Xây dựng nông thôn mới ở Sơn Động

Lượt xem: 85

Diện mạo nông thôn miền núi ở Sơn Động đổi mới từng ngày

Quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Huyện uỷ, UBND huyện coi “Xây dựng nông thôn mới (NTM) như một cuộc cách mạng, cần đánh chắc, tiến chắc, không nên nóng vội, làm đến đâu hiệu quả đến đấy, tránh việc chạy theo thành tích sẽ gây lãng phí nguồn lực đầu tư vốn đã rất hạn chế”, thời gian qua, cùng với việc tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về việc thực hiện Chương trình tới các ngành, các địa phương và tuyên truyền rộng rãi tới đông đảo quần chúng nhân dân, huyện đã tập trung cao chỉ đạo tiến hành quy hoạch xây dựng NTM đi trước một bước. Theo báo cáo của BCĐ huyện, đến nay toàn huyện đã phê duyệt xong quy hoạch xây NTM của 12/21 xã, trong đó có 4 xã thực hiện xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2015 là Tuấn Đạo, Vĩnh Khương, An Lập và Vân Sơn; phê duyệt xong đồ án xây dựng NTM cho 7 xã là An Lập, An Lạc, Long Sơn, Tuấn Mậu, An Bá, An Châu và Vân Sơn; phê duyệt xong nhiệm vụ thiết kế cho 7 xã Yên Định, Cầm Đàn, Quế Sơn, Giáo Liêm, Lệ Viễn, Dương Hưu, Hữu Sản. Các xã còn lại đang tiếp tục chỉ đạo để đến cuối năm nay sẽ hoàn thành công tác quy hoạch, trên cơ sở đó lập đề án chi tiết cho từng địa phương để có hướng triển khai hợp lý.

Cùng với công tác quy hoạch, hơn một năm qua, huyện đã tập trung huy động tối đa nguồn lực từ các Chương trình, Dự án của Nhà nước, gắn việc xây dựng cơ sở hạ tầng và các mục tiêu an sinh xã hội với xây dựng NTM với tổng kinh phí trên 163 tỉ đồng, trong đó đầu tư cho giao thông trên 98,7 tỉ đồng; thuỷ lợi trên 34 tỉ đồng; trường học trên 16,5 tỉ đồng; y tế trên 4,2 tỉ đồng; đầu tư trụ sở, nhà văn hoá trên 23,7 tỉ đồng; Dự án hỗ trợ sản xuất và đời sống trên 11,4 tỉ đồng; Vốn chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM năm 2011 trên 2,5 tỉ đồng; nguồn vốn do nhân dân đóng góp gần 1,3 tỉ đồng. Nguồn vốn đối ứng của nhân dân quy ra giá trị vật chất tuy chưa nhiều, chủ yếu bằng việc hiến đất, tặng cây để phục vụ giải phóng mặt bằng xây dựng các công trình phúc lợi chung, song theo đánh giá UBND huyện thì đó là những nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa chính trị, xã hội rất sâu sắc, thể hiện sự đồng thuận cao của đông đảo người dân về các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp triển khai các bước thực hiện xây dựng NTM do huyện đề ra. Theo đó, mỗi khi xây dựng các công trình đường giao thông nông thôn, phần lớn các hộ dân tại các địa phương trong huyện đã tự nguyện hiến một phần đất ở, đất sản xuất có chủ cho địa phương để mở rộng hành lang, nắn tuyến, có hộ tình nguyện hiến hàng nghìn mét vuông đất mà không đòi hỏi bất cứ điều kiện nào. Đó cũng chính là việc huy động sức dân tham gia có hiệu quả vào Chương trình xây dựng NTM mà không phải địa phương nào cũng làm được.

Đối với vấn đề thu hút vốn đầu tư, cấp ủy, chính quyền huyện xác định phương châm: “Doanh nghiệp phát tài, địa phương phát triển“. Theo đó, lãnh đạo huyện thường xuyên quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng, thủ tục cấp phép kinh doanh, cho thuê đất, ưu đãi thuế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào huyện. Hiện nay, có một số doanh nghiệp lớn của Trung ương và Quân đội đang sản xuất kinh doanh hiệu quả trên địa bàn như: Công ty TNHH MTV 45 thuộc Tổng Công ty Đông Bắc, Bộ Quốc phòng – là doanh nghiệp quân đội chuyên khai thác chế biến than, có khoảng 2.000 cán bộ công nhân viên, trong đó 1.100 công nhân là lao động địa phương đang làm việc với mức thu nhập ổn định trên 9 triệu đồng/người/tháng; Nhà máy nhiệt điện Sơn Động gồm 2 tổ máy phát điện với công suất 220 MW, thu hút 300 lao động; Nhà máy may thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam, tạo việc làm cho hơn 400 lao động địa phương… Cùng với tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại các địa phương, các doanh nghiệp này còn đóng góp đáng kể vào việc tăng thu ngân sách cho tỉnh và huyện, riêng 2 doanh nghiệp Điện – Than mỗi năm nộp trên 100 tỉ đồng cho ngân sách tỉnh Bắc Giang và huyện Sơn Động. Lãnh đạo huyện xác định các doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn chính là động lực trong phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Theo đó, huyện chủ trương vận động mỗi doanh nghiệp lớn sẽ nhận đỡ đầu một địa phương khó khăn, hàng năm hỗ trợ địa phương nhận đỡ đầu về vốn đầu tư phát triển những công trình phúc lợi, văn hóa, xây dựng nhà ở cho các hộ nghèo, hộ gia đình chính sách… Qua đó sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng NTM tại các địa phương trong huyện.

Kết quả rà soát đến thời điểm này, toàn huyện có một xã là Tuấn Đạo đạt được 6/19 tiêu chí nông thôn mới; 8 xã là: An Lập, Yên Định, Vân Sơn, Long Sơn, Quế Sơn, Dương Hưu, Phúc Thắng và Hữu Sản hoàn thành 5/19 tiêu chí; 7 xã đạt 4 tiêu chí, 2 xã đạt 3 tiêu chí, 2 xã đạt 1 tiêu chí, riêng có xã Thạch Sơn chưa đạt tiêu chí nào.

Phát huy những kết quả đã đạt được, hiện nay UBND huyện đang tiếp tục tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hoàn chỉnh quy hoạch, tạo điều kiện tốt nhất để thu hút các nhà đầu tư vào huyện đầu tư sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gạch không nung, phát triển du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa – tâm linh gắn với quần thể di tích chùa Đồng – Yên tử. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường giao thông nông thôn, hệ thống thuỷ lợi, nhà văn hoá gắn với xây dựng NTM; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất đối với các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao gắn với tạo vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung và chế biến, bảo quản, tiêu thụ sau thu hoạch; quan tâm hỗ trợ phát triển các làng nghề nông thôn, kinh tế trang trại, kinh tế hộ cá thể và nhóm hộ, từng bước nâng cao mức thu nhập cho nông dân và góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo các tiêu chí của NTM, phấn đấu trong năm 2012 tại 4 xã điểm đạt thêm từ 2 đến 3 tiêu chí, các xã còn lại đạt thêm từ 1 đến 2 tiêu chí NTM./.

Bacgiang.gov.vn