Năng động, dám nghĩ, dám làm, anh Trần Văn Quý (SN 1983) ở tổ dân phố Khiêu, thị trấn Phương Sơn, huyện Lục Nam (Lục Nam) đã thành công từ mô hình chăn nuôi chim bồ câu, hằng năm cho thu lãi hơn 1,2 tỷ đồng.
Làm giàu từ nuôi chim bồ câu
20/08/2022 17:17
Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nông thôn, gắn bó với đồng ruộng, cuộc sống của gia đình anh Quý vốn gặp nhiều khó khăn. Không cam chịu đói nghèo, năm 2012, anh Quý đi xuất khẩu lao động tại nước Nga. Sau 5 năm anh trở về địa phương, với số tiền tích cóp được và tận dụng diện tích vườn đồi của gia đình, anh đầu tư chăn nuôi gà thả vườn nhưng hiệu quả kinh tế không cao.
Năm 2018, nhận thấy mô hình chăn nuôi chim bồ câu của một số hộ gia đình khác cho thu nhập cao, anh Quý đã đến học hỏi kinh nghiệm, mạnh dạn chuyển đổi toàn bộ diện tích vườn đồi sang chăn nuôi chim bồ câu. Anh vay từ ngân hàng và huy động vốn của gia đình được khoảng 3 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống chuồng trại rộng 1.500 m2, mua giống, vật tư…
Anh Trần Văn Quý chăm sóc chim bồ câu của gia đình. |
Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, với tinh thần vừa làm, vừa học nên anh chỉ nuôi 2.500 đôi chim giống, toàn bộ là chim bồ câu Pháp, sau 8 tháng cho thu lãi 60 triệu đồng. Để chủ động nguồn giống, giảm chi phí, anh mua 3 lò ấp trứng. Hiện nay, trang trại của gia đình anh có 5 nghìn đôi chim bố mẹ và khoảng 5 nghìn đôi chim thương phẩm. Anh Quý cho biết: “Nuôi chim bồ câu ít mắc bệnh hơn so với gà, thị trường rộng, giá thành cao nên mô hình cho hiệu quả khá cao”. Để chim phát triển khỏe mạnh thì khâu chọn con giống và phòng bệnh là quan trọng nhất. Bởi vậy, con giống được anh lựa chọn rất kỹ, trong quá trình chăn nuôi, tổ chức tiêm phòng định kỳ, sử dụng các loại men vi sinh phun khử trùng tại khu chuồng trại. Ngoài ra, anh còn rắc vôi bột trong chuồng để khử trùng, tăng sức đề kháng cho vật nuôi. Vào mùa đông, anh dùng bạt che kín chuồng trại giữ ấm, mùa hè thì mở thoáng cửa và bật hệ thống quạt thông gió.