông Trần Văn Chuyện, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chỉ riêng “cơn sốt” ST 25 đã mở ra một cơ hội lớn cho nông sản chất lượng cao của Việt Nam nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng, nơi gạo vốn trước đây chỉ dược bán với giá bằng 1/3 gạo cấp cao trên thị trường thế giới.

“Tôi đề nghị ngành nông nghiệp tập trung thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân phải giữ vững được chất lượng, tiêu chuẩn gạo của Sóc Trăng. Đẩy mạnh các công tác phát triển mô hình sản xuất theo hướng an toàn, bền vững, theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, theo hướng hữu cơ…”, ông Chuyện kêu gọi.

Câu chuyện thành công của ST25 cho thấy rõ hơn một vấn đề: Việc mở rộng vùng sản xuất, tập trung đầu tư vào giá trị gia tăng cho hàng nông sản sẽ khắc phục được điểm yếu bấy lâu nay của nông nghiệp Việt Nam. Được mùa, mất giá là chuyện nói mãi vẫn vậy và tình cảnh ấy càng rõ hơn trong những ngày này, khi thời tiết thuận lợi, nông sản không riêng gì vùng dịch đã chất đống đầy đồng.

Đó là hậu quả của việc trồng ồ ạt, không theo quy hoạch, không tính tới đầu ra. Sản xuất manh mún không chỉ gây khó cho việc hình thành các vùng sản xuất hàng hóa lớn mà còn khó cho việc đảm bảo chất lượng an toàn cho chất lượng nông sản khi tâm lý “lợn 2 chuồng, rau 2 luống” vẫn còn tồn tại trong một bộ phận nông dân.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, để hướng tới một nền nông nghiệp trụ đỡ cho nền kinh tế, không thể duy trì lối sản xuất bẩn, lạm dụng thuốc trừ sâu, tăng trọng trong trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian qua, nhận thức của một bộ phận nông dân đã được nâng lên. Tuy nhiên, việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật vẫn tồn tại.

Thứ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, việc thay đổi đối với bà con là khó khăn nên cũng cần thời gian thuyết phục, hỗ trợ họ chuyển đổi từ nông nghiệp lạm dụng đầu vào sang nông nghiệp “thuận thiên”.

“Thời gian đầu, năng suất có thể giảm xuống nhưng năng suất không đồng nghĩa với thu nhập, vì lúc đó chất lượng nông sản tăng, thương hiệu nâng lên, giá bán cũng sẽ cao hơn. Ngành nông nghiệp xác định không thể đánh đổi tăng trưởng bằng sự mất cân bằng hệ sinh thái, đa dạng sinh học và uy tín, thương hiệu của nông sản Việt Nam. Sắp tới sẽ có giải pháp kiểm tra sự chuyển đổi từ thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang thuốc sinh học”, Thứ trưởng Lê Minh Hoan chỉ rõ.

Tại các nước có nền nông nghiệp phát triển, người nông dân trồng cây gì, bán ở đâu, bán cho ai, giá bao nhiêu, đóng gói thế nào… có thể yên tâm hoàn toàn. Còn với tình trạng “mạnh ai nấy làm” như hiện nay, người nông dân Việt Nam bán trong ngày hôm nay, ngày mai chưa biết hàng hóa của mình sẽ bán cho ai.

TS. Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng Học viện nông nghiệp Việt Nam thông tin, Việt Nam đã có những vùng sản xuất trái cây, nông sản an toàn trong vài năm trở lại đây, giờ là lúc lan tỏa để sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu nông sản mạnh phải trở thành một xu hướng canh tác thống trị. Cụ thể như ở Đồng Tháp từ phong trào “Đây là cây xoài nhà tôi” đã xây dựng được vùng xoài Mỹ Xuyên nổi tiếng và đến nay đã xuất khẩu đến 70- 80 quốc gia đến nỗi không có xoài để bán.

“Những người nông dân đã trở thành các nghệ nhân trồng xoài khi họ muốn tạo quả xoài màu nào là quyền của họ. Họ là những công nhân nông nghiệp rất giỏi giang, mỗi người đều cố gắng giữ chất lượng sản phẩm riêng do chính tay họ tạo ra. Đây là một hiện tượng đơn lẻ nhưng đang trở thành một xu hướng chung và sắp tới Việt Nam sẽ đi theo hướng như vậy”, TS. Trần Đức Viên nhận định.

Trước mắt, theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan, giờ là lúc nông nghiệp Việt Nam cần định vị lại vai trò của Hợp tác xã tương xứng với tiến trình cơ cấu lại nông nghiệp, nông thôn. Hợp tác và liên kết, quan tâm tới thị trường và chính thị trường sẽ điều chỉnh lại nền sản xuất. Phải xem kinh tế hợp tác là “cứu cánh” để bước qua “lời nguyền” về nền sản xuất nhỏ lẻ, manh mún như thời gian qua.

Nguồn: KTNT