Nuôi lợn gắn với bảo vệ môi trường: Hiệu quả nhiều mặt

Lượt xem: 174

Từ sự đầu tư bài bản trong công tác phòng dịch, xử lý sệ sinh chuồng trại mà mỗi lứa lợn gia đình anh Trịnh Xuân Toản ở thôn Đồng Tâm, xã Đồng Kỳ (Yên Thế – Bắc Giang) xuất ra thị trường vài tấn lợn hơi, thu về hàng trăm triệu đồng.

Mô hình ứng dụng công nghệ sàng rung trong chăn nuôi tại hộ anh Trịnh Xuân Toản

Hiệu quả cao từ nuôi lợn

Anh Toản tâm sự, những năm trước gia đình luôn duy trì khoảng 400 đầu lợn mỗi lứa. Nhưng qua đợt dịch tả lợn châu Phi năm 2019, gia đình bị tiêu hủy gần như hết, may mắn hơn các gia đình khác nhà mình còn 30 con nái và duy trì đến nay. Nhờ có lợn nái sinh sản nên gia đình đã chủ động được lợn giống mà không phải mua với giá đắt.

Hiện, trong chuồng đang có 100 con lợn thịt được khoảng 50-60kg, sinh trưởng phát triển tốt. Từ đầu năm đến nay, anh Toản xuất bán được 100 con thịt, trừ chi phí, mỗi con cho lãi từ 5-6 triệu đồng. Giá lợn hơi đang ở mức rất cao nên người chăn nuôi tiếp tục đang có lãi lãi cao.

Anh Toản chia sẻ, để chăn nuôi thành công, cho hiệu quả kinh tế cao, trước hết phải duy trì được đầu lợn. Công tác thú y phải đặc biệt quan tâm, tiêm vắcxin phòng dịch cho lợn mẹ, lợn con phải thật đầy đủ, đúng lịch thú y, không được chủ quan khinh suất, không thể tiếc tiền. Giá vắcxin chất lượng tốt thường khá đắt, sử dụng các loại này sẽ làm tăng chi phí chăn nuôi, giảm lợi nhuận, nên không ít trang trại đang còn so đo tính toán, nhất là vào những lúc giá lợn giống xuống thấp.

Thường xuyên chăn nuôi với quy mô hàng trăm con mỗi lứa, môi trường chăn nuôi không thể đảm bảo nên ngoài đầu tư  2 bể biogas có dung tích 100 m3, mới đây anh Toản còn đăng ký xây dựng mô hình ứng dụng hệ thống sàng rung để tách chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ do Dự án Hỗ trợ Nông nghiệp các bon thấp (Dự án LCASP) triển khai.

Mô hình đã giảm sự quá tải khi chất thải xả xuống bể biogas, giảm thải ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi lợn nhằm tăng cường khả năng thu gom chất thải chăn nuôi làm phân bón hữu cơ. Khi chất thải rắn được tách riêng sau đó ủ với men vi sinh làm phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng của gia đình và bán cho những hộ trồng cây ăn quả trên địa bàn tạo nguồn thu nhập cho người chăn nuôi.

Mặc dù mới đi vào vận hành hệ thống máy sàng rung, song mô hình được nhiều hộ chăn nuôi trong vùng đến tham quan học tập kinh nghiệm bởi hiệu quả bảo vệ môi trường mà nó mang lại.

Việc nhân rộng công nghệ chăn nuôi lợn ứng dụng hệ thống sàng rung để tách chất thải rắn làm nguyên liệu sản xuất phân bón hữu cơ sẽ giúp mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế, môi trường và xã hội – vừa thu gom 100% lượng chất thải chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ nhằm phục vụ mục tiêu phát triển phân bón hữu cơ của Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời giúp giảm ô nhiễm môi trường chăn nuôi ở nông thôn.

Khôi phục đàn lợn sau dịch

Trong buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và PTNT mới đây, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải cho biết, do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, đàn lợn nái của tỉnh hiện tại chỉ còn khoảng 48% so với thời điểm trước dịch, việc sản xuất giống gặp khó khăn, con giống khan hiếm, giá con giống tăng cao gây khó khăn cho việc tái đàn.

Sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát, tỉnh đã chủ động triển khai công tác tái đàn; chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNN hướng dẫn các địa phương thực hiện tái đàn hợp lý, đảm bảo tuân thủ các quy định an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh… Những cơ sở chăn nuôi có khả năng tái đàn lợn nái cao, tỉnh chỉ đạo tập trung để phát triển, đảm bảo tái đàn hiệu quả, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Hiện tại, tổng đàn lợn của Bắc Giang có khoảng 900 nghìn con, đạt 81,5% so với thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh. Mặc dù tổng đàn lợn trên địa bàn lớn nhưng hệ thống chuồng trại không đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, làm ảnh hưởng lớn đến việc tái đàn lợn để phòng, chống dịch. Vì vậy, tỉnh đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ các trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn giống đảm bảo chất lượng phục vụ chăn nuôi phát triển bền vững.

Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và PTNT cho biết, trong đợt dịch tả lợn châu Phi vừa qua, Bắc Giang là một trong những địa phương trong cả nước thiệt hại tương đối lớn, khoảng 14.700 tấn lợn bị tiêu hủy. Song việc tái đàn đã được tỉnh nhanh chóng chỉ đạo triển khai, điều đó thể hiện sự vào cuộc tích cực của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang trong việc khôi phục chăn nuôi sau dịch bệnh.

Tuy nhiên, để làm tốt công tác tái đàn sau dịch bệnh, trước mắt lãnh đạo tỉnh phải chỉ đạo các địa phương tập trung thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng, trong đó chú trọng vào vùng có nguy cơ cao. Ngành Nông nghiệp và PTNN tỉnh cần tiếp tục hướng dẫn các hộ sản xuất, kinh doanh, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quan tâm đến đàn lợn giống, phát triển quy mô trạng trại thông qua các gói chính sách tín dụng trong nông nghiệp, nhất là chính sách trong chăn nuôi. Các cơ sở sản xuất, chăn nuôi cũng cần quan tâm nhiều đến giống nội cho năng suất cao, chất lượng thịt tốt để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường…

Nguồn: hoinongdan.org.vn