CHUYỂN BIẾN TRONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI CỦA TỈNH BẮC GIANG

Lượt xem: 93

Việc phát triển nông nghiệp chưa thực sự tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Tuy nhiên từ khi có Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, đặc biệt là việc ban hành Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta nói chung, và phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang đang dần có những chuyển biến tích cực.

Hội đồng thẩm định xã đạt chuẩn NTM thăm quan mô hình kinh tế của hộ ông Hồ Việt Hoa xã Liên sơn, Tân Yên

Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng mà nhiệm vụ trọng tâm chính là làm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân nông thôn về quyền làm chủ của chính bản thân, cái đích cuối cùng chính là nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Vì vậy, có thể khẳng định rằng: Chuyển biến lớn nhất trong xây dựng nông thôn mới chính là thay đổi về mặt tư duy, nhận thức của người dân nông thôn. Từ việc người nông dân có trình độ, tư duy đúng hướng sẽ có cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả.

Xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững cũng là nhiệm vụ được Bắc Giang xác định ngay từ công tác triển khai thực hiện Chương trình. Để thực hiện có hiệu quả công tác này, nhân tố con người là quan trọng nhất: Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động sâu rộng trong xã hội về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của chương trình, nhằm cung cấp đầy đủ thông tin cho các cấp, các ngành, địa phương và toàn thể nhân dân hiểu được vấn đề xây dựng nông thôn mới. Cần tăng cường xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ tham gia xây dựng nông thôn mới các cấp, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp xã và cấp thôn. Đồng thời chú trọng việc gắn kết trong cộng đồng dân cư, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân nông thôn và phong trào thi đua xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới ở địa phương; Bên cạnh đó, cần phát huy tính dân chủ trong xây dựng nông thôn mới, thực hiện nguyên tắc “dân biết, dân bàn, dân tham gia, dân kiểm tra và dân hưởng lợi“.

Ngay từ đầu, công tác quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp đã được tỉnh Bắc Giang quan tâm triển khai thực hiện, là cơ sở hình thành và thúc đẩy một số vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá, tạo thành vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích gần 45.000 ha với doanh thu mỗi năm từ 4-5 ngàn tỷ đồng như: mô hình trồng cam đường canh, mô hình trồng bưởi diễn, mô hình trồng na dai, sản xuất rau chế biến… Triển khai được trên 200 mô hình phát triển sản xuất tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, phù hợp với định hướng sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Công tác dồn điền đổi thửa gắn với quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng cánh đồng mẫu, cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp tiếp tục được quan tâm chú trọng. Theo báo cáo của các huyện, thành phố đến tháng 11/2014 các địa phương đã thực hiện giao ruộng ngoài thực địa được 2.040,47 ha, đạt 95,62% kế hoạch tỉnh giao, dự kiến hết năm 2014 toàn tỉnh thực hiện được 2784,52 ha; Triển khai 53 cánh đồng mẫu, gồm có 07 cánh đồng 50 ha trở lên, 36 cánh đồng từ 30-dưới 50, 10 cánh đồng từ 20 đến dưới 30 ha, qua đánh giá, 100% diện tích được áp dụng cơ giới hoá khâu làm đất, có liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp, góp phần giảm chi phí đầu vào sản xuất, hiệu quả kinh tế tăng tối thiểu 20% so với sản xuất đại trà, nhiều cánh đồng cho giá trị tăng trên 50% (do tăng năng suất, chất lượng, đồng thời giảm chi phí đầu vào như: công làm đất, thu hoạch, giống, phân bón, thuốc trừ sâu…)

Đặc biệt với tinh thần chủ động, tích cực cùng sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và sự giám sát của HĐND, sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban MTTQ cùng cấp, ngành, đoàn thể đặc biệt là sự vào cuộc của nhân dân, sau gần 4 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, nông thôn Bắc Giang đã có sự chuyển biến rõ rệt:

Thứ nhất; Bộ máy quản lý chỉ đạo Chương trình các cấp được kiện toàn, công tác kiểm tra giám sát thực hiện được duy trì, thực hiện thường xuyên; Cán bộ làm công tác xây dựng NTM được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ nâng cao năng lực quản lý, chỉ đạo thực hiện Chương trình; một số địa phương đã sáng tạo chủ động trong quá trình triển khai thực hiện; Công tác tuyên truyền được phổ biến kịp thời nên người dân tích cực trong đóng góp ngày công, hiến đất, tiền mặt, phá bỏ tường rào… để làm các công trình công cộng trong xây dựng NTM.

Thứ hai; Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được nhiều địa phương quan tâm thực hiện; đã tạo nên diện mạo mới cho nông thôn khang trang sạch đẹp hơn. Trong 40 xã thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015, đã có hàng ngàn công trình được triển khai thực hiện, chỉ tính riêng năm 2014 đã có 598 công trình được sửa chữa, xây mới…

Thứ ba; Bước đầu triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, chính sách phát triển sản xuất nông nghiệp; công tác chuyển giao khoa học tiến bộ được quan tâm; hình thành được các cánh đồng cho thu nhập cao, liên kết 4 nhà trong sản xuất tiếp tục được duy trì, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống của người dân nông thôn.

Thứ tư; Văn hóa xã hội, giáo dục, y tế tiếp tục được quan tâm đầu tư, đáp ứng ngày càng tốt hơn các hoạt động thể dục thể thao và chăm sóc sức khỏe cho người dân nông thôn; công tác an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh được giữ vững; đời sống người dân nông thôn được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm.

Dự kiến hết năm 2014, tỉnh Bắc Giang có thêm 13 xã đạt chuẩn NTM, tăng 03 xã so với kế hoạch; nâng số xã đạt chuẩn NTM tỉnh Bắc Giang là 15 xã (bao gồm cả xã Tân Thịnh – xã điểm của Ban bí thư), đạt 7,4%. Toàn tỉnh bình quân đạt 11,5 tiêu chí, tăng 1,3 tiêu chí so với năm 2013. Hết năm 2014 đạt 16,8 tiêu chí, tăng 1,9 tiêu chí so với năm 2013, hoàn thành kế hoạch đạt từ 2-3 tiêu chí.

Với sự thay đổi nhận thức từ tư duy tới bước đi, cách làm… Bằng những những kết quả đã đạt được cho chúng ta thấy chuyển biến trong xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang là khá tích cực và rõ nét. Bộ mặt nông thôn mới đã có những thay đổi không chỉ về diện mạo mà còn ở bản chất, tư duy và ý thức người nông dân. Trong thời gian tới, cùng với việc hoàn thiện các tiêu chí tại các xã xây dựng NTM, Bắc Giang tiếp tục quan tâm sớm hoàn thành Đề án tái cơ cấu Nông nghiệp, ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa và sản xuất hàng hóa xuất khẩu để hướng tới mục tiêu mang lại đời sống ấm no cho người dân nông thôn. Đó không chỉ là nhiệm vụ của một ngành, một địa phương, mà chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp, ngành, đoàn thể của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở để Chương trình xây dựng NTM thực sự đi vào lòng dân.

N.V.D