BẮC GIANG: NHÂN RỘNG MÔ HÌNH CANH TÁC LÚA THÂN THIỆN VỚI MÔI TRƯỜNG

Lượt xem: 276

Dự án “Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại Việt Nam” (gọi tắt là dự án SRI) được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức ủng hộ các giải pháp khu vực vì cộng đồng và hệ sinh thái (BRACE) hỗ trợ triển khai thực hiện tại 24 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bắc Giang là 1 trong 8 tỉnh thuộc khu vực miền Bắc được Trung ương Hội lựa chọn thí điểm thực hiện Dự án. Qua gần 2 năm triển khai, dự án mang lại hiệu quả tích cực và đang được nhân rộng.

Hướng tới mục tiêu giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp hiện đại, bền vững nhằm giúp người nông dân thích ứng với biến đổi khí hậu thông qua việc nâng cao kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI cho nông dân trồng lúa; nâng cao nhận thức của nông dân, người tiêu dùng và các bên liên quan về lợi ích của phương pháp canh tác lúa cải tiến SRI. Dự án tập trung tuyên truyền nông dân trồng lúa thực hiện 5 nguyên tắc: (1) cấy mạ non; cấy thưa, (2) ít dảnh, nông tay, (3) làm cỏ sục bùn, (4) quản lý nước, (5) tăng cường sử dụng phân hữu cơ thay thế phân bón hóa học. Sau mỗi vụ thu hoạch các hộ nông dân không đốt rơm rạ, gây ô hiễm môi trường vừa lãng phí nguồn phân bón hữu cơ cho đất, hướng dẫn các hộ áp dụng kỹ thuật xử lý rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, tạo ra nguồn phân bón cho cây trồng.

Cụ thể hóa các nội dung của dự án, năm 2020-2021, Hội Nông dân tỉnh đã xây dựng 04 mô hình điểm về canh tác lúa thân thiện với môi trường với tổng diện tích 8,7ha với sự tham gia của 122 hộ nông dân ở 4 xã Tiến Dũng, Tư Mại (Yên Dũng), Nghĩa Hưng, Đào Mỹ (Lạng Giang). Trong quá trình triển khai xây dựng mô hình, Hội Nông dân tỉnh đã hỗ trợ các hộ dân tham gia mô hình 70% giống, phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm xử lý rơm rạ… tổ chức 16 lớp tập huấn các kỹ thuật trong canh tác lúa thân thiện với môi trường cho các hộ tham gia thực hiện mô hình, 11 sự kiện, hội thảo, tổng kết mô hình nhằm nâng cao nâng cao năng lực và quảng bá về sản phẩm lúa gạo thân thiện với môi trường cũng như phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường.

Đồng chí Nguyễn Văn Thi – Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ kinh nghiệm triển khai dự án Tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường tại hội thảo do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức.

Qua đánh giá, so sánh với lúa canh tác theo phương thức truyền thống, nhận thấy, lúa áp dụng kỹ thuật canh tác lúa thân thiện với môi trường bộ rễ phát triển mạnh hơn; cấy lúa khoẻ hơn; cứng cây; khả năng chống lại sâu bệnh tốt hơn; khả năng đẻ nhánh khoẻ; tỉ lệ hạt chắc trên bông và số bông hữu hiệu trên khóm tăng; năng suất cao hơn. Cụ thể: giảm lượng giống, giảm được lượng phân hóa học 20-30%; giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật 50%; tăng năng suất lúa từ 7-8 tạ/ha; tăng hiệu quả kinh tế 8- 9 triệu đồng/ha. Trên cơ sở đó, bằng nguồn ngân sách đối ứng của tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã nhân rộng mô hình canh tác lúa thân thiện với môi trường ngay trong vụ Chiêm Xuân và Hè Thu năm 2022 với tổng diện tích gần 80ha với 570 hội viên nông dân tại các huyện Lạng Giang, Yên Thế, Hiệp Hòa.

Sau 02 năm triển khai, đến nay dự án đã thu hút gần 1.000 hộ nông dân chuyển từ canh tác lúa truyền thống sáng canh tác lúa thân thiện với môi trường với tổng diện tích trên 100ha. Đa số các hộ đã thực hiện tốt kỹ thuật cấy mạ non; cấy thưa, ít dảnh, nông tay; quản lý nước theo từng giai đoạn phát triển của lúa; 100% nông dân được đào tạo về bón phân đã cắt giảm từ 20 -100% phân đạm hóa học, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất và nâng cao thu nhập; 100% nông dân được tuyên truyền cam kết không đốt rơm rạ sau thu hoạch; giảm đáng kể lượng thuốc BVTV sử dụng cho lúa đem lại sản phẩm thóc, gạo an toàn hơn cho người nông dân. Từ hiệu quả mang lại, các mô hình này được cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá cao.

Từ thành công của các mô hình điểm, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục xây dựng các mô hình điểm, mô hình trình diễn tại các địa phương khác để người dân dễ dàng so sánh được sự hiệu quả, tính ưu việt của mô hình đem lại. Để bảo đảm tính ổn định bền vững, Hội sẽ xây dựng những nhân tố nòng cốt từ các mô hình thí điểm theo hình thức “nông dân dạy nông dân” để nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh, góp phần tăng năng suất, bảo vệ môi trường.

Thân Thị Dũng – Văn phòng HND tỉnh