Chuyện lập nghiệp của “Vua” xe rùa

Lượt xem: 198

Lập nghiệp chốn quê

Thuyết phục mãi, Giám đốc Trần Văn Hùng mới dành thời gian gặp gỡ vào một ngày cuối tuần để chia sẻ với chúng tôi về hoạt động của doanh nghiệp. Qua trò chuyện, chúng tôi thấy đằng sau vẻ hiền lành, chất phác của người chủ doanh nghiệp này là bản lĩnh và quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đi đến thành công.

Ông Trần Văn Hùng (phải) kiểm tra sản xuất.

Ông Trần Văn Hùng (phải) kiểm tra sản xuất

Sinh ra, lớn lên tại thôn Bỉ, xã Ngọc Thiện (Tân Yên), 18 tuổi ông đi nghĩa vụ quân sự, sau đó về địa phương ôn luyện và thi đỗ vào Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng Công nghiệp Hà Nội (nay là Trường Đại học Công nghiệp).

Nhớ lại năm tháng đã qua, ông Hùng không khỏi bùi ngùi. “Nhìn mẹ mang cả gánh nặng cà chua đi bán mà chỉ đủ trang trải một phần chi phí học tập cho mình, tôi đã khóc vì thương mẹ. Do đó ngoài giờ học, tôi đến các cơ sở sản xuất cơ khí học và làm thêm để đỡ đần mẹ”. Chính những ngày tháng này đã giúp ông tích lũy thêm kinh nghiệm, nâng cao tay nghề.

Năm 1995, ông ra trường và về quê lập nghiệp với việc mở xưởng cơ khí nhỏ chuyên sản xuất các dụng cụ làm nông nghiệp tại địa phương như cuốc, xẻng… Qua quan sát, tìm hiểu một số phương tiện phục vụ xây dựng, ông Hùng nảy ra ý tưởng làm chiếc xe đẩy để chuyên chở vật liệu. Hơn 2 năm mày mò nghiên cứu, thiết kế, vay mượn tiền mua máy móc để sản xuất thử nghiệm, sau nhiều lần thất bại, ông Hùng đã thành công với việc tạo ra chiếc xe rùa, loại xe một bánh chuyên chở vật liệu phục vụ xây dựng công trình.

Tuy vậy, thời gian đầu, vợ chồng ông Hùng cứ mang xe ra bày rồi lại cất đi vì người dân trong vùng còn lạ lẫm với sản phẩm này. Thấy chồng vất vả nghiên cứu, chế tạo mà cả năm không có ai hỏi mua, vợ ông khuyên dừng lại nhưng bằng niềm tin với sản phẩm của mình, ông Hùng tăng cường giới thiệu sản phẩm, chở từng chiếc xe rùa đi gửi tại các cửa hàng trong và ngoài tỉnh nhờ bán.

Rồi dần dần, có người gọi điện đặt mua xe rùa, sử dụng thấy tiện lợi, người này giới thiệu cho người kia và khách hàng ngày càng đông. Từ đó, xưởng chỉ tập trung sản xuất xe rùa, một mình làm không xuể, ông tuyển thêm thợ cùng làm. Quy mô sản xuất ngày càng được mở rộng và cái tên “Hùng xe rùa” cũng gắn liền với ông.

Xe rùa Hùng Thảo.

Xe rùa Hùng Thảo.

Đưa chúng tôi đi tham quan khu nhà xưởng tại xã Ngọc Châu, ông Hùng cho biết, cơ sở này mới hoàn thành và đi vào hoạt động được hai năm có vị trí gần đường lớn để thuận tiện giao dịch, vận chuyển hàng hóa. Trên tổng diện tích 17 nghìn m2, ông xây hai khu nhà xưởng để sản xuất xe rùa. Nhìn nhà xưởng quy mô và hệ thống máy móc khá hiện đại, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi được biết 80% máy móc là tự chế.

Trong những năm qua, ông Hùng nghiên cứu chế tạo nhiều loại máy để phục vụ sản xuất xe rùa như máy uốn khung, máy ép thủy lực… Doanh nghiệp của ông hiện tạo việc làm cho hơn 20 lao động chính và 40 lao động thời vụ đều là người địa phương với thu nhập bình quân 6-7 triệu đồng/người/tháng, trong đó nhiều người là cựu chiến binh, thương binh.

Trong câu chuyện, những lao động tại đây đều bày tỏ sự quý trọng vợ chồng chủ doanh nghiệp. Họ cảm kích không chỉ bởi vợ chồng ông Hùng đã tạo cho họ việc làm và thu nhập ổn định ngay trên quê hương mà còn bởi cách ứng xử với người lao động rất gần gũi, tình cảm.

Xe rùa xuất ngoại

Trước kia nơi công trình, đồng ruộng, người lao động chỉ quen gồng gánh trĩu nặng hai vai thì nay trở nên thuận tiện, nhẹ nhàng với việc đẩy chiếc xe rùa nhỏ gọn chuyên chở vật liệu, lúa, phân bón, thức ăn chăn nuôi… đi mọi địa hình. “Thật hạnh phúc khi sản phẩm của mình làm ra có ý nghĩa xã hội, nhờ nó người lao động đỡ vất vả hơn” – ông Hùng chia sẻ.

Năm 2019, 2020, xe rùa Hùng Thảo được công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh và miền Bắc. Hiện sản phẩm không chỉ được cung ứng trong thị trường miền Bắc mà còn được xuất khẩu sang thị trường Úc, Ba Lan, New Zealand.

Để sản phẩm hữu ích hơn, ông Hùng không ngừng tiếp thu ý kiến góp ý của người sử dụng để cải tiến chiếc xe ngày càng chất lượng mà giá thành rẻ. Trước thực trạng lốp xe máy cũ bỏ nhiều, chưa có cách xử lý, ông đã thu gom, tận dụng tái chế làm lốp xe rùa vừa tạo ra sản phẩm tốt lại giảm chi phí, đồng thời góp phần làm sạch môi trường.

Xuất phát là nông dân, thấm thía sự vất vả của người dân trong đó có cha mẹ mình nên ban đầu, ông Hùng chỉ mong muốn chế tạo ra phương tiện giải phóng sức lao động cho người nông dân. Chính ông cũng không nghĩ một ngày chiếc xe rùa của mình có mặt và được sử dụng rộng rãi khắp các tỉnh, thành trên cả nước.

Đã qua thời vợ chồng ông phải chở từng chiếc xe đi chào hàng, giờ đây, tiếng lành đồn xa, nhiều người đã tự tìm đến đặt mua và sử dụng xe rùa Hùng Thảo. Đặc biệt, nhiều tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực thủy điện, than, sữa đã đặt hàng nghìn sản phẩm để làm quà tặng bà con nông dân một số địa phương trong nước.

Đáng mừng hơn là từ năm 2019, một số doanh nghiệp đã liên hệ đặt sản phẩm xe rùa Hùng Thảo để xuất khẩu sang các nước: Úc, Ba Lan, New Zealand. Thực tế, xuất khẩu được sang một số nước giúp giá trị sản phẩm của Công ty TNHH Cơ khí Hùng Thảo tăng cao. Tuy nhiên, để đạt tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường đó, từng công đoạn sản xuất đều phải bảo đảm độ chính xác cao. Nhằm đáp ứng nhu cầu, ông phải đầu tư xây dựng khu nhà xưởng, trang bị máy móc hiện đại chuyên phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.

“Ôn cố tri tân”, ông Hùng bật cười nhớ lại cảnh mấy năm trước mình đi dép tổ ong, xách túi đến các sở, ngành đăng ký thành lập doanh nghiệp, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm xe rùa. Ông Hùng cho rằng mình may mắn khi trên bước đường lập nghiệp luôn có người vợ hiền kề vai, sát cánh, chia ngọt, sẻ bùi và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp ngành, chính quyền địa phương.

Để đến nay, mỗi năm công ty sản xuất hàng chục nghìn chiếc xe rùa, doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng và đóng góp hàng trăm triệu đồng vào ngân sách nhà nước. Năm 2019, 2020, xe rùa Hùng Thảo còn được công nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp tỉnh và miền Bắc.

Câu chuyện lập nghiệp của “Vua xe rùa” Trần Văn Hùng với chúng tôi gián đoạn khi có đối tác đến làm việc, hoàn thiện thủ tục để xuất khẩu sản phẩm sang Mỹ. Khi chia tay, người chủ doanh nghiệp cho biết thêm, trong năm mới sẽ tiếp tục tìm hiểu, nắm bắt, tiếp cận để đưa sản phẩm đến các thị trường, không chỉ trong nước mà đẩy mạnh xuất khẩu.

Chia tay, trong chúng tôi ấn tượng mãi về khung cảnh sản xuất sôi động giữa vùng quê, góp phần tạo ra việc làm và cuộc sống no ấm cho nhiều người dân nơi đây.

Nguồn: baobacgiang.com.vn