Cách phòng trừ sâu hại cây chanh

Lượt xem: 271

Nhiều bạn đọc lo lắng, cây chanh sai quả trong 2- 3 năm đầu sau đó bị chết nhiều do sâu đục xuyên từ cành qua thân đến rễ, có cây chết do lá bị vàng và rễ bị thâm đen. Mặc dù đã mua nhiều loại thuốc trừ sâu về phun nhưng không hiệu quả.

Sâu đục vỏ trái gây hại vườn chanh

Theo mô tả triệu chứng cây chanh bị chết, chúng tôi chẩn đoán cây chanh nhà bạn đã bị hai loài sâu, bệnh gây hại, đó là xén tóc đục thân cành và nấm Fusarium solani hại rễ.

Kỹ thuật trừ xén tóc đục thân cành như sau: Vào tháng 5 đến tháng 10, sâu non của xén tóc đục thân cành thường hại những cành tăm hương (cành nhỏ ngoài tán, đường kính<1cm), làm cành bị khô héo.

Định kỳ 15 ngày/lần vào khoảng 10 đến 16 giờ trong ngày bạn quan sát tán cây, thu gom những cành bị sâu hại đem đi đốt trước khi chúng đục chui vào cành to, thân chính.

Khi sâu non đã đục vào cành to, thân chính nhả phân (hạt phân như mùn cưa) qua lỗ thông hơi ra ngoài, bạn cần dùng dây phanh lụa xe đạp (loại mềm dẻo dễ uốn cong theo đường sâu đục) hoặc gai mây luồn theo lỗ sâu đục chọc chết sâu hoặc dùng xilanh nhựa bơm một trong các loại thuốc sâu sau (bơm vào đầu phía ngọn thân, cành) Dipterex 1%, Sokupi 1%, Bemab 1%…

Khi sâu non của xén tóc đã đục vào thân cành thì phun các loại thuốc trừ sâu lên tán cây đều không hiệu quả.

Bệnh thối rễ: Những cây bị nặng (khi nắng to lá héo xanh, héo vàng) thường không chữa được. Cây chớm bị bệnh hoặc phòng bệnh cho những cây chưa nhiễm bệnh, bạn có thể chọn một trong các loại thuốc sau: Ridomin Gold 68WG; Aliette 80WG; Nativo 75WG…. Phun định kỳ 10-15 ngày/lần, khoảng 2- 4 lần/năm trong mùa mưa.

Cần làm hệ thống thoát nước tốt trong mùa mưa, trồng dầy vừa phải, cắt tỉa tán đúng kỹ thuật cho vườn cây được thông thoáng, bón vôi bột cho vườn cây hàng năm nếu đất chua (độ pH<5,5) cũng hạn chế đáng kể được bệnh thối rễ.

sonongnghiep.bacgiang.gov.vn