Chưa thể hài lòng nhưng không thể phủ nhận

Lượt xem: 89

Nhìn lại năm đầu tiên của Chính phủ đương nhiệm , GS Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế, tập trung phân tích việc thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực phát triển kinh tế.

GS Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam.

Ngay sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Chính phủ khóa XII đã kịp thời ban hành Nghị quyết 11-CP ngày 24/2/2011 về “kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội”. Nghị quyết này nhận được sự đồng tình của các chuyên gia trong và ngoài nước, được Bộ Chính trị tán thành trong kết luận 02-KL ngày 16/3/2011. Chính phủ mới nhận nhiệm vụ từ 7/2011 đã kế thừa được những kết quả điều hành của Chính phủ khóa trước. Không thể phủ nhận Nhiệm vụ đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ mới là thực hiện quyết liệt Nghị quyết 11-NQ, nhất là chặn đứng đà tăng lạm phát, mà trong 6 tháng đầu năm 2011 đã lên đến hơn 13%. Dù có nhiều thành viên mới, kể cả với các ngành kinh tế quan trọng như ngân hàng, tài chính, kế hoạch,… Chính phủ đã nhanh chóng bắt tay thực hiện đúng các quyết sách của Đại hội XI, các Nghị quyết của Quốc hội và nhất là Nghị quyết 11-CP. Nhờ thực hiện nghiêm chính sách tài khóa, hạn chế lượng cung tiền, điều chỉnh lãi suất linh hoạt và hàng loạt biện pháp kiên quyết khác về đẩy mạnh sản xuất, xuất khẩu, tái cơ cấu đầu tư và tiết kiệm chi tiêu công… nền kinh tế đã từng bước đi vào ổn định. Trong 6 tháng đầu năm 2012, CPI chỉ tăng thêm 2,5% (bằng một nửa của 6 tháng cuối năm 2011 – 5%), tạo điều kiện để ổn định tỷ giá, duy trì tốt các cân đối vĩ mô. Tính chung trong cả năm đầu của nhiệm kỳ Chính phủ mới, chỉ số giá tiêu dùng tháng 6/2012 tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2011, so với mức 13% trong 6 tháng cuối nhiệm kỳ Chính phủ trước. Đây là thắng lợi của sự chỉ đạo sát sao, tạo điều kiện thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10% của cả năm 2012, dù tình hình kinh tế thế giới có những diễn biến phức tạp, khó lường, nhất là các biến động của giá năng lượng và lương thực thực phẩm có thể lên xuống thất thường, tạo ra áp lực chi phí đẩy lên nền kinh tế. Từ hai tháng nay, lạm phát đã “âm”, giá đã giảm với hầu hết các mặt hàng quan trọng, nhất là lương thực thực phẩm, tạo thêm điều kiện để hạ lãi suất, thực hiện các chính sách về tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng. Như vậy có thể nói, về nhiệm vụ kiềm chế lạm phát, Chính phủ trong năm đầu thực thi nhiệm vụ đã làm tốt nhiệm vụ được giao, chủ yếu bằng các chính sách kinh tế vĩ mô khá đồng bộ. Đối với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, trong nhiệm kỳ mới, khi nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành, các địa phương phát huy các thế mạnh và tiềm năng để bảo đảm duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý. Dù công nghiệp gặp khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2012 chỉ tăng 4,5% so với cùng kỳ, giá trị sản xuất xây dựng giảm chút ít (giảm 0,4% so cùng kỳ), nhưng lĩnh vực dịch vụ vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khá, nhất là thương mại, nhà hàng và dịch vụ. Nếu trừ đi yếu tố tăng giá, tổng mức này tăng 6,5% trong 6 tháng đầu năm 2012, so với 5,7% của nửa đầu năm 2011. Quy mô vốn đầu tư dù đã được điều chỉnh, nhưng vẫn tăng 10,1% so cùng kỳ, nhất là khu vực ngoài Nhà nước. Xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh trong khó khăn, giúp mức nhập siêu chỉ bằng 1,3% kim ngạch xuất khẩu (nhập siêu cùng kỳ năm 2011 là 15,7% kim ngạch xuất khẩu). Tỷ lệ hàng tồn kho từng bước giảm bớt, từ trên 30% năm 2011 xuống còn 26%. Nhờ đó, nền kinh tế tăng trưởng 4,38% cho 6 tháng đầu năm 2012, trong đó quí II tăng mạnh hơn so với quý I (4,66% so với 4%). Cùng với tăng trưởng kinh tế, các cân đối vĩ mô cũng đạt được khá, như thâm hụt thương mại chỉ bằng 10,7% so với mức thâm hụt cùng kỳ, thấp hơn hẳn các năm trước. Dự trữ ngoại tệ cũng được cải thiện, tăng thêm 10 tỷ USD. Thâm hụt ngân sách giảm bớt cả về quy mô và tỷ lệ, đạt dưới 5% GDP. Đây chính là là những chỉ tiêu cực kỳ quan trọng, bảo đảm cho sự phát triển dài hạn của nền kinh tế, tạo điều kiện thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Đối với mục tiêu an sinh xã hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững, hỗ trợ các gia đình chính sách. Việc tạo việc làm, bảo đảm thu nhập người lao động cũng được chú ý. Theo báo cáo của các địa phương, tổng kinh phí dành cho hoạt động an sinh xã hội và giảm nghèo trong 6 tháng đầu năm 2012 là 2,7 nghìn tỷ đồng. Ở khu vực nông thôn, tình trạng thiếu đói giáp hạt từ đầu năm được cải thiện rõ rệt. Đối với người làm công ăn lương, mức lương tối thiểu tăng từ 830 nghìn đồng/tháng lên 1,05 triệu đồng/tháng từ 01/5/2012 áp dụng cho cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước cũng phần nào cải thiện đời sống cho người lao động. Như vậy, nhìn chung, các mục tiêu về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội, cũng như tinh thần và nội dung của các chỉ đạo trong Nghị quyết của Quốc hội và các Hội nghị Trung ương Đảng đã được Chính phủ nhiệm kỳ mới chăm lo chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt, với Nghị quyết 01/NQ-CP từ đầu năm 2012 và các nghị quyết tiếp theo về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, Với các chính sách đẩy mạnh tín dụng, giải ngân đầu tư công đúng kế hoạch, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp,… hoàn toàn có thể hy vọng kinh tế 6 tháng cuối năm 2012 sẽ phát triển cân đối, nhịp nhàng với việc kiềm chế lạm phát. Hơn nữa, ngay trong khi thực hiện các nhiệm vụ mang tính cấp bách, ngắn hạn, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành chuẩn bị tốt các đề án về tái cấu trúc nền kinh tế, bao gồm đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế để báo cáo xin ý kiến Quốc hội, cũng như xem xét thông qua hàng loạt các chỉ thị và đề án có liên quan đến cải cách doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công và tái cơ cấu các lĩnh vực về ngân hàng, tín dụng, nhất là ngân hàng thương mại. Cùng với việc chỉ đạo thực hiện các mục tiêu kinh tế, Chính phủ nhiệm kỳ mới trong năm qua cũng chú trọng đến việc thực hiện toàn diện các nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, như các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực hiện chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về biển Đông, giữ vững chủ quyền biển đảo Tổ quốc đã được cử tri cả nước đánh giá cao. Chính phủ tiếp tục nghiêm chỉnh thực hiện các cam kết về cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, lãng phí. Chính phủ cũng xem xét và ban hành hàng loạt quy hoạch ngành, vùng cho ngày càng đồng bộ hơn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện ba khâu đột phá chiến lược, hướng đến phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế trong điều kiện hội nhập. Việt Nam tích cực tham gia Hội nghị Rio+20 về phát triển bền vững, thực hiện hàng loạt giải pháp về ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu. Việc thành lập Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh cho thấy Chính phủ đã chú ý đến gắn kết giữa các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn trong điều hành. Chưa thể hài lòng Đồng thời, trong một năm của nhiệm kỳ mới, bên cạnh các nỗ lực và thành tựu, cũng bộc lộ một số vấn đề trong chỉ đạo, điều hành cần được khắc phục sớm. Điều hành nền kinh tế trong điều kiện rất khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước, sự chỉ đạo điều hành giữa các cơ quan, ban, ngành của đất nước, kể cả sự điều hành của Chính phủ có lúc, có nơi còn chưa kịp thời hoặc sự phối hợp còn chưa chặt chẽ. Một số bức xúc của người dân và doanh nghiệp đã từ lâu, nhưng chưa được giải quyết thấu đáo, trong đó trách nhiệm của cơ quan điều hành. Chẳng hạn, có đến hơn 70% khiếu kiện của người dân liên quan đến đất đai, nhưng việc chỉnh sửa hoặc báo cáo với Đảng và Quốc hội để chỉnh sửa các quy định về chính sách đất đai còn làm chậm. Hệ thống thông tin và điều tra nhanh để nắm tình hình khó khăn của đời sống nhân dân và doanh nghiệp, nhất là tình trạng đình đốn sản xuất, kinh doanh, đời sống cán bộ công chức khó khăn,… còn làm phần nào nặng về các nghiệp vụ hành chính, nên số liệu tình hình doanh nghiệp và đời sống nhân dân có lúc, có nơi còn chưa được toàn diện, kịp thời nên các giải pháp cũng chưa theo kịp yêu cầu. Một số chủ trương cụ thể về giảm và giãn lãi suất, về quản lý vàng miếng,… tuy đã được chú ý nhưng triển khai còn chậm, có phần còn nặng về lợi ích của các ngân hàng thương mại, các doanh nghiệp lớn mà chưa tính kịp thời đến yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, có khả năng tạo nhiều việc làm và người dân nói chung. Việc điều hành linh hoạt hơn, phối hợp chặt chẽ hơn giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cũng cần được cân nhắc để hỗ trợ thị trường, giảm nhanh đình đốn sản xuất nhưng không gây nên lạm phát trong năm nay và các năm sau. Việc quản lý các doanh nghiệp nhà nước, các tập đoàn kinh tế cũng chậm được đổi mới, nhiều đầu mối nên không nắm chắc tình hình, hiệu quả không cao, có nhiều trường hợp gây thất thoát lớn, làm người dân bất bình. Tình trạng tham nhũng, lãng phí còn lớn, nhưng các giải pháp xử lý còn chậm, chưa có kiến nghị xử lý kịp thời với Đảng và Nhà nước, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhìn chung, các đổi mới về thể chế như khâu đột phá trong giải trình về các nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ đã chưa được triển khai mạnh mẽ, tương xứng, mặc dù trong một số việc quan trọng còn phải chờ đợi các quyết sách trước đó của Đảng và Quốc hội. Mặc dù còn một số yếu kém, thậm chí sai sót, nhưng có thể nói, trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ, đã thể hiện những nỗ lực to lớn của mọi thành viên Chính phủ, của tập thể Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, với những kết quả không thể phủ nhận. Người dân khi đánh giá ưu điểm, tiến bộ, cũng muốn gửi cả lời phê bình, đánh giá các yếu kém và mong Chính phủ trong 4 năm tiếp theo sẽ hoàn thành càng tốt hơn nhiệm vụ được Đảng, Quốc hội và nhân dân tin cậy, giao phó, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội, tạo thế và lực mới trong tiến trình đổi mới và hội nhập quốc tế.

Theo chinhphu.vn