KẾT QUẢ MỘT NĂM THỰC HIỆN DỰ ÁN KHOA HỌC XỬ LÝ VẢI THIỀU RA QUẢ TRÊN THÂN CÂY

Lượt xem: 122

Cây vải luôn được xác định là cây mũi nhọn trong xóa đói giảm nghèo và làm giàu của người dân nơi đây. Cho đến nay phần lớn diện tích vải thiều trên toàn huyện được chăm sóc theo phương pháp truyền thống, nhưng những cây có độ tuổi cao từ 25 đến 30 năm tuổi đã bộc lộ những nhược điểm như: thân cây cao, tán cây rậm rạp và không đồng đều; cành la, cành võng, cành sâu bệnh; tỷ lệ ra hoa, đậu quả thấp, mẫu mã xấu, chất lượng quả kém, sản lượng không cao, dẫn đến giá bán thấp, ảnh hưởng đến thu nhập của người trồng vải.

Đồng chí Lã Văn Đoàn – Phó chủ tịch Thường trực HND tỉnh, chủ nhiệm Dự án thăm và kiểm tra mô hình

Xuất phát từ thực tiễn sản xuất và để nâng cao hiệu quả cho người trồng vải, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài nước. Năm 2015, Hội Nông dân tỉnh đề xuất và được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam quyết định phê duyệt Dự án khoa học “Xây dựng mô hình vải thiều ra quả trên thân cây ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang“; với tổng kinh phí 300 triệu đồng, thực hiện trong hai năm (2015-2016). Với việc triển khai thực hiện dự án sẽ từng bước ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xử lý cho vải thiều ra quả trên thân; đánh giá hiệu quả kinh tế mang lại so với phương pháp canh tác truyền thống, đồng thời xây dựng hướng dẫn kỹ thuật về phương pháp xử lý vải thiều ra quả trên thân cây áp dụng tiêu chuẩn VietGap phù hợp với điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác của địa phương.

Để dự án được thực hiện bảo đảm tính khoa học và hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh đã tiến hành tổ chức khảo sát thực địa và lựa chọn địa điểm triển khai. Qua kết quả khảo sát, nhóm nghiên cứu đã lựa chọn được 04 hộ tại xã Giáp Sơn, huyện Lục Ngạn có diện tích phù hợp (02ha) với tổng số 440 cây có độ tuổi trên 25 năm. Những hộ được lựa chọn đã có nhiều năm kinh nghiệm, rất tâm huyết trong sản xuất vải thiều tại địa phương và tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện mô hình. Với phương châm cầm tay chỉ việc cùng với sự tham gia tích cực của các hộ dân đã có kinh nghiệm trong việc áp dụng phương pháp xử lý vải thiều ra quả trên thân, nhóm nghiên cứu đã tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật đốn tỉa, tạo tán, bón phân, dọn vườn sau thu hoạch và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, xử lý các đợt lộc hè, lộc thu; kỹ thuật điều chỉnh vị trí ra quả trên thân, làm sao cho quả ra đều, to, mẫu mã đẹp, năng suất cao; kỹ thuật khoanh thân, thời gian khoanh; phương pháp chăm sóc hoa và quả non; cách phòng trừ sâu bệnh theo tiêu chuẩn VietGap; tổ chức cấp phát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia xây dựng mô hình.

Kết quả, sau một năm triển khai thực hiện, các hộ tham gia mô hình đã áp dụng đúng hướng dẫn kỹ thuật của nhóm nghiên cứu. Qua kiểm tra, theo dõi quá trình chăm sóc, sinh trưởng và phát triển của diện tích vải thiều tham gia mô hình cho thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, các hộ xử lý đúng quy trình, kỹ thuật nên lộc ra đều trên các thân, cành. Ông Trương Minh Hải một hộ trực tiếp tham gia mô hình cho biết: việc áp dụng phương pháp xử lý vải thiều ra quả trên thân tuy không khó, nhưng nếu áp dụng không đúng quy trình kỹ thuật sẽ không cho kết quả cao, đây là một phương pháp làm mới giảm được nhiều công và chi phí cho quá trình chăm sóc. Đặc biệt, áp dụng phương pháp này, cây vải ít sâu bệnh, thu hoạch dễ, sản lượng ổn định, mẫu mã quả đẹp, chất lượng quả tốt, giá bán cao hơn so với quả vải canh tác theo phương pháp truyền thống và cây vải luôn khỏe mạnh để bà con có thể chăm sóc, sản xuất vụ sau hiệu quả hơn.

Dự án khoa học “Xây dựng mô hình vải thiều ra quả trên thân cây ở huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang” bước đầu được cấp ủy, chính quyền địa phương đánh giá cao, các hộ dân đồng tình hưởng ứng bởi phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của người dân trồng vải nơi đây. Trong quá trình triền khai thực hiện dự án, sẽ góp phần giữ gìn và nâng cao giá trị thương hiệu vải thiều Lục Ngạn, từng bước thay đổi tập quán canh tác, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm vải thiều theo hướng sản xuất GlobalGap. Dự án thành công là cơ sở nâng cao vai trò của Hội Nông dân các cấp trong nghiên cứu khoa học và thực hiện có hiệu quả Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình, đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020“./.

Duy Khải