Hiệu quả từ mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ

Lượt xem: 92

Dự án bắt đầu thực hiện từ đầu năm 2006 với 20 hộ nông dân xã Thanh Hải tham gia sản xuất vải thiều trên quy mô 2 ha. Tham gia dự án, các hộ được dự các lớp ” huấn luyện nông dân” sản xuất theo phương pháp canh tác nông nghiệp hữu cơ; thực hành làm các thí nghiệm như trồng xen đậu xanh và đậu tương với cây vải; ảnh hưởng của thuốc sinh học với trừ bệnh cây vải; quản lý dịch hại đối với cây vải,…Trên cơ sở đó, các hộ đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình kỹ thụât canh tác như sản xuất phân bón (phân ủ) tại chỗ; nuôi các côn trùng có ích và giữ gìn đa dạng sinh học; sử dụng các loại thuốc phòng trừ sâu bệnh sinh học để kiểm soát sâu bệnh và cỏ dại; thiết kế khu vườn trồng bằng cắt tỉa, tạo tán… Với nhiều lợi ích như chất lượng quả vải thiều cao hơn, bán được giá cao hơn, được tiêu thụ tốt hơn, tăng độ phì nhiêu cho đất và bảo vệ môi trường. Đến nay, mô hình này đã được duy trì, nhân rộng và phát huy hiệu quả, ngày càng có nhiều hộ địa phương tự nguyện áp dụng vào sản xuất.

Để mở rộng quy mô dự án và phát huy mô hình “nông dân dạy nông dân”, Ban quản lý dự án TW đã lựa chọn 6 nông dân có kinh nghiệm và trình độ sản xuất nông nghiệp tham gia khoá đào tạo “giảng viên nông dân ” với thời gian là 5 tháng. Sau khoá học, họ là những giảng viên trực tiếp tuyên truyền, giảng dạy, hướng dẫn nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp theo phương pháp hữu cơ. Kết quả, đã tổ chức 8 lớp huấn luyện cho 200 hộ nông dân tham gia về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên cây vải và cây rau tại xã Thanh Hải, Hồng Giang (Lục Ngạn) và xã Tân Thanh, Tiên Lục (Lạng Giang). Nông dân được tham gia huấn luyện các nội dung: quản lý dinh dưỡng đất; nước; sâu bệnh và cỏ dại; mùa vụ và cây trồng; quản lý và nuôi dưỡng vật nuôi,…Canh tác nông nghiệp hữu cơ trên cây vải thiều và cây rau là mô hình điểm để nông dân thực hành, so sánh về kỹ thuật, hiệu quả giữa mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ với sản xuất thông thường. Kết thúc khóa huấn luyện, 100% nông dân đều đạt yêu cầu, được cấp chứng chỉ về kỹ thụât canh tác hữu cơ, hình thành 4 nhóm nông dân sản xuất hữu cơ trên 10 ha vải thiều và 2ha cây rau. Thông qua canh tác hữu cơ, đã đem lại thu nhập cao cho nhiều hộ nông dân, điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Đương xã Hồng Giang (Lục Ngạn) thu nhập từ trồng vải hữu cơ trên 100 triệu đồng; Trịnh Văn Phúc, Nguyễn Văn Vương xã Tân Thanh ( Lạng Giang) đã là nhà cung cấp rau hữu cơ có uy tín cho một số cửa hàng rau sạch ở Hà Nội thu nhập gần 100 triệu đồng/ năm,…

Sau 5 năm thực hiện, dự án đã xây dựng được hệ thống canh tác hữu cơ trên cây vải thiều, cây rau và xây dựng các địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng các sản phẩm hữu cơ. Đồng thời, thông qua hoạt động dự án đã nâng cao nhận thức và kiến thức về nông nghiệp hữu cơ cho nông dân tham gia dự án nói riêng và nông dân trong tỉnh nói chung, giúp họ chuyển dần từ canh tác truyền thống sử dụng nhiều phân bón và thuốc trừ sâu hoá học sang sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thành lập được các nhóm nông dân biết gắn kết sản xuất với thị trường, liên kết với các doanh nghiệp, người tiêu dùng tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ.

Để tiếp tục nhân rộng diện tích canh tác theo phương pháp sản xuất nông nghiệp hữu cơ, trong thời gian tới Hội Nông dân tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn nông dân kỹ thuật sản xuất nông nghiệp hữu cơ; thành lập các nhóm nông dân; liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp tạo thị trường tiêu thụ; tranh thủ các nguồn lực để đầu tư hỗ trợ, duy trì và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ đồng thời tích cực tham gia các hoạt động vận động việc thành lập hiệp hội hữu cơ Việt Nam.

Sơn Hải

Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang