Giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội

Lượt xem: 111

Công tác giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các tổ chức chính trị – xã hội là hoạt động đặc thù, mang tính nhân dân, tính xã hội rộng rãi, phương thức để nhân dân góp sức, hiến kế với Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách, quyết sách, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Tiếp tục thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị về Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội, những năm qua, công tác giám sát, phản biện xã hội luôn được MTTQ và các đoàn thể nhân dân tỉnh Bắc Giang quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Các cấp ủy đã quan tâm xây dựng và ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp. Ủy ban MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp cũng đã có nhiều cố gắng trong lựa chọn nội dung, đổi mới phương pháp, cách tiến hành giám sát, phản biện xã hội như hiệp thương xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện xã hội hằng năm, xác định nội dung trọng tâm, trọng điểm sát với những nội dung nhân dân quan tâm, bức xúc.

Sự phối hợp giám sát giữa MTTQ với các tổ chức chính trị- xã hội, giữa MTTQ với Quốc hội và HĐND gắn kết hơn, khắc phục sự trùng chéo. Năm 2023, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh đã có văn bản xin ý kiến Thường trực Tỉnh ủy và xây dựng kế hoạch tổ chức giám sát, phản biện 20 nội dung; nhiều nội dung giám sát, phản biện đã có tác động tích cực góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, xây dựng Đảng, chính quyền như: giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và Nhân dân của một số sở, ngành, UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh; giám sát cán bộ, đảng viên theo Quy định số 124-QĐ/TW ngày 02/02/2018 của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và Nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên ở một số địa phương, đơn vị; giám sát việc thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… Phản biện các dự thảo nghị quyết, chỉ thị, chương trình, kế hoạch, đề án của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ban, ngành… liên quan đến quyền, lợi ích của người lao động; các dự thảo về công tác cán bộ, cán bộ nữ, những văn bản liên quan đến phụ nữ, trẻ em, gia đình…

Đồng chí Diêm Hồng Linh – Phó Chủ tịch UBMTTQ tỉnh chủ trì Hội nghị phản biện Đề án.

Để phát huy vai trò giám sát của Nhân dân, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trong tỉnh đã có nhiều hình thức để vận động Nhân dân tham gia giám sát, như: Thực hiện phiếu khảo sát lấy ý kiến người dân; vận động Nhân dân tham gia góp ý thông qua các hội nghị nhân dân định kỳ hoặc các hội nghị đối thoại, tiếp xúc giữa lãnh đạo với đại diện các giới Nhân dân. Qua đó, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã ghi nhận, tổng hợp những ý kiến đóng góp, phản ảnh của Nhân dân liên quan đến cán bộ, công chức, đảng viên và có văn bản kiến nghị gửi Đảng ủy, Ủy ban nhân dân cùng cấp xem xét giải quyết. MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp đã phát huy nhiều hình thức giám sát, phản biện phù hợp với tình hình thực tế của địa phương như: giám sát theo chuyên đề, giám sát đột xuất, liên thông tỉnh, huyện, xã; đồng thời, bước đầu phát huy được vai trò của các Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn, Tổ tư vấn, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam, các chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực, các tổ chức, hội đoàn, người dân chịu sự tác động của chính sách để tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân ngày càng được thể hiện rõ nét, góp phần quan trọng vào đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội, thúc đẩy thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước, được các cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước, các cấp, ngành và Nhân dân đánh giá cao.

Tuy nhiên, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế nhất định, như: việc tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết, quy chế, quy định của Đảng chủ yếu là lồng ghép; còn có nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ về giám sát, phản biện xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; còn lúng túng trong việc xác định, lựa chọn nội dung giám sát, phản biện xã hội; phương pháp, cách làm nhiều nơi chưa đổi mới, chưa phát huy sự tham gia của các thành viên và nhân dân. Cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội còn mỏng, phân công lồng ghép, kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi, chưa ngang tầm nhiệm vụ…

Trước những yêu cầu của nhiệm vụ mới, vai trò, trách nhiệm của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội ngày càng cao. Vì vậy, công tác giám sát, phản biện xã hội cần tập trung thực hiện tốt các giải pháp sau:

Thứ nhất, Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng và chính quyền, nhất là cấp xã về thực hiện chức năng giám sát và phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội. Các cấp ủy Đảng và chính quyền cần xác định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội làm nòng cốt để nhân dân làm chủ”. Tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống chính trị thực hiện nghiêm túc, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong triển khai thực hiện công tác giám sát, phản biện xã hội nhất là nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, người đứng đầu trong thực hiện chức trách nhiệm vụ với tinh thần thật sự cầu thị, lắng nghe ý kiến, chịu sự giám sát của Nhân dân.

Thứ hai, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội theo hướng: Chủ động, từ sớm, từ cơ sở, dân chủ, khách quan, mang tính xây dựng; có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng giám sát theo chuyên đề, tập trung vào những chủ trương, chính sách lớn, trọng yếu, ưu tiên những vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, những vấn đề dư luận xã hội quan tâm, bức xúc. Chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ năng lực công tác, nhiệt tình, năng động, sáng tạo, biết cách vận động, thuyết phục các tầng lớp nhân dân, dám đấu tranh với cái xấu, bảo vệ cái tốt, cái đúng.

Thứ ba, Tăng cường sự phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam hiệp thương với các tổ chức chính trị – xã hội cùng cấp lựa chọn nội dung giám sát phù hợp. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, phản biện xã hội của các tổ chức tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên; động viên, khuyến khích đoàn viên, hội viên các tổ chức thành viên của Mặt trận, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các nhân sĩ, trí thức, doanh nhân, người có kinh nghiệm thực tiễn, người có uy tín trong các dân tộc, tôn giáo và nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Thứ tư, Đa dạng hoá các hình thức tập hợp, phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện, góp ý của Nhân dân, lắng nghe dân. Có hình thức tiếp nhận thông tin phản ánh, góp ý của người dân phù hợp; có cơ chế để khuyến khích, bảo vệ người phản ánh. Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân trong kiểm soát, giám sát quyền lực Nhà nước, cán bộ, đảng viên, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Kịp thời động viên, khen thưởng, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả trong công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị – xã hội.

Thứ năm, Nâng cao chất lượng kiến nghị, giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các tổ chức chính trị – xã hội. Trong quá trình thực hiện giám sát, phản biện xã hội, kịp thời phát hiện những bất cập, vướng mắc để chủ động đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các văn bản phù hợp. Quan tâm tới việc khảo sát, lấy ý kiến của người dân đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân. Sau giám sát, phản biện xã hội cần thể hiện rõ kết luận, đề xuất, kiến nghị; đồng thời kiên trì trong việc theo dõi kết quả giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phản biện.

Có thể khẳng định rằng, hoạt động giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã được quan tâm, chú trọng và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Thông qua giám sát, phản biện, MTTQ đã thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, có tác động tích cực đến việc mở rộng dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; góp phần hoàn thiện cơ chế, chính sách, thi hành pháp luật, kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

Diêm Hồng Linh – Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh