Viết tiếp tình hữu nghị

Lượt xem: 63

Đoàn cán bộ, nông dân tiêu biểu tỉnh Xay Sổm Bun (Lào) vừa có chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp tại Bắc Giang. Qua chuyến thăm một lần nữa khẳng định tình hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.

Tỉnh Xay Sổm Bun có diện tích đất đai rộng lớn với 8.500 km2 (gấp hơn 2 lần diện tích tỉnh Bắc Giang), trong đó đất trồng trọt chiếm phần lớn, có độ màu mỡ cao, thích hợp với nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả. Chính vì vậy, trong chương trình tỉnh Bắc Giang giúp đỡ tỉnh Xay Sổm Bun, lĩnh vực nông nghiệp được ưu tiên hơn. Để giúp nông dân tỉnh bạn có thêm kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, tỉnh Bắc Giang đã mời đoàn cán bộ và nông dân tiêu biểu của tỉnh Xay Sổm Bun sang tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh trao đổi kinh nghiệm với các nông dân tỉnh Xay Sổm Bun.

Vượt gần 1.000 km đường bộ qua cửa khẩu Cầu Treo (Hà Tĩnh), 20 cán bộ, nông dân tiêu biểu tỉnh Xay Sổm Bun được tỉnh Bắc Giang đón tiếp chu đáo. Đồng chí Kẹo-a-nông Sỉ-ạ-sợt, Phó Giám đốc Sở Nông – lâm, Trưởng đoàn công tác chia sẻ: Mặc dù điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai màu mỡ nhưng nông dân tỉnh Xay Sổm Bun còn thiếu kinh nghiệm, trình độ ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất hạn chế. Vì vậy chuyến đi lần này, chúng tôi mong muốn được tham quan các mô hình phát triển nông- lâm nghiệp; cách làm, ứng dụng khoa học kỹ thuật; lĩnh hội ý kiến và kinh nghiệm phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi của tỉnh Bắc Giang. Từ đó nghiên cứu, vận dụng vào thực tế sản xuất của tỉnh Xay Sổm Bun.

Đến thăm vùng trồng na dai bát ngát tại huyện Lục Nam, những nông dân tỉnh Xay Sổm Bun tỏ ra ngỡ ngàng khi được nghe lãnh đạo huyện giới thiệu nơi đây từng là vùng đất đồi khô cằn, cỏ dại um tùm. Nhờ định hướng trồng cây ăn quả của tỉnh, của huyện cũng như nỗ lực không ngừng, sự sáng tạo của nông dân đã hình thành vùng chuyên canh na dai nổi tiếng, cho năng suất, chất lượng cao, giúp nông dân nhanh chóng giảm nghèo, làm giàu hiệu quả.

Sau khi tranh thủ chụp lại những bức ảnh, chị Vi-lay-phon, một nông dân tiêu biểu huyện Long San chăm chú lắng nghe anh Đặng Văn Thành, chủ trang trại na ở thôn Kỳ Sơn, xã Nghĩa Phương giới thiệu về kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa cành, thụ phấn nhân tạo cho na, vừa nghe chị vừa ghi chép vào cuốn sổ tay một cách cẩn thận. Chị nói, cây na cũng có trồng ở Xay Sổm Bun nhưng thường trồng lẻ tẻ vài cây trong vườn, ra quả tự nhiên, mỗi cây chỉ có vài quả và quả thường nhỏ nên chủ yếu để ăn, không có bán. Thấy ở mặt luống có rất nhiều quả na xanh, nhỏ bị ngắt xuống đã héo, chị Vi-lay-phon ngạc nhiên nhờ người phiên dịch hỏi giúp sao lại ngắt đi phí như vậy. Nghe chủ vườn giải thích phải điều chỉnh lượng quả trên cây (mỗi cây chỉ để 30-35 quả) để lượng dinh dưỡng nuôi quả được tập trung, không bị phân tán, quả sẽ to, đẹp hơn.

Các nông dân tiêu biểu tỉnh Xay Sổm Bun thăm vùng trồng na dai tại huyện Lục Nam.

Được biết, những vườn na ở Lục Nam được người nông dân “bắt” ra quả theo ý muốn bằng cách xử lý lộc, hoa, thụ phấn nhân tạo cho na ra quả trái vụ, ra hoa ở cả thân và cành, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến kéo dài thời vụ thu hoạch từ tháng 6 đến áp Tết. Cùng đó, sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP, khi quả na còn non xanh, sử dụng túi nilon để bọc quả để tránh ruồi vàng và sâu bệnh, các loại côn trùng xâm nhập, chích hút. Bởi vậy, quả na dai ở đây rất an toàn, tạo được uy tín trên thị trường, bán được giá.

Chuyến thăm và làm việc của đoàn cán bộ, nông dân tiêu biểu tỉnh Xay Sổm Bun khép lại với những vòng tay ôm chặt của những người đồng chí, anh em thân thiết. Tin rằng sau chuyến đi thực tế lần thứ hai tại Bắc Giang này, những nông dân tiêu biểu tỉnh Xay Sổm Bun sẽ là những đầu tàu vận dụng vào thực tế sản xuất tại gia đình, địa phương mình.

Trong thời gian ở Bắc Giang, các nông dân tỉnh Xay Sổm Bun cũng đến tham quan mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp tại xã Quý Sơn (Lục Ngạn), một số vườn vải thiều Lục Ngạn, trang trại sản xuất chăn nuôi con đặc sản (cầy vằn, dúi), nuôi dê bán chăn thả ở huyện Lục Nam. Ở bất cứ nơi nào, đoàn công tác cũng được đón tiếp thân tình như người nhà, thảo luận trực tiếp với các chủ trang trại, các hộ nông dân sản xuất kinh doanh tiêu biểu; mạnh dạn trao đổi, hỏi cặn kẽ về quy trình kỹ thuật, làm chuồng, chăn nuôi con đặc sản; sử dụng nguyên liệu, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc, phòng và điều trị bệnh; giải pháp tiêu thụ sản phẩm để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ông Nguyễn Thế Thi, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh cho biết: “Thông qua cuộc tọa đàm trao đổi kinh nghiệm do Hội Nông dân tỉnh phối hợp tổ chức, các nông dân tiêu biểu tỉnh Xay Sổm Bun được cán bộ quản lý ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, hội nông dân, chủ trang trại… trao đổi, giải đáp về chính sách thúc đẩy sản xuất nông nghiệp của tỉnh, những thuận lợi, khó khăn của hội nông dân hiện nay; hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trao đổi về khoa học kỹ thuật trong trồng, chăm sóc cây dứa, sâm nam; kỹ thuật trong chăn nuôi, phòng bệnh cho gà, lợn, dê…”.

Bài học kinh nghiệm để phát triển sản xuất nông nghiệp hiệu quả được tỉnh Bắc Giang chia sẻ đó là: Tỉnh ban hành các nghị quyết, chương trình phát triển sản xuất nông nghiệp theo từng giai đoạn. Với mỗi giai đoạn ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách, đề án hỗ trợ. Thời gian đầu khi trình độ kỹ thuật, nhận thức của người dân còn thấp, tỉnh đưa cán bộ khuyến nông, thú y về từng thôn, bản để tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật mới và nâng cao trình độ, nhận thức cho người dân. Xây dựng mô hình khuyến nông, hỗ trợ phát triển.

Đầu tư hạ tầng giao thông, thuỷ lợi, hệ thống cơ sở chế biến, bảo quản sản phẩm gắn với vùng sản xuất tập trung nhằm gia tăng giá trị, phục vụ cho tiêu dùng và xuất khẩu. Thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” để khai thác thế mạnh, lợi thế các sản phẩm đặc sản địa phương. Đẩy mạnh đưa cơ giới hoá, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Có chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm. “Trăm nghe không bằng một thấy”, các nông dân còn được xem và dùng thử, thưởng thức một số sản phẩm của tỉnh như: Vải thiều, na, dứa, dưa, nho, trà,…

Chuyến thăm và làm việc 6 ngày của đoàn cán bộ, nông dân tiêu biểu tỉnh Xay Sổm Bun khép lại với những vòng tay ôm chặt, những bàn tay lưu luyến mãi không muốn rời của những người đồng chí, anh em thân thiết. Tin rằng sau chuyến đi thực tế lần thứ hai tại Bắc Giang này, những nông dân tiêu biểu tỉnh Xay Sổm Bun sẽ là những đầu tàu vận dụng vào thực tế sản xuất tại gia đình, địa phương mình; cùng đó truyền đạt kinh nghiệm, kỹ thuật cho các nông dân khác trong tỉnh về khát vọng vươn lên vượt qua khó khăn, xoá đói, giảm nghèo tiến tới làm giàu trên chính vùng đất giàu tiềm năng phát triển nông nghiệp Xay Sổm Bun.

Bài, ảnh: Thu Phong