EU đóng cửa biên giới, xuất khẩu nông sản sẽ ảnh hưởng ra sao?

Lượt xem: 96
Việc EU đóng cửa biên giới 30 ngày có thể ảnh hưởng đến lưu thông, vận chuyển hàng hóa. Ảnh: Reuters.

EU đóng cửa biên giới 30 ngày chặn Covid-19

Tối 17/3, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel thông báo các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí quyết định đóng cửa biên giới ngoài EU trong 30 ngày đối với những người không phải là công dân của khối để ngăn chặn đại dịch.

“Kẻ thù là nCoV và chúng ta phải làm hết sức để bảo vệ người dân, cũng như nền kinh tế. Chúng tôi sẵn sàng làm mọi điều cần thiết và không ngần ngại áp dụng các biện pháp bổ sung nếu tình hình thay đổi” – Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết trong cuộc họp báo tối 17/3.

Theo đó, những người không phải công dân EU sẽ không được nhập cảnh vào khu vực này trong ít nhất 30 ngày tới và có thể kéo dài nếu cần thiết.

Công dân EU, thân nhân của họ, các nhà ngoại giao, nhân viên, chuyên gia y tế và những người vận chuyển hàng hóa được miễn áp dụng quy định trên. Việc di chuyển trong nội khối được cho phép nhưng sẽ chịu những hạn chế nhất định.

EU thống nhất thiết lập các “tuyến đường xanh” ưu tiên cho giao thông thiết yếu để bảo đảm vận chuyển hàng hóa thông suốt. Điều này cũng áp dụng cho việc vận chuyển trang thiết bị y tế.

EU cũng tìm cách phối hợp mua thiết bị y tế chung cho các nước thành viên. Các quốc gia thành viên cũng sẽ phối hợp để hồi hương các công dân châu Âu bị mắc kẹt ở nước ngoài bởi vô số lệnh đóng cửa biên giới và cấm giao thông áp được đặt trước sự lan rộng của đại dịch.

Trong 2 ngày qua, một loạt các nước EU đã ra lệnh đóng cửa biên giới để ngăn dịch COVID-19 như Đức, Tây Ban Nha, Đan Mạch, Áo, CH Czech, Hungary… Ở chiều ngược lại, hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Mỹ, đã ra các lệnh cấm nhập cảnh hoặc hạn chế nhập cảnh với công dân đến từ các nước EU.

Tại Pháp, Tổng thống Macron đã ra lệnh cho người dân ở trong nhà, chỉ ra ngoài khi có các công việc cần thiết. Trước đó, Pháp đã cho đóng cửa trường học, quán cà phê và các cửa hàng bán đồ không thiết yếu. Yêu cầu này cũng đang được Italy, Tây Ban Nha, Đức,… thực hiện trước diễn biến phức tạp của Covid-19.

Xuất khẩu nông sản có ảnh hưởng?

Nhiều người đang tỏ ra lo lắng, liệu việc EU đóng cửa biên giới có ảnh hưởng đến xuất khẩu nông sản, hàng hóa sang EU bởi việc xuất khẩu bằng đường hàng không có thể bị ảnh hưởng đáng kể do nhiều chuyến bay bị hoãn, hủy hoặc cắt giảm.

Ngoài ra, vận tải nội khối cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do một số quốc gia siết quy định kiểm soát biên giới.

Các quy định liên quan đến kiểm soát dịch cũng có thể sẽ gây đình trệ việc ký kết các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới giữa Việt Nam với các đối tác EU; cản trở các hoạt động xúc tiến thương mại – đầu tư 2 bên; cản trở việc di chuyển của các chuyên gia và lao động trong những lĩnh vực bị hạn chế trong bối cảnh siết chặt cách ly để chống dịch.

Chủ tịch EC Ursula Von der Leyen cũng đã khẳng định, mọi hàng hóa, các dịch vụ cơ bản đến EU cần phải được tiếp tục lưu thông để bảo đảm nguồn cung ứng, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, linh kiện sản xuất, thuốc men.

Tuy nhiên, các biện pháp kiểm soát dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến tốc độ luân chuyển hàng hóa hoặc nhu cầu của thị trường.

Là thị trường trọng điểm thứ 2 của xuất khẩu nông sản Việt Nam, EU có đến 27 quốc gia thành viên, trong đó Việt Nam đã đưa nông sản đến 17 nước. Việc EU đóng cửa biên giới chắc chắn sẽ để lại nhiều ảnh hưởng do quá trình lưu thông chậm lại bởi thủ tục kiểm soát dịch bệnh ngặt nghèo.

Điều này cũng đã xảy ra với thị trường Trung Quốc hồi đầu tháng 2/2020 khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở nước này và ngành chức năng, các địa phương hai bên buộc phải gia tăng các biện pháp kiểm soát.

Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu quý I và II của Việt Nam sang EU có thể giảm từ 6% đến 8% nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài đến tháng 6. Trong khi đó, tăng trưởng xuất khẩu nửa cuối năm 2020 có thể khả quan hơn nếu bệnh dịch được đẩy lùi và EVFTA đi vào hiệu lực.

Trong năm 2019, lượng hàng hóa xuất khẩu sang EU qua đường biển đạt 20,5 tỷ Euro, đường hàng không đạt 14,5 tỷ Euro, đường sắt đạt 671 triệu Euro; trong khi nhập khẩu qua đường biển, đường hàng không và đường sắt lần lượt là 5,99 tỷ Euro, 3,56 tỷ Euro và 9 triệu Euro.
Nguồn: danviet