Tăng cường hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế và xây dựng các sản phẩm ocop

Lượt xem: 128

Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là cơ sở và lực lượng quan trọng để phát triển kinh tế – xã hội bền vững, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tích cực thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp nông dân phát triển kinh tế và xây dựng các sản phẩm OCOP, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, xây dựng nông thôn mới.

Hòa chung với chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngành NN&PTNT đã có nhiều hoạt động phối hợp trong hỗ trợ người nông dân thay đổi tập quán canh tác truyền thống sang áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Qua đó nông nghiệp Bắc Giang những năm gần đây phát triển khá toàn diện, mang lại những dấu ấn, điểm sáng trong bức tranh chung của nông nghiệp cả nước. Tỉnh đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn, tạo được sản phẩm đặc trưng có thương hiệu như: vải thiều Lục Ngạn, vải sớm Tân Yên, lúa thơm Yên Dũng, lạc giống Tân Yên, nấm Lạng Giang; cam, bưởi Lục Ngạn,… đồng thời song hành cùng với công nghiệp, dịch vụ trở thành những trụ đỡ vững chãi cho phát triển kinh tế – xã hội tỉnh nhà.

Đồng chí Lê Ô Pích  – Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm gian hàng OCOP.

Sở NN&PTNT đã tham mưu UBND tỉnh phát động, triển khai thực hiện nhiều chương trình, phong trào thi đua phát triển kinh tế – xã hội khu vực nông nghiệp nông thôn như: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; chương trình tam nông; chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp; chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; phối hợp tổ chức lễ tôn vinh sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tỉnh Bắc Giang định kỳ 02 năm/lần; tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng canh tác lúa thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2023-2025… Những chương trình này đã mang lại hiệu quả to lớn, có ý nghĩa hết sức thiết thực với sự phát triển của tỉnh nhà. Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh đã có 145 xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt tỷ lệ 79,7%  cao hơn bình quân chung cả nước là 73% (tăng  20 xã so với năm 2020 có 125 xã NTM) trong đó có 43 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 01 xã đạt chuẩn kiểu mẫu, có 6 đơn vị cấp huyện đạt huyện nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, bình quân tiêu chí đạt 17,1 tiêu chí/xã, có 256 thôn nông thôn mới và 243 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã đạt dưới 10 tiêu chí. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm đều theo từng năm, đến hết năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều mới còn 3,81% (giảm 1,46% so với năm 2021); thu nhập bình quân trên mỗi ha đất đạt 135 triệu đồng. Lĩnh vực kinh tế tập thể phát triển mạnh với 687 HTX, 586 trang trại nông nghiệp. Qua đó góp phần chung sức cùng các lĩnh vực khác tạo lên thành tích tăng trưởng về quy mô nền kinh tế tỉnh Bắc Giang với GRDP vươn lên vị trí thứ 13 cả nước, đứng đầu khu vực trung du miền núi phía Bắc.

Đặc biệt là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã lan tỏa mạnh mẽ và mang lại hiệu quả cao. Đây là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị. Mục đích của chương trình là xây dựng, phát triển, hoàn thiện và nâng cao chất lượng 06 nhóm sản phẩm có lợi thế ở khu vực nông thôn theo chuỗi giá trị nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân, góp phần xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.

Để đồng hành cùng bà con nông dân phát triển sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, đặc sản của mỗi địa phương thành sản phẩm OCOP, Sở NN&PTNT đã tăng cường vận động, tập huấn nâng cao nhận thức, đồng thời tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các chủ thể sản xuất phát triển ý tưởng sản phẩm; xây dựng câu chuyện sản phẩm, kế hoạch sản xuất kinh doanh; công tác quản lý sản xuất, maketing, xây dựng thương hiệu sản phẩm; hồ sơ chất lượng sản phẩm. Đồng thời tích cực phối hợp với Hội Nông dân tỉnh đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Tính đến tháng 6/2023 số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Giang là 205 sản phẩm, gồm: 31 sản phẩm đạt OCOP 4 sao (chiếm 15,1%), 174 sản phẩm OCOP 3 sao (chiếm 84,9%). Trong số 205 sản phẩm OCOP được công nhận có 22 sản phẩm OCOP của 20 chủ thể trên địa bàn do Hội Nông dân tỉnh thực hiện hỗ trợ, tư vấn, xây dựng hồ sơ sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng theo Đề án “Hội Nông dân các cấp là nòng cốt trong tổ chức sản xuất nông nghiệp theo hướng hợp tác, liên kết chuỗi giá trị, xây dựng và nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, giai đoạn 2022-2025”.

Các sản phẩm đạt OCOP của tỉnh đều là những sản phẩm mang đặc trưng, tiềm năng, phát huy tối đa lợi thế sản xuất của từng địa phương trong tỉnh như: Nụ hoa sâm nam núi Dành; Táo Phì Điền; Dứa Hương Sơn; Bánh chưng Hoàng An,… Các sản phẩm đều có đầy đủ những minh chứng rõ ràng về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm và áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, chất lượng cao. Đây chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của kinh tế khu vực nông nghiệp, nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị sản phẩm hàng hóa, qua đó đã nâng tầm vị thế của sản phẩm nông sản Bắc Giang trên thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục chỉ rõ: “Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Gắn xây dựng giai cấp nông dân với phát triển nông nghiệp và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông thôn, tạo điều kiện để cư dân nông thôn trở thành cư dân đô thị mà không đi đến di cư quy mô lớn. Huy động và phát huy mọi nguồn lực từ nông dân, nông thôn cùng với các nguồn lực khác để thực hiện thành công mô hình nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh”. Thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục triển khai các đề án, dự án hỗ trợ nông dân, phấn đấu đến năm 2025 toàn tỉnh Bắc Giang có ít nhất 310 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên (mỗi năm có khoảng 30-35 sản phẩm), có khoảng 1-2 sản phẩm OCOP đạt 5 sao cấp quốc gia./.

Lê Bá Thành – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn