Tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi

Lượt xem: 186

I. Đối tượng:

Là hộ nông dân sản xuất kinh doanh trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ , đã đăng ký danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi do Hội Nông dân các cấp phát động.

II.Tiêu chuẩn

1.Tiêu chuẩn chung:

1.1. Là hộ nông dân gương mẫu chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, nghị quyết của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và Điều lệ, nghị quyết của Hội, tích cực tham gia các phong trào thi đua do Hội Nông dân phát động .

1.2. Năng động, sáng tạo, trong cơ chế thị trường; dám nghĩ, dám làm, khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực vốn, lao động, đất đai…

1.3. Mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ mới vào sản xuất, kinh doanh đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao. Áp dụng mô hình sản xuất gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hoá; đi đầu trong việc thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm, sản xuất thực phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường nông thôn và tích cực vận động mọi người cùng thực hiện.

1.4. Tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động ở nông thôn.

1.5.Hăng hái tham gia các hoạt động xã hội, có tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái trong sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống; giúp đỡ những hộ nghèo, hộ chính sách, hộ gặp hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn ở địa phương vượt qua nghèo khó vươn lên.

1.6. Có ý thức xây dựng tổ chức Hội; tích cực đóng góp xây dựng Quỹ Hỗ trợ Nông dân, Quỹ xây dựng Hội; mua, đọc và tuyên truyền những nội dung do Báo Nông thôn ngày nay, tạp chí Nông thôn mới và các bản tin khác của Hội phát hành. Tuyên truyền vận động nông dân tự nguyện vào tổ chức Hội, được công nhận là gia đình văn hoá.

2. Tiêu chuẩn cụ thể: Ngoài các tiêu chuẩn chung, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi phải đạt các tiêu chí cụ thể theo từng đối tượng:

– Đối tượng I : là những hộ nông dân ở các thành phố trực thuộc Trung ương.

– Đối tượng II: là những hộ nông dân ở khu vực đồng bằng, trung du.

– Đối tượng III: là những hộ nông dân ở khu vực miền núi, vùng cao.

Tiêu chuẩn đối với từng cấp như sau:

2.1. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở:

– Tích cực hướng dẫn phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo thêm việc làm mới có tác dụng tốt đối với hội viên nông dân, hàng năm phổ biến kiến thức và kinh nghiệm làm ăn cho ít nhất 10 lao động trở lên.

– Hàng năm giúp 01 hộ nghèo, hộ khó khăn trở lên về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất để phát triển sản xuất.

– Có thu nhập (đã trừ chi phí)/ năm đạt:

+ Đối tượng I: 1.400.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (một triệu bốn trăm ngàn đồng).

+ Đối tượng II: 1.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (một triệu đồng).

+ Đối tượng III: 800.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (tám trăm ngàn đồng).

2.2. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, thị, quận, thành phố trực thuộc tỉnh:

Lựa chọn trong số những hộ đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở từ 3 năm liên tục trở lên và đạt các tiêu chuẩn sau:

– Tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn ( khi có yêu cầu ).

– Hàng năm hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho ít nhất 20 lao động trở lên.

– Mỗi năm giúp đỡ cho ít nhất 7 lao động có việc làm và giúp đỡ 3 lượt hộ nghèo , hộ khó khăn về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất .

– Có thu nhập (đã trừ chi phí)/ năm đạt:

Đối tượng I: từ 2.600.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Hai triệu, sáu trăm ngàn đồng).

Đối tượng II: từ 2.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Hai triệu đồng).

Đối tượng III: từ 1.400.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Một triệu, bốn trăm ngàn đồng).

2.3. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:

Lựa chọn trong số những hộ nông dân 5 năm liên tục đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp cơ sở, trong đó có 3 lần trở lên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, thị, quận, thành phố (thuộc tỉnh) và đạt các tiêu chuẩn sau:

– Tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn ( khi có yêu cầu ).

– Hàng năm hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh cho ít nhất 25 lao động trở lên.

– Mỗi năm giúp đỡ cho ít nhất 15 lao động có việc làm và giúp đỡ 5 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn trở lên về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất.

– Có thu nhập (đã trừ chi phí)/ năm đạt:

Đối tượng I: từ 5.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Năm triệu đồng).

Đối tượng II: từ 3.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Ba triệu đồng).

Đối tượng III: từ 2.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Hai triệu đồng).

2.4. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương:

Lựa chọn trong số những hộ nông dân 5 năm liên tục đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, quận; trong đó có 3 lần trở lên đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, thành phố (trực thuộc trung ương); là điển hình xuất sắc nhiều mặt và đạt các tiêu chuẩn sau:

– Quy mô sản xuất ngày càng mở rộng theo hướng sản xuất lớn hiệu quả cao, sản phẩm hàng hoá có chất lượng, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hiện liên kết giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm và có thị trường ổn định.

– Tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn ( khi có yêu cầu ).

– Hàng năm tạo việc làm ổn định cho 20 lao động trở lên, giúp đỡ 7 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn trở lên về kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất.

– Có thu nhập (đã trừ chi phí)/ năm đạt:

Đối tượng I: từ 10.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Mười triệu đồng).

Đối tượng II: từ 6.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Sáu triệu đồng).

Đối tượng III: từ 4.000.000đ trở lên/ khẩu/ tháng (Bốn triệu đồng).

III. Bình xét danh hiệu thi đua các cấp

Căn cứ vào văn bản hướng dẫn thi đua, khen thưởng của Ban Thường vụ Trung ương Hội; hàng năm các cấp hội tổ chức bình xét các danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, đề nghị xét công nhận và khen thưởng theo các tiêu chí trên, như sau:

1. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp xã, phường do Hội Nông dân xã, phường công nhận, ghi sổ vàng truyền thống và cấp giấy chứng nhận.

2. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện, thị do Hội Nông dân huyện, thị công nhận, ghi sổ vàng truyền thống và cấp giấy chứng nhận.

3. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh, thành phố do Hội Nông dân tỉnh, thành phố tặng giấy khen và cấp giấy chứng nhận.

4. Danh hiệu hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương Hội cấp giấy chứng nhận theo đề nghị của các tỉnh, thành hội.

Ngoài việc cấp giấy chứng nhận; các cấp hội có thể xét khen thưởng hoặc đề nghị các cấp uỷ Đảng, chính quyền hoặc Hội cấp trên khen thưởng đối với những hộ nông dân SXKD gỏi tiêu biểu xuất sắc.

Hình thức và kích thước giấy chứng nhận được thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ Quy định này, yêu cầu Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố báo cáo cấp uỷ Đảng, phối hợp với chính quyền, các ngành, đoàn thể tại địa phương cụ thể hoá thành các chỉ tiêu thi đua phù hợp với điều kiện thực tiễn từng nơi, từng loại hình sản xuất kinh doanh.

2. Các cấp Hội cần tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn phong trào thi đua, coi trọng việc nhân rộng điển hình tiên tiến, thúc đẩy phong trào thi đua phát triển sâu, rộng. Khi cần thiết có thể tiến hành kiểm tra chéo, trao đổi học tập kinh nghiệm lẫn nhau và đảm bảo cho việc bình xét, suy tôn danh hiệu thi đua thực sự dân chủ, khách quan, tăng cường đoàn kết trong nông thôn.

3. Hàng năm các cấp Hội tổ chức phát động, đăng ký các danh hiệu thi đua thực hiện vào đầu quý I; Tổng kết đánh giá phong trào, bình xét suy tôn, công nhận danh hiệu thi đua vào tháng 12.

4. Về tổ chức Hội nghị: tổng kết và biểu dương, khen thưởng điển hình tiên tiến xuất sắc.

4.1 Đối với cấp xã, phường mỗi năm tổ chức một lần.

4.2 Đối với cấp huyện, quận, thị xã và tỉnh ( thành phố ) 5 năm tổ chức hội nghị hai lần.

-Hội nghị lần thứ nhất, tổ chức vào quý III năm 2014.

– Hội nghị lần thứ hai, tổ chức vào quý IV năm 2016.

4.3 Cấp Trung ương 5 năm tổ chức hội nghị một lần: Hội nghị tổng kết 5 năm (2012-2017) của Trung ương Hội được tổ chức vào Quý III năm 2017.

V. Thực hiện chế độ báo cáo

– Yêu cầu các tỉnh, thành Hội hàng năm có kế hoạch tổ chức hội nghị, đánh giá kết quả phong trào thi đua và báo cáo danh sách các hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp về Trung ương Hội (Qua Ban Kinh tế và Ban Tổ chức TW Hội ).

– Thời gian nộp báo cáo chậm nhất vào ngày 20 tháng 12 hàng năm.

Quy định này thay thế cho Quy định Số : 135 -QĐ/HND, Ngày 04 tháng 4 năm 2008 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Ban biên tập