Tổ chức hiệp thương lần thứ ba: Bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng người ứng cử

Lượt xem: 96

Hoàn thành hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử, xin ông cho biết những vấn đề cần rút kinh nghiệm để hội nghị hiệp thương lần thứ ba đạt kết quả tốt?

Ngày 17/3, Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX nhiệm kỳ 2021- 2026. Đến thời điểm này, các công việc đang được tiến hành theo đúng quy định, lịch trình, thời gian đã đề ra. Tại hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ủy ban MTTQ tỉnh đã lập danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa XV gồm 13 người (không bao gồm đại biểu của T.Ư) và đã lập danh sách sơ bộ 10.277 người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh, huyện, xã nhiệm kỳ 2021 – 2026.

 Đồng chí Trần Công Thắng chủ trì hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Trần Công Thắng chủ trì hội nghị hiệp thương lần thứ hai thỏa thuận, lập danh sách sơ bộ người ứng cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2026.

Sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, một số vấn đề cần được rút kinh nghiệm đó là: Các cơ quan liên quan cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn trong quá trình tổ chức thực hiện. Đặc biệt, quan tâm nội dung lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với những người ứng cử; đồng thời xác minh, trả lời các vụ việc cử tri nêu.

Hội nghị hiệp thương lần thứ ba là hội nghị thỏa thuận để lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND, do đó những người được giới thiệu phải là những người gương mẫu chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có phẩm chất đạo đức, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có năng lực, trình độ, có kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ ĐBQH và đại biểu HĐND, được cử tri tín nhiệm cao.

Tổ chức hội nghị lấy ý kiến cử tri đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp đang được tiến hành ở nơi cư trú của người ứng cử, vai trò của Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp như thế nào trong việc tổ chức tốt bước này?

Ngay sau hội nghị hiệp thương lần thứ hai, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tổ chức hội nghị hướng dẫn MTTQ cấp xã tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp; theo đó 13 người ứng cử ĐBQH (không bao gồm đại biểu của T.Ư); 148 người ứng cử đại biểu HĐND tỉnh; 654 người ứng cử đại biểu HĐND huyện và 9.475 người ứng cử đại biểu HĐND xã được tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú.

Yêu cầu đặt ra là phải triển khai một cách nghiêm túc, dân chủ, kịp thời, quán triệt để cử tri hiểu, nhận thức vai trò, trách nhiệm của mình trong việc giới thiệu người ứng cử. Qua các hội nghị vừa tổ chức, số lượng cử tri tham gia hội nghị đông đủ, sau khi nghe thông báo về các tiêu chuẩn, tiểu sử tóm tắt quá trình học tập, công tác của người ứng cử; trên tinh thần dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm, các cử tri rất tích cực phát biểu ý kiến bày tỏ sự phấn khởi, tin tưởng với chất lượng của ứng cử viên; đồng thời bày tỏ sự tín nhiệm cao đối với người ứng cử.

Điểm mới đáng chú ý trong quy trình giới thiệu người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND nhiệm kỳ này là yếu tố tín nhiệm của cử tri đối với người ứng cử. Nếu người được dự kiến giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử không đạt tín nhiệm hơn 50% tổng số cử tri tham dự hội nghị sẽ phải đưa ra khỏi danh sách. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của MTTQ trong quá trình bầu cử mà MTTQ các cấp đang nỗ lực quan tâm, chỉ đạo, thực hiện bảo đảm những người ứng cử đủ các tiêu chuẩn theo quy định.

Ông có lưu ý gì để cử tri thực hiện đầy đủ quyền lợi, trách nhiệm của mình khi tham gia hội nghị lấy ý kiến đối với người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp?

Vấn đề cần lưu ý là trong quá trình chuẩn bị tổ chức hội nghị, Ủy ban MTTQ các cấp đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động dưới nhiều hình thức; đặc biệt là phối hợp tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh để mỗi cử tri biết quyền và nghĩa vụ của mình tại hội nghị nhận xét và tín nhiệm đối với những người ứng cử. MTTQ cấp xã đã phối hợp với UBND cùng cấp có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả bảo đảm số lượng cử tri đến dự các hội nghị đông, chất lượng; đồng thời tạo môi trường thuận lợi để các cử tri thẳng thắn, cởi mở, thể hiện chính kiến của mình trước hội nghị.

Các ý kiến thảo luận và diễn biến hội nghị đều được ghi chép đầy đủ, đúng quy định. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các cấp đã lưu ý nếu phát sinh các vấn đề, vụ việc mà cử tri nêu ra cần phải được kiểm tra, xác minh, đây là nội dung quan trọng phát huy dân chủ trong nhân dân. Mặc dù ít song tại các hội nghị lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú đối với người ứng cử trên địa bàn tỉnh vẫn có một số trường hợp cử tri nêu, cần làm rõ đối với người ứng cử. MTTQ các cấp đã chủ động phối hợp với ủy ban bầu cử các cấp, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan để làm rõ các nội dung cử tri nêu, bảo đảm các tiêu chuẩn của đại biểu.

Sau khi lập danh sách chính thức, các ứng cử viên sẽ thực hiện quyền vận động bầu cử thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh làm gì để bảo đảm hoạt động này diễn ra đúng luật, hiệu quả?

Công tác chuẩn bị là yếu tố quan trọng của hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử. MTTQ các cấp cần phối hợp chuẩn bị chu đáo về địa điểm, thành phần mời và giấy mời; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng ở khu vực tổ chức hội nghị để đông đảo cử tri có điều kiện đến dự; phối hợp bảo đảm tốt an ninh trật tự tại các địa điểm tiếp xúc.

Thông báo kịp thời bằng văn bản ít nhất trước 7 ngày cho những người ứng cử về thành phần, thời gian, địa điểm tổ chức hội nghị để người ứng cử chủ động sắp xếp thời gian, liên hệ với địa phương tổ chức hội nghị về việc tham dự. Tóm tắt tiểu sử người ứng cử gửi đến các gia đình, phát thanh trên hệ thống loa công cộng. Người ứng cử có thể gửi chương trình hành động của mình cho các cử tri dự hội nghị tiếp xúc.

Trong quá trình chủ trì điều hành hội nghị, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ chú trọng đến việc tạo không khí dân chủ, cởi mở; tránh gò ép nhưng cũng không trao đổi vượt ra ngoài mục đích, yêu cầu của hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc. Bên cạnh đó, MTTQ cần có sự thống nhất chặt chẽ với Ủy ban bầu cử cùng cấp về số cuộc tiếp xúc cử tri, trên cơ sở đó thông báo cho người ứng cử để người ứng cử chủ động trong việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện. Đối với người ứng cử ĐBQH ít nhất là 10 cuộc. Đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp tỉnh ít nhất là 5 cuộc. Đối với người ứng cử đại biểu HĐND cấp huyện, cấp xã ít nhất là 3 cuộc.

 Tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại trung tâm thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế). Ảnh: Quang Huy

Tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 tại trung tâm thị trấn Cầu Gồ (Yên Thế). Ảnh: Quang Huy.

Xin ông cho biết những biện pháp, kinh nghiệm để thực hiện tốt vai trò giám sát của MTTQ đối với cuộc bầu cử lần này?

Để thực hiện tốt vai trò giám sát công tác bầu cử trong thời gian tới, MTTQ các cấp cần thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

Thứ nhất: Cần bám sát các nội dung, quy trình thực hiện công tác bầu cử theo hướng dẫn của T.Ư và kế hoạch giám sát đã xây dựng. Tập trung giám sát việc tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba lựa chọn, lập danh sách những người đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; việc lập danh sách cử tri trong khoảng thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ; lưu ý đối với việc lập danh sách cử tri là người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc; đối tượng được tha tù trước thời hạn có điều kiện; việc thực hiện các quy định về tiếp công dân, quy trình, thời hạn tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư liên quan đến công tác bầu cử; việc thông tin, phản ánh, kiến nghị của MTTQ các cấp đến các cơ quan có thẩm quyền để xem xét giải quyết, khắc phục.

Thứ hai: MTTQ các cấp thường xuyên phối hợp với các tổ chức thành viên và Thường trực HĐND cùng cấp giám sát và vận động nhân dân giám sát quá trình tổ chức cuộc bầu cử, góp phần bảo đảm để cuộc bầu cử diễn ra thật sự dân chủ và đúng pháp luật.

Thứ ba: Phối hợp chủ động nắm bắt tình hình, bám sát địa bàn cơ sở bảo đảm an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử, xử lý kịp thời các tình huống xảy ra; giải quyết tốt các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về công tác bầu cử và nhân sự ứng cử viên. Thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo về tiến độ triển khai công tác bầu cử; thường xuyên kiểm tra, giám sát, kịp thời chỉ đạo, giải quyết những vướng mắc, khó khăn ở địa phương, cơ sở.

Xin cảm ơn ông!

Nguồn: baobacgiang.com.vn