Tai nạn giao thông trên toàn quốc giảm cả ba tiêu chí
06/07/2018 02:44
Đồng chí Trương Hoà Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban ATGT quốc gia chủ trì. Dự tại điểm cầu Bắc Giang có đồng chí Nguyễn Văn Linh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban ATGT tỉnh và các thành viên Ban ATGT tỉnh, đại diện một số đơn vị liên quan.
6 tháng đầu năm (tính từ ngày 16 – 12 – 2017 đến 15 – 6 – 2018), toàn quốc xảy ra gần 9 nghìn vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 4.103 người, bị thương 7.027 người. So với cùng kỳ năm trước, TNGT giảm cả ba tiêu chí. Cụ thể, giảm 594 vụ, 31 người chết và 908 người bị thương. Một số tỉnh giảm sâu là: Vĩnh Phúc, Lào Cai, Bạc Liêu, Hà Giang. Có được kết quả trên là do các bộ ngành, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, tuần tra kiểm soát trọng tải phương tiện, xử lý nghiêm vi phạm về ATGT. Đồng thời, quan tâm đầu tư kinh phí để nâng cấp hạ tầng giao thông, khắc phục những bất cập tại những khu vực, điểm đen về TNGT…
Dù đạt được kết quả tích cực như trên nhưng tình hình TNGT trên một số tuyến vẫn tiềm ẩn yếu tố phức tạp. Trên đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và hàng hải đã xảy ra một số vụ TNGT nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, đặc biệt là các vụ TNGT đường sắt liên tiếp trong cuối tháng 5 đã gây bức xúc trong dư luận và nhân dân.
Bên cạnh sự chủ quan của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông dẫn đến tai nạn thì từ đầu năm đến nay xảy ra không ít vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng do bất cập về hạ tầng cơ sở tại một số tuyến đường, ý thức trách nhiệm của cán bộ làm công tác bảo đảm trật tự ATGT còn yếu kém. Những địa phương có số người chết vì TNGT tăng hơn 100% là Cà Mau, Hải Dương, Bắc Giang, Tây Ninh. Theo báo cáo, Bắc Giang xảy ra 244 vụ, làm 117 người chết, 190 người bị thương (tăng 106,8% số vụ, hơn 120% người bị chết, 68% người bị thương so với cùng kỳ năm trước).
Để giảm thiểu TNGT, Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm bắt tình hình để tham mưu cho Chính phủ chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm ATGT trong dịp nghỉ hè, mùa mưa bão. Đồng thời, tổ chức hoạt động tuyên truyền theo chuyên đề như: ATGT cho học sinh tới trường, ATGT giao thông khu công nghiệp, ATGT cho người đi mô tô, xe gắn máy, ATGT đường cao tốc.
Xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông năm 2018”. Theo đó, Phó Thủ tướng Thường trực giao cho Bộ Giao thông-Vận tải chuẩn bị các nội dung báo cáo Chính phủ về việc bổ sung dự án xây dựng Luật sửa đổi Luật Giao thông đường bộ 2008 vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội khoá 14; nghiên cứu, đề xuất kế hoạch, phương án khắc phục ùn tắc giao thông, xử lý các điểm đen về TNGT và lộ trình cụ thể xóa đường ngang dân sinh.
Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ lắp đặt, vận hành các trạm kiểm tra tải trọng xe cố định và hệ thống thiết bị thu phí không dừng, ưu tiên các trạm trên quốc lộ 1 và địa bàn lân cận Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan để ban hành quy định về bắt buộc kiểm tra tải trọng tại các đầu mối nguồn hàng (cảng, bến thủy nội địa, nhà máy, đầu mối nông sản, khai thác vật liệu xây dựng) trên toàn quốc.
Về phía Bộ Công an, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần sớm hoàn thiện hồ sơ xây dựng Nghị định quy định về thống kê, báo cáo, chia sẻ dữ liệu TNGT và xây dựng quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Giao thông-Vận tải trong công tác bảo đảm trật tự ATGT. Tiếp tục tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa theo chuyên đề, ưu tiên xử lý vi phạm trật tự ATGT trên các tuyến cao tốc, vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện. Đồng thời phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đề xuất quy định đơn giản hoá thủ tục xử lý phương tiện bị tạm giữ quá thời hạn mà chủ phương tiện không đến thực hiện quyết định xử phạt (hoàn thành dứt điểm trong năm 2018).
Để thực hiện tốt nhiệm vụ đề ra của Ủy ban ATGT quốc gia với chủ đề “ATGT cho trẻ em”, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ trong triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, lập lại trật tự giao thông đô thị; quản lý, sử dụng vỉa hè bảo đảm quyền ưu tiên dành cho người đi bộ; sắp xếp hợp lý các hoạt động sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường để trông giữ xe, kinh doanh, buôn bán không ảnh hưởng đến đời sống của bộ phận dân sống phụ thuộc vỉa hè.
Nguồn baobacgiang.com.vn