Hiệp Hoà: “Bốn nhà” chung tay xây dựng Nông thôn mới

Lượt xem: 81

Th.sỹ Phạm Duy Trung, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Hiệp Hòa (bên phải) đang hướng dẫn bà con kỹ thuật đặt mầm khoai giống.

Băn khoăn, trăn trở với việc thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, Thạc sỹ Phạm Duy Trung, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hiệp Hòa tâm niệm “để khuyến khích bà con mạnh dạn làm giàu trên chính thửa đất của mình, không có tuyên truyền nào hiệu quả bằng việc cán bộ trực tiếp làm trước, sau đó hướng dẫn bà con cùng tham gia, từ đó sẽ khuyến khích phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, nâng cao giá trị nông sản”.

Nghĩ là làm, trên cơ sở nghiên cứu kỹ thị trường, nắm chắc kỹ thuật và điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, anh quyết định chọn cây khoai tây thuộc giống Atlantic cho năng suất cao, phù hợp với nhu cầu thị trường và đồng đất Hiệp Hòa làm cây chủ đạo để gieo trồng trong vụ Đông.

Kết quả sau vụ Đông năm 2011, với diện tích trên 10 ha, giá bán khoai tây thương phẩm là 6.500đ/kg, trừ chi phí anh thu lãi trên 110 triệu đồng; tạo việc làm cho trên 50 lao động với thu nhập hàng tháng từ 2,5 – 3 triệu đồng.

Với bước khởi đầu tương đối thuận lợi, vụ Đông năm nay anh đã tiến hành mở rộng diện tích lên trên 30 ha ở 02 xã Đức Thắng và Danh Thắng, đồng thời vận động thêm một số hộ nông dân cùng tham gia. Với kế hoạch trên, anh đã tạo việc làm cho khoảng gần 200 lao động có thu nhập ổn định.

Việc trồng khoai tây vụ Đông không phải là mới, nhưng nó mới ở cách làm, trên “Cánh đồng mẫu lớn” có sự kết hợp giữa “4 nhà” mà đích thân anh vừa là nhà khoa học vừa là nhà nông.

Thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ các xã, anh vận động những gia đình có ruộng không canh tác vào vụ Đông cho mượn ruộng, tập trung dồn vào những cánh đồng có diện tích lớn từ 10 đến 20ha trở lên. Sau đó, anh động viên bạn bè và một số hộ nông dân cùng tham gia đầu tư vốn, giống, vật tư phân bón, máy móc, thiết bị làm đất, thu hoạch. Đồng thời, sử dụng nhân công của những gia đình cho mượn ruộng, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch.

Sau khi nghiên cứu, tìm hiểu các doanh nghiệp chuyên đầu tư kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh, anh đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Tân Nông để liên kết, bao tiêu sản phẩm. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục suy nghĩ, tìm tòi mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” cho các nông sản khác là thế mạnh của huyện.

Với cách làm trên, ngành Nông nghiệp huyện Hiệp Hòa đã hiện thực hóa mô hình liên kết “4 nhà” nhằm tăng năng suất, chất lượng và giá trị nông sản, đảm bảo tính hiệu quả và bền vững của nền nông nghiệp hàng hóa. Những mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” thành công ở Hiệp Hòa sẽ được nhân rộng tại các địa phương là một động lực quan trọng, góp phần xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Bắc Giang./.

Bacgiang.gov.vn