NHÂN RỘNG CÁC MÔ HÌNH TỔ HỢP TÁC, HỢP TÁC XÃ ĐỂ LIÊN KẾT, HỖ TRỢ NÔNG DÂN SẢN XUẤT THEO CHUỖI GIÁ TRỊ

Lượt xem: 238

Xác định tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (tổ hợp tác, hợp tác xã), thời gian qua Hội Nông dân tỉnh đã tích cực chỉ đạo các cấp Hội phát triển và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể để liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo nên những tiền đề, góp phần quan trọng trong thực hiện công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

Tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp có vai trò quan trọng trong liên kết chuỗi giá trị: (1) tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, phát triển vùng sản xuất hàng hóa, (2) thúc đẩy liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị, (3) đầu mối tiếp nhận, chuyển giao chính sách hỗ trợ của Nhà nước và các nguồn hỗ trợ khác, nhằm tăng giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, phù hợp với cuộc vận động “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đồng thời có tác động tích cực đến lực lượng lao động ở khu vực nông thôn, làm thay đổi cơ bản cuộc sống của người dân nói chung và hội viên nông dân nói riêng. Thực tiễn sản xuất trên địa bàn tỉnh cho thấy, liên kết sản xuất theo chuỗi của các THT, HTX đang là hướng đi đúng góp phần xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn.

Từ việc xác định đây là hướng đi đúng, thời gian qua, Hội Nông dân tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tiếp tục nhân rộng và phát huy hiệu quả của các mô hình THT, HTX như: giao chỉ tiêu cho Hội Nông dân các huyện, thành phố hướng dẫn, tư vấn để thành lập các THT, HTX, trong đó ưu tiên thành lập các THT, HTX nông nghiệp đầu tư vào phát triển sản xuất hàng hóa các sản phẩm có thế mạnh, lợi thế, giá trị kinh tế cao; sản phẩm chủ lực; sản phẩm đặc trưng của địa phương; sản phẩm có thể tham gia Chương trình OCOP. Chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa, vai trò của kinh tế tập thể (KTTT), THT, HTX; tuyên truyền về Luật HTX năm 2012, Nghị đinh số 77/2019/NĐ-CP ngày 10/10/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tổ hợp tác trong cán bộ, hội viên, nông dân… Phối hợp tư vấn, hướng dẫn về các điều kiện cần thiết, hồ sơ, thủ tục cho việc thành lập THT, HTX. Phối hợp tổ chức “Tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”, Cuộc thi “Sáng tạo kỹ thuật nhà nông” định kỳ 2 năm/lần nhằm quảng bá, tôn vinh các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh giúp cho các sản phẩm làm ra của các THT, HTX được người tiêu dùng biết đến và tin tưởng vào chất lượng sản phẩm; thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo của cán bộ, hội viên nông dân. Chỉ đạo Hội Nông dân các cấp tập trung, hướng dẫn hội viên, nông dân xây dựng mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả thông qua phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững” để từ các mô hình kinh tế có hiệu quả phát triển lên thành các THT, HTX; kết quả năm 2021, toàn tỉnh đã có 107.034 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Mô hình liên kết, sản xuất chề xanh Bản ven xã Xuân Lương, Yên Thế.

Bên cạnh đó, Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ nhằm hỗ trợ cho việc tuyên truyền, hướng dẫn thành lập các THT, HTX như: Quan tâm tăng trưởng vốn Quỹ hỗ trợ nông dân, tính riêng năm 2021, nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân tăng trên 4,5 tỷ đồng, nâng tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân toàn tỉnh hiện đạt hơn 57 tỷ đồng. Phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho hội viên nông dân vay vốn với tổng dư nợ trên 1.500 tỷ đồng; Ngân hàng NN&PTNT với tổng dư nợ trên 2.900 tỷ đồng. Thẩm định và giải ngân 07 dự án từ nguồn vốn vay Quỹ quốc gia hỗ trợ việc làm với tổng số tiền 1.960 triệu đồng. Phối hợp với Công ty Tiến nông cung ứng 8.633 tấn phân bón; phối hợp Công ty Cổ phần giống, vật tư nông nghiệp công nghệ cao Việt Nam cung ứng trên 03 tấn giống lúa J02 và 827kg giống lúa QR15 vụ chiêm xuân 2020-2021 cho hội viên nông dân trên địa bàn tỉnh… Các cấp hội tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ mới về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản cho trên 208.625 lượt người; tập huấn 15 lớp cho 1.500 người tham gia về ATVSLĐ, an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp, sản xuất na dai theo tiêu chuẩn VietGap. Xây dựng thành công mô hình giống lúa J02 với diện tích 22,08 ha tại xã Xuân Phú (Yên Dũng), Bảo Sơn (Lục Nam)…

Để có cơ chế phát triển bền vững, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng và được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt 04 Đề án; Đề án“Xây dựng Tổ hợp tác tạo tiền đề để phát triển thành Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin cho chủ trang trại, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn tỉnh Bắc Giang góp phần thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giai đoạn 2021-2025”; Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022 – 2025”; Đề án “Phát triển vùng sản xuất Ba kích tím hàng hóa tại huyện Sơn Động, giai đoạn 2022 – 2026”. Đồng thời triển khai, thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa Hội Nông dân – Hội Liên hiệp Phụ nữ – Tỉnh đoàn Thanh niên – Liên minh hợp tác xã tỉnh trong xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại, HTX sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị và Chi hội nông dân nghề nghiệp giai đoạn 2021 – 2025; trong năm 2021 toàn tỉnh đã thành lập được 14 mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, 105 tổ hội nông dân nghề nghiệp nâng tổng số đến nay là 45 mô hình chi hội nông dân nghề nghiệp, 213 tổ hội nông dân nghề nghiệp. Đây là những điều kiện hết sức thuận lợi cho Hội Nông dân các cấp phát triển và nhân rộng các mô hình KTTT để liên kết, hỗ trợ nông dân sản xuất theo chuỗi giá trị.

Thông qua các hoạt động hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp, những năm qua các mô hình THT, HTX do Hội Nông dân hướng dẫn thành lập trên địa bàn tỉnh có bước phát triển nhanh chóng. Số lượng THT, HTX tăng theo từng năm; tính riêng trong năm 2021, Hội Nông dân các cấp toàn tỉnh đã vận động, hướng dẫn thành lập được 69 THT, 32 HTX nâng tổng số THT, HTX do Hội thành lập lên 260 THT và 80 HTX. Các THT, HTX từng bước hoạt động đúng bản chất, phát triển ngày càng rộng khắp, hình thức và quy mô tổ chức đa dạng và phong phú, tổ chức và quản lý điều hành gọn nhẹ, hợp tác linh hoạt qua hình thức góp vốn, góp sức hoặc một số công việc cụ thể; trình độ cán bộ quản lý THT, HTX được nâng cao. Nhiều mô hình tiêu biểu, có phương thức hoạt động sáng tạo, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật công nghệ mới vào sản xuất đem lại năng suất cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu biểu như: HTX Rau sạch Yên Dũng (Yên Dũng, Bắc Giang), HTX Na dai Nghĩa Phương (Lục Nam), HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Mộc, HTX nông nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ tổng hợp Hồng Xuân (Lục Ngạn)…

Từ những kết quả trên có thể khẳng định rằng việc phát triển và nhân rộng các mô hình KTTT, THT, HTX đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực, là hướng đi đúng đắn trong thu hút tập hợp hội viên, nông dân vào tổ chức, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới ở các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn, do một bộ phận cán bộ, hội viên và nhân dân chưa hiểu đúng và đầy đủ về ý nghĩa, hoạt động và tầm quan trọng của phát triển KTTT. Mặt khác, một số THT, HTX chưa nỗ lực, tự thân vận động để phát triển, còn có tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều nông dân chưa đủ lòng tin để tham gia tích cực vào KTTT. Đội ngũ cán bộ quản lý THT, HTX trình độ còn hạn chế, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chưa nhiều… Do vậy thường gặp lúng túng trong công tác quản lý và nội dung hoạt động; chưa xây dựng hoàn thiện phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

Để đẩy mạnh phát triển KTTT-HTX, cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách : (1) đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nhân lực THT, HTX, (2) khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp liên kết HTX, (3) Hoàn thiện cơ chế chính sách HTX liên kết, (4) xây dựng và nhân rộng mô hình HTX nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đô thị văn minh, HTX sản xuất sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn, mô hình doanh nghiệp tham gia HTX, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động KTTT một cách đột phá, trên cơ sở đẩy mạnh việc tuyên truyền về mô hình KTTT một cách sâu rộng trong hệ thống Hội Nông dân. Đồng thời, tăng cường định hướng và hỗ trợ phát triển kinh tế đa dạng hơn ở lĩnh vực sản xuất, thương mại và dịch vụ, tạo động lực phát triển sản xuất theo hướng tập thể. Quan tâm trong lĩnh vực dịch vụ cung ứng hàng hóa, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tạo động lực thúc đẩy phát triển KTTT một cách bền vững…

Lã Văn Đoàn – Phó Chủ tịch TT HND tỉnh