ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 86 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM 14/10/1930-14/10/2016

Lượt xem: 149

Tại kỳ họp lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 10 năm 1930, Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết về củng cố, tăng cường và thống nhất các tổ chức Nông hội trong cả nước, xác định nhiệm vụ chính trị và thông qua Điều lệ của Nông hội. Từ đây “Nông hội đỏ” ra đời, giai cấp nông dân Việt Nam chính thức có tổ chức của mình. Sự kiện này, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng, một sự chuyển biến về chất trong lịch sử giai cấp nông dân nước ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngay sau khi ra đời từ năm 1930 các tổ chức Nông hội đã vận động nông dân đấu tranh chống cướp ruộng đất, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, chống chiến tranh, chống khủng bố. Trong những năm 1941- 1942, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nông dân Cứu quốc đã vận động nông dân chống thu thuế, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu. Từ những năm 1943, với khẩu hiệu “Đoàn kết dân tộc, đánh đuổi Nhật – Pháp” Hội đã lôi cuốn nông dân sôi sục tham gia các phong trào với các hình thức cao như biểu tình chống Nhật, vũ trang đánh Nhật… Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), cao trào “phá kho thóc của Nhật giải quyết nạn đói” đã lôi cuốn hàng triệu nông dân vùng lên đấu tranh. Qua phong trào đấu tranh đã tạo nên khí thế cách mạng sôi sục, đưa cả nước hừng hực bước vào cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8 năm 1945 thành công. Thắng lợi của cách mạng tháng Tám và việc thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã vĩnh viễn xoá bỏ chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thành công vĩ đại của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Đồng thời thắng lợi này còn khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng đối với giai cấp nông dân, thể hiện sự gắn bó sống còn giữa Đảng với nông dân, giữa nông dân với Đảng.

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả nước đi vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp. Hội Nông dân đã vận động nông dân hăng hái tham gia phong trào “thi đua Ái quốc”, “sản xuất lập công”, “đề cao chiến sỹ” do Đảng và Chính phủ phát động. Hội Nông dân các vùng tạm chiếm đã vận động nông dân tiến hành nhiều hình thức đấu tranh như bám ruộng đất, xóm làng để sản xuất, lên án hành động phá hoại hoa màu của địch; cất giấu lương thực, thực phẩm ở vùng địch hậu.

Qua 9 năm kháng chiến chống Thực dân Pháp gian khổ, bằng hành động cách mạng cụ thể, giai cấp nông dân và Hội Nông dân đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi trong từng chiến dịch, ở khắp mọi miền và góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy Năm châu chấn động địa cầu, mở ra một thời kỳ mới, vừa xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Bắc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.

Ở miền Bắc, phong trào hợp tác hóa nông nghiệp của nông dân đã góp phần quan trọng vào xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Hàng triệu thanh niên con, em nông dân đã lên đường nhập ngũ. Nông dân miền Bắc với khẩu hiệu “chắc tay súng, vững tay cày”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, ” tất cả vì Miền Nam ruột thịt”… đã xây dựng hậu phương lớn vững chắc, chi viện đắc lực cho tiền tuyến lớn anh hùng.

Ở miền Nam: Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng được thành lập và trở thành thành viên của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội Nông dân giải phóng miền Nam đã vận động nông dân đoàn kết xung quanh Mặt trận dân tộc giải phóng, anh dũng đứng lên đồng khởi, tổ chức diệt ác, phá kìm, củng cố các chiến khu, mở rộng vùng giải phóng, cung cấp sức người, sức của cho cách mạng, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò, vị thế của mình, tổ chức nhiều phong trào thi đua, trọng tâm là 3 phong trào lớn: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh. Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà nông dân là chủ thể đã giữ vững được sự ổn định, hỗ trợ đắc lực cho công nghiệp, dịch vụ, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân cư hầu hết các vùng nông thôn. Dân chủ được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Vị thế chính trị của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Người nông dân có nhiều điều kiện, cơ hội để cải thiện đời sống và làm giàu cho gia đình, cho quê hương, cho đất nước…

Từ khi ra đời đến nay, Hội đã nhiều lần đổi tên cho phù hợp với nhiệm vụ của mỗi thời kỳ; từ Nông hội đỏ, Hội Nông dân cứu quốc, Hội Nông dân phản đế, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam, Hội liên hiệp Nông dân tập thể. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, thể hiện đường lối đổi mới của Đảng và để đáp ứng yêu cầu của phong trào nông dân trong giai đoạn cách mạng mới, đồng thời theo đề nghị của Đại hội Hội Liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam các tỉnh, thành phố và đề nghị của Ban trù bị Đại hội Trung ương Hội liên hiệp nông dân tập thể Việt Nam lần thứ I, ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam. Và để đáp ứng nguyện vọng tha thiết của giai cấp nông dân Việt Nam và theo đề nghị của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định lấy ngày 14/10/1930 là ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

86 năm xây dựng và trưởng thành, Hội Nông dân Việt Nam đã liên tục phấn đấu, tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, tuyên truyền, vận động, giáo dục, tập hợp nông dân tham gia các cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc; xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Hội đã phối hợp chặt chẽ với các thành viên trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức kinh tế – xã hội; đẩy mạnh các hoạt động hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân; hăng hái tham gia chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương làm kinh tế giỏi, say mê tìm tòi và đã thành công trong sáng tạo ra những máy móc, công cụ phục vụ sản xuất…

Trong quá trình phát triển, hiện nay Hội có hệ thống ở 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở, Hội Nông dân Việt Nam đã trải qua 6 kỳ Đại hội, tổ chức Hội không ngừng được củng cố vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, từng bước vươn lên đáp ứng yêu cầu tình hình, nhiệm vụ mới của đất nước, luôn phấn đấu để xứng đáng với vai trò là trung tâm và nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Giai cấp nông dân và Hội Nông dân Bắc Giang rất tự hào được xây dựng và trưởng thành trên mảnh đất văn hiến, giàu truyền thống cách mạng, từng ghi bao chiến công của dân tộc trong cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm. Trong quá trình đấu tranh, giai cấp nông dân Bắc Giang đã trưởng thành cả về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức. Nhất là sau khi chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh ra đời (tháng 7 năm 1929), một số tổ chức của nông dân mang tính chất phường, hội được thành lập ở một số làng, bản.

Đặc biệt từ năm 1941, dưới ánh sáng Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 (tháng 5/1941) và sự chỉ đạo của Xứ uỷ Bắc Kỳ, nhiều đoàn thể cứu quốc của Mặt trận Việt Minh đã ra đời ở nhiều vùng nông thôn rộng lớn của tỉnh Bắc giang, trong đó có tổ chức Nông dân cứu quốc. Các đoàn thể cứu quốc đã có nhiều hình thức tuyên truyền đấu tranh, nêu cao tinh thần yêu nước và cách mạng. Sau cách mạng Tháng 8/1945, các đoàn thể quần chúng được kiện toàn và củng cố, tăng cường khối đoàn kết toàn dân. Hội Nông dân cứu quốc của tỉnh Bắc Giang cùng với các đoàn thể khác được phát triển mạnh, phát huy vai trò của mình trong các mặt công tác. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Nông dân cứu quốc tỉnh đã tổ chức phát động nông dân ở các làng, xã hăng hái tham gia phong trào “Hũ gạo cứu nước“, thực hành tiết kiệm, tích cực tham gia lao động sản xuất, với khẩu hiệu “Tấc đất, tấc vàng” và bản chất thương yêu giai cấp “Thương người như thể thương thân”. “Lá lành đùm lá rách” ở nhiều thôn, xóm, bản, làng, Hội Nông dân là lực lượng tham gia đông đảo, hăng hái trong các phong trào…

Khi thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta, nông dân các dân tộc tỉnh Bắc Giang đã tích cực chi viện sức người, sức của, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi lịch sử mùa xuân năm 1975.

Sau 30 năm đổi mới và phát triển đất nước, dưới sự chỉ đạo của Hội Nông dân Việt Nam và sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ Bắc Giang, giai cấp nông dân và tổ chức Hội Nông dân không ngừng phát triển, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh luôn tiên phong, gương mẫu chủ động đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, đẩy mạnh các phong trào nông dân. Đặc biệt là 3 phong trào trọng tâm do Trung ương Hội phát động như: Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới; phong trào nông dân tham gia bảo đảm quốc phòng an ninh. Các phong trào được Hội Nông dân các cấp và nông dân hưởng ứng tích cực, xuất nhiều mô hình điển hình tiên tiến trong sản xuất và đời sống xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có trên 100 nghìn hộ nông dân đạt danh hiệu SXKD giỏi 4 cấp, có hàng nghìn mô hình phát triển kinh tế trang trại ở nông thôn, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung đem lại hiệu quả kinh tế cao. Phong trào nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả đáng khích lệ như: tuyên truyền, vận động nông dân hiến đất, đóng góp tiền, ngày công làm mới, sửa chữa hàng nghìn km đường giao thông nông thôn; xây dựng hàng trăm mô hình nông dân tự quản bảo vệ môi trường nông thôn; tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao nông thôn. Các hoạt động dạy nghề, dịch vụ hỗ trợ nông dân thường xuyên được đẩy mạnh và đổi mới theo hướng nâng cao chất lượng và hướng mạnh về cơ sở.

Tự hào về những kết quả đã đạt được, phát huy truyền thống 86 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, các cấp Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VI và Nghị quyết Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang lần thứ VIII, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2015-2020 của tỉnh, triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVIII.

Với tinh thần đoàn kết, đổi mới, hội nhập và phát triển, Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang tin tưởng toàn thể cán bộ, hội viên và giai cấp nông dân sẽ phát huy truyền thống vẻ vang, tiếp tục tổ chức tốt các phong trào nông dân để làm nên thắng lợi lớn trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh“./.

BBT