Hiệu quả từ hoạt động Câu lạc bộ nông dân với pháp luật

Lượt xem: 134

Đây là mô hình hoạt động tự nguyện của hội viên, nông dân trên cơ sở hướng dẫn thành lập của Hội, dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp uỷ Đảng, sự tạo điều kiện của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương, do vậy các mô hình được thành lập luôn duy trì hoạt động và mang lại hiệu quả.

Đến nay, hầu hết các huyện thành phố đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện 26/2001/CT-TTg (gọi tắt là BCĐ chỉ thị 26), đồng thời chỉ đạo cơ sở thành lập Ban chỉ đạo cấp xã, xây dựng và nhân rộng được 154 CLB “Nông dân với pháp luật” với gần 5 nghìn thành viên tham gia làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại địa phương. Theo Quy chế hoạt động của CLB, Ban Chủ nhiệm tổ chức sinh hoạt CLB định kỳ từ 1 đến 3 tháng một lần, nội dung sinh hoạt chủ yếu tập trung vào việc tuyên truyền, phổ biến một số chuyên đề pháp luật phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương như: Luật Đất đai, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Hôn nhân gia đình, Luật Dân sự, Luật Môi trường và các văn bản liên quan đến các chính sách mới của Đảng, Nhà nước và địa phương, việc thực hiện Quy chế dân chủ tại cơ sở, xây dựng gia đình nông dân văn hoá, Ban Chủ nhiệm giải đáp những vướng mắc, những mâu thuẫn phát sinh ngay từ các các thôn, bản, đồng thời tổng hợp những ý kiến đề xuất, kiến nghị, thắc mắc của bà con nông dân, đề nghị Ban chỉ đạo chỉ thị số 26 xã và Thường trực Đảng uỷ, UBND xã có những phương pháp giải quyết phù hợp…

Hàng năm, các thành viên CLB đều được trang bị tài liệu, tham dự các lớp tập huấn kiến thức pháp luật, tham gia các cuộc thi như: Nông dân tìm hiểu kiến thức pháp luật, Nhà nông đua tài, An toàn giao thông…do Hội Nông dân các cấp phối hợp với Ban Chỉ đạo chỉ thị số 26 huyện, xã phối hợp tổ chức, đã thu hút hàng vạn cán bộ, hội viên nông dân tham gia. Hiện nay, cơ bản các xã, phường, thị trấn được trang bị tủ sách, ngăn sách pháp luật từ 30 đến 40 đầu sách trở lên liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn và các hoạt động của chính quyền địa phương, số đầu sách pháp luật được bổ sung thường xuyên hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, hội viên nông dân địa phương nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác kiến thức pháp luật. Từ đầu năm 2011 đến nay Ban Chủ nhiệm các CLB đã phối hợp với chính quyền các cấp tham gia tiếp dân, giải quyết 288 đơn thư khiếu nại, tố cáo, các thành viên CLB tham gia hoà giải 498 vụ trong nội bộ nông dân.

Trong các buổi sinh hoạt, Ban Chủ nhiệm CLB thường xuyên mời cán bộ của Sở Tư pháp, Hội Nông dân tỉnh, huyện về hướng dẫn, tư vấn, giải đáp cụ thể cho hội viên nông dân những vấn đề còn vướng mắc hay những điều luật nào chưa rõ để nâng cao kiến thức về pháp luật cho hội viên, nông dân. Ngoài ra, CLB còn sắp xếp, tổ chức cho hội viên sinh hoạt theo chuyên đề và lấy ý kiến đóng góp cho buổi sinh hoạt thêm phong phú, thể hiện tính dân chủ. Nhờ đó, nhận thức về pháp luật của hội viên nông dân được nâng cao, một số vướng mắc được giải đáp. Hàng năm, các CLB tổ chức tổng kết, đánh giá kết quả, rút kinh nghiệm sau 1 năm hoạt động.

Từ thực tiễn hoạt động, mỗi thành viên CLB đã trở thành một tuyên truyền viên tích cực có nhiệm vụ hướng dẫn, tư vấn, giải thích những vướng mắc về pháp luật cho nông dân tại cơ sở, giúp họ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Qua đó, góp phần giảm thiểu vi phạm pháp luật, đơn thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp, hạn chế gia tăng tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương. Từ những mô hình CLB điểm được thành lập ở 10 huyện, thành phố, trong những năm tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục chỉ đạo nhân rộng các mô hình CLB ra các xã trong toàn tỉnh.

Để duy trì và phát triển theo hướng ổn định, bền vững, hiệu quả, trong thời gian tới Hội Nông dân các cấp cần phối hợp với Ban chỉ đạo chỉ thị số 26 các cấp chỉ đạo các CLB “Nông dân với pháp luật” thường xuyên đổi mới nội dung, phương pháp sinh hoạt, nâng cao chất lượng sinh hoạt để CLB thực sự là nơi sinh hoạt chính trị, pháp lý tự nguyện của cán bộ, hội viên, nông dân.

Thu Phương