Quyết tâm làm giàu từ trồng trọt

Lượt xem: 93

Mô hình trồng cam Đường Canh và cam Vinh của gia đình chị Hằng

(áo đỏ đứng thứ 4 từ phải sang)

Đến thăm mô hình và cơ ngơi của vợ chồng anh chị, chúng tôi mới thấy hết sự năng động, dám nghĩ dám làm của người nông dân “biến vùng đất đá cằn cỗi thành vườn cam sum suê”. Cũng giống như nhiều vợ chồng trẻ nơi đây, sau khi kết hôn bố mẹ cho ra ở riêng với “vốn” ban đầu là 07 ha đất vườn, rừng. Vợ chồng anh chị đưa vào trồng 03 ha vải và 04 ha rừng thông. Tuy nhiên, khi được thu hoạch, do chất đất kém nên mã quả vải xấu bán không được giá. Bên cạnh đó, giá lao động thuê thu hoạch vải cao. Chính vì vậy, hiệu quả kinh tế từ vườn vải mang lại không cao. Không khuất phục trước những khó khăn, anh chị chủ động tìm hiểu, thăm quan những mô hình cho hiệu quả kinh tế cao ở các địa phương trong huyện; học tập kỹ thuật, kinh nghiệm trên mạng internet, qua sách báo…. Năm 2012, kết hợp với điều kiện thực tế của gia đình, anh chị quyết định cải tạo đất, mạnh dạn chuyển đổi dần diện tích trồng vải sang trồng cam Đường canh và cam Vinh. Anh chị cho biết: khi bắt đầu chặt bỏ cây vải để trồng cam, nhiều người dân trong thôn bàn tán nói vợ chồng anh chị có “vấn đề về thần kinh” hay sao mà phá những cây vải đang tươi tốt để trồng cam, chẳng biết có nên cơm cháo gì không.

Thế nhưng bằng sự cần cù lao động, ham học hỏi những kiến thức kỹ thuật mới áp dụng vào thực tiễn và quyết tâm làm giàu, anh chị đã chứng minh cho người dân nơi đây thấy sự lựa chọn hướng đi đúng đắn trong quyết định chặt bỏ gần 900 cây vải sang trồng hơn 1 nghìn cây cam Đường Canh và cam Vinh. Năm đầu, vườn cam của gia đình anh chị đã cho thu hoạch 4 tấn quả. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, từ trồng thử đến trồng đại trà, đến nay vườn cam của vợ chồng anh chị đã cho thu nhập bình quân trừ chi phí lãi 200 triệu đồng/năm. Nói về kỹ thuật và kinh nghiệm trồng cam, anh chị chia sẻ: cam Đường Canh so với cây vải mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều, nhưng không phải ai cũng trồng được. Cây cam rất nhạy cảm với thời tiết và sâu bệnh, đòi hỏi người trồng phải cần cù, chịu khó và phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật. Cây cam hay mắc các bệnh rệp, vàng lá gân xanh…do đó khi mới bắt đầu trồng gia đình tôi gặp không ít khó khăn, ngoài việc học hỏi kinh nghiệm của những nhà vườn khác, vợ chồng tôi thường xuyên tìm hiểu qua sách, báo, lên mạng internet để tìm hiểu kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng tham gia đầy đủ các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật do Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và Khuyến nông tổ chức để tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Chính nhờ có kỹ thuật chăm sóc tốt nên vườn cam của gia đình anh, chị bao giờ cũng bán được giá, thương lái vào tận vườn thu mua với giá bình quân từ 40 đến 45 nghìn đồng/ kg.

Được biết, những năm gần đây, xuất phát từ giá trị kinh tế cao của một số loại cây có múi mang lại, chính quyền và nhiều người dân trên địa bàn huyện Lục Ngạn đã chủ động mở rộng diện tích sản xuất cây ăn quả đặc sản cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn. Theo đó, loại cây ăn quả có múi này đã phát triển nhanh và hình thành vùng, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Đến năm 2013, Lục Ngạn đã trồng được gần 800ha cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi Diễn (tăng khoảng 200 ha so với năm 2012), trong đó có 507ha cho thu hoạch. Nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi, cộng với việc người dân đã áp dụng tốt kiến thức khoa học kỹ thuật vào chăm sóc nên cam Đường Canh, bưởi Diễn được mùa. Cùng đó, do chất lượng quả cam Đường Canh, bưởi Diễn trên địa bàn huyện Lục Ngạn thơm ngon nổi tiếng, được khách hàng ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh… ưa chuộng nên việc tiêu thụ thuận lợi và được giá cao. Vào vụ thu hoạch quả, tiểu thương ở các nơi thường đi đến tận các vườn cam Canh, bưởi Diễn ở Lục Ngạn rồi đặt tiền thu mua sản phẩm (*). Năm 2012, 2013 Hội Nông dân tỉnh đã triển khai 02 dự án trồng và chăm sóc cam Đường Canh, cam Vinh tại xã Thanh Hải và Tân Quang với nguồn vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 01 tỷ đồng. Năm 2014 Hội Nông dân tỉnh tiếp tục triển khai 02 dự án “Trồng và chăm sóc cây cam Đường Canh” tại 02 xã Đồng Cốc và Tân Mộc của huyện Lục Ngạn với nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân Trung ương Hội ủy thác 600 triệu đồng (*).

Hy vọng với thị trường ổn định, được giá, mô hình cây cam Đường Canh, cam Vinh, bưởi diễn sẽ mang lại cuộc sống ấm no, sung túc cho gia đình vợ chồng chị Hằng, anh Cường nói riêng và những hộ trồng cam nói chung.

Bảo Tú Quyên

(*) Nguồn tư liệu: Cổng thông tin điện tử Huyện Lục Ngạn