Cây trồng lai – vũ khí đối phó hạn hán của Mali
07/06/2019 02:29
Năm 2017, khi hạn hán xảy ra giữa mùa vụ ở miền nam Mali, Baba Berthe đã mất trắng 2 ha ngô của ông.
“Tôi không thu hoạch được gì cả”, Baba Berthe, nông dân ở quận Siby, miền nam Mali, nhớ lại. Tuy nhiên, thiệt hại do thảm họa gây ra đã được giảm thiểu phần nào khi giống lúa miến chống hạn mà Berthe trồng đã phát triển, bất chấp tình trạng thiếu nước. Loại cây đó “đã cứu tôi”, với sản lượng 2,4 tấn/ha.
Nông dân Mali. Ảnh: Columbia Science Commits. |
Biến đổi khí hậu khiến thời tiết ở nam Mali khắc nghiệt hơn, đặc biệt là hạn hán ngày càng nặng nề. Cây trồng có khả năng chống chịu ngoại cảnh bất lợi có thể giúp ứng phó nhiều cuộc khủng hoảng, từ nạn đói cho đến di cư, theo giới chuyên gia.
Ở miền nam Mali, các cây trồng có sức chịu đựng tốt đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là khi nông dân tận mắt thấy kết quả trên chính cánh đồng của họ, theo Reuters.
“Tôi thực sự hiểu tầm quan trong của những giống cây mới trong năm vừa qua”, Berthe, 56 tuổi, nói. Ông ngồi dưới gốc một cây xoài tán rộng dự cuộc họp hàng tuần của Hợp tác xã Nông dân trồng hạt Siby.
Ngô là “giống ngũ cốc cần nhiều nước” – thứ mà miền nam Mali không còn dồi dào, Berthe cho biết thêm.
Những giống cây sức chống chịu cao mới do các nhà khoa học tại Viện Kinh tế Nông thôn (IER), viện nghiên cứu do chính phủ Mali thành lập, phát triển để ứng phó với lượng mưa khác nhau ở quốc gia châu Phi này.
“Chúng tôi đang phải đối phó với sự ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu”, theo Abdoulaye Diallo, nhà lai tạo giống cây, đứng đầu chương trình lúa miến của IER. Trong 60 năm qua, lượng mưa ở Mali đã giảm từ 15% đến 20% tùy theo khu vực và gây thiệt hại đáng kể cho mùa màng.
Nông dân Mali thường làm ruộng trong mùa mưa, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 10 tại một số vùng miền nam. Tuy nhiên, ở miền bắc Mali, mùa mưa ngắn hơn, một số khu vực thời gian này không qua hai tháng.
Để ứng phó với điều kiện khắc nghiệt, các nhà nghiên cứu Mali đã tạo ra các cây trồng lai từ cây trồng bản địa.
Diallo cho biết các giống ngũ cốc lai, như lúa miến mà Berthe trồng, có thể mang lại sản lượng 3 – 4 tấn/hecta. Trong khi đó, các giống không lai chi tạo ra được 2 – 3 tấn/hecta ngay cả khi trong điều kiện thuận lợi nhất.
“Thách thức là tìm ra các giống chống chịu được hạn hán sau khi ra hoa”, Aboubacar Toure, nhà lai tạo giống cây tại IER, nói. Các giống chịu hạn tốt thường ra hoa sớm, chống hạn hoặc đạt cả hai điều kiện trên.
‘Đầy giỏ’
Nhờ số lượng nông dân ở Siby chuyển sang trồng giống mới để tự bảo vệ trước biến đổi khí hậu gia tăng, các hãng cung cấp hạt giống ở địa phương đang ngày càng có lãi.
Alou Camara, chủ tịch Hợp tác xã Nông dân trồng hạt Siby, nói họ mua hạt giống có thể thích nghi với điều kiện thay đổi từ thành viên với giá 500 CFA franc (1 USD) mỗi kg và bán cho các nông dân khác với giá 750 CFA franc, chi phí cao gấp 5 lần so với hạt giống truyền thống.
Toure kể rằng các nông dân quy mô nhỏ đã đặt nhiều tên khác nhau cho giống lúa miến mới bằng tiếng bản địa để mô tả sự thành công của họ. Ví dụ, Seguifa nghĩa là “đầy giỏ” còn jakumbe nghĩa là “chống hạn”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng ca ngợi các giống cây mới. Một số nông dân than phiền bởi họ không thể luôn luôn mua được hạt giống cây chống hạn khi họ cần.
Trong những năm trước đó, nông dân chỉ cần sử dụng hạt thu được để làm giống cho vụ sau.
Chất lượng của cây trồng lai lại giảm dần qua thời gian, N’fally Coulibaly, nông dân ở Siby, nói. Điều này đồng nghĩa anh cùng các nông dân khác cần mua hạt giống mới mỗi năm. “Vấn đề ở đây là các giống mới không miễn phí và ngay trước mùa mưa thì chúng tôi không có tiền. Mọi thứ không còn như trước”.
Theo Coulibaly, một vấn đề khác là tình trạng thiếu thông tin về đặc tính các giống mới. “Nhiều người do dự khi mua lần đầu bởi họ nghĩ chúng là cây trồng biến đổi gene” – trên thực tế không phải vậy.
Coulibaly muốn chính quyền nỗ lực hơn trong việc lý giải cho nông dân sự khác biệt giữa cây trồng lai, được phát triển bằng các kỹ thuật tự nhiên, và cây trồng biến đổi gene được tạo ra trong phòng thí nghiệm.
“Đó là trở ngại lớn khi bắt đầu”, Coulibaly nói. “Tuy nhiên, khi hạn hán tới, mọi người nhìn thấy năng suất tốt và đổi ý”.
Nguy cơ từ biến đổi khí hậu
Nông nghiệp là ngành luôn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nông dân cần có lượng ánh nắng, nhiệt độ, mưa phù hơp để sản xuất lương thực cần thiết cho sự tồn tại. Giờ đây, những chu kỳ từng có thể dự báo đang trở nên phức tạp bởi biến đổi khí hậu.
Khoảng 80% lương thực thế giới được sản xuất bởi các hộ nông dân, theo Liên Hợp Quốc. Do đó, ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu đến nông nghiệp có tầm tác động vượt xa hơn chỉ là nông dân và gia đình họ.
Trừ khi con người có bước đi đáng kể trong việc giảm khí thải nhà kính, nếu không, tình hình sẽ ngày càng xấu. Không ai có thể biết trước nguồn cung thực phẩm trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng thế nào. Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế ước tính sản lượng ngô toàn cầu có thể giảm 24% vào năm 2050.
Nông dân vùng cận Sahara đặc biệt dễ tổn thương, phần nào bởi hoạt động sản xuất nông nghiệp của họ phụ thuộc vào mưa thay vì hệ thống tưới tiêu. Chính phủ các quốc gia, các viện và lĩnh vực tư nhân cần có biện pháp hỗ trợ nông dân trong ứng phó biến đổi khí hậu như giúp họ tiếp cận hỗ trợ tài chính, đào tạo.