Kết quả 2 năm thực hiện mô hình cây ba kích tím dưới tán cây lâm nghiệp

Lượt xem: 111

Để mô hình thực hiện bảo đảm tính khoa học và hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh đã thành lập nhóm nghiên cứu, tổ chức khảo sát thực địa và lựa chọn địa điểm triển khai thực hiện. Qua kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã chọn 15 hộ tại thôn Đồng Chu, xã Yên Định, huyện Sơn Động tham gia thực hiện mô hình. Với phương châm “Cầm tay chỉ việc” giúp cán bộ và các hộ tham gia thực hiện mô hình có những kiến thức nhất định về quy trình trồng, chăm sóc và sinh trưởng của cây Ba kích, nhóm nghiên cứu đã tổ chức cho các hộ thăm quan mô hình trồng ba kích tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh và cấp phát 10.000 cây giống bảo đảm tiêu chuẩn cho các hộ dân tham gia mô hình.

Đồng chí Nguyễn Duy Lượng – Phó chủ tịch TT HND TW cùng lãnh đạo

Hội Nông dân tỉnh thăm quan mô hình

Sau một năm trồng và theo dõi quá trình sinh trưởng phát triển, cây ba kích đã hoàn toàn thích nghi với đất đai khí hậu, thổ nhưỡng của vùng đất nơi đây và bắt đầu hình thành củ. Xác định được những lợi ích về khoa học và kinh tế mà cây ba kích sẽ mang lại, năm 2013 Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã quyết định phê duyệt xây dựng mô hình vườn ươm Ba Kích ngay tại các hộ dân đã tham gia, đồng thời tiếp tục theo dõi quá trình phát triển của mô hình đã triển khai trồng trên thực địa. Để có kinh nghiệm xây dựng vườn ươm, kỹ thuật nhân giống, nhóm nghiên cứu đã tổ chức cho các hộ tham gia đi thăm quan mô hình vườn ươm giống quy mô hộ gia đình có nhiều năm kinh nghiệm, tại Tam Dương, Vĩnh Phúc và tổ chức tập huấn kỹ thuật về xây dựng vườn ươm, nhân giống ba kích. Trên cơ sở các hộ đã tham gia mô hình trồng cây Ba kích, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn hom giống để đưa vào vườn ươm.

Sau hơn 4 tháng chăm sóc và thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, đến nay số lượng hom đạt tiêu chuẩn để đưa ra trồng đạt hơn 90%. Đánh giá về kết quả bước đầu của mô hình vườn ươm, anh Lã Văn Quang người đã trực tiếp tham gia xây dựng vườn ươm cho biết: “Trước đây, chúng tôi chỉ biết đến cây Ba kích sống trong tự nhiên, nay ngoài việc đưa về trồng dưới tán cây lâm nghiệp và cây ăn quả tại vườn nhà, chúng tôi còn xây dựng vườn ươm để nhân giống ngay tại mô hình. Hơn nưa các cây đều sinh trưởng và phát triển hoàn toàn bình thường, có thể nói đây là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân miền núi “. Chia sẻ với chúng tôi về kỹ thuật cũng như quy trình trồng cây Ba kích, anh Quang cho biết “Cây Ba kích là loại cây ưa mát, và cần có độ ẩm vừa phải để sinh trưởng, giai đoạn cây non mới mang ra trồng trên thực địa cần phải làm giàn che mát, tránh để ánh nắng chiếu trực tiếp vào cây, thường xuyên tưới nước bảo đảm độ ẩm để cây sinh trưởng và phát triển tốt”

Sang năm thứ hai thực hiện mô hình, đến nay mỗi gốc Ba kích có thể đạt 0,6 – 0,8 kg trên 1 gốc. Anh Chu Văn Tuyển, người tham gia mô hình cho biết “Nếu giá của Ba kích khoảng 200.000đ/1kg, gia đình tôi trồng 700 gốc, mỗi gốc năm thứ 3 có thể đạt 1- 2kg đến khi thu hoạch nhà tôi được gần 1 tấn và thu khoảng 200.000 triệu đồng thì không những thoát nghèo mà từ nay có thể làm giàu từ cây Ba kích”. Tiếng lành đồn xa, năm 2013 đã có hơn 10 đoàn khách từ các tỉnh, huyện lân cận đến thăm quan và học tập mô hình. Đặc biệt mô hình đã được đồng chí Bùi Văn Hạnh – Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, đồng chí Nguyễn Duy Lượng – Phó chủ tịch Thường trực Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp đến thăm và đánh giá cao hiệu quả của mô hình. Các đồng chí đã nhấn mạnh đây là một hướng đi mới trong phát triển kinh tế của vườn rừng của người dân các xã vùng cao của huyện Sơn Động đồng thời các đồng chí cũng đề nghị Hội Nông dân tỉnh tiếp tục quan tâm, tìm các giải pháp nhằm nhân rộng mô hình trên địa bàn huyện cũng như các vùng lân cận để giúp bà con nông dân chuyển đổi cơ cấu kinh tế, ổn định đời sống và vươn lên làm giàu.

Có thể nói, việc thực hiện mô hình trồng và chăm sóc cây Ba kích dưới tán cây lâm nghiệp và cây ăn quả bước đầu đã mang lại kết quả nhất định, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của bà con nông dân. Mô hình không chỉ góp phần bảo tồn một loại dược liệu quý mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tiễn ở địa phương; từng bước thay đổi tập quán canh tác, đưa người nông dân vùng cao chuyển từ sản xuất tự phát sang tập trung theo vùng sản xuất hàng hóa, phát triển lực lực sản xuất, từng bước làm thay đổi quan hệ sản xuất phù hợp, để nông dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế. Đồng thời càng khẳng định rõ vị thế và vai trò của tổ chức Hội Nông dân trong việc trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình đề án phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và xây dựng nông thôn mới tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020.

Vũ Duy Khải – HND tỉnh Bắc Giang